12:23 26/12/2011

Trắng đêm tìm hy vọng

Mờ sáng, chúng tôi có mặt tại cửa biển Cửa Đại, TP Hội An. Sóng đã thôi những cơn cuộn trào, nhưng biển vẫn động dữ dội. Dọc cửa biển Cửa Đại thấp thoáng những ánh đèn pin và tiếng nói khàn đặc của những chiến sỹ đang làm công tác cứu hộ.

Nước mắt người trên bờ

Mờ sáng, chúng tôi có mặt tại cửa biển Cửa Đại, TP Hội An. Sóng đã thôi những cơn cuộn trào, nhưng biển vẫn động dữ dội. Dọc cửa biển Cửa Đại thấp thoáng những ánh đèn pin và tiếng nói khàn đặc của những chiến sỹ đang làm công tác cứu hộ. Mùi nhang đèn bay khắp một góc trời. Bên cạnh những gương mặt lo âu của những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn là những khuôn mặt thất thần, đau đớn của người thân của các nạn nhân bị mất tích. Họ ngồi xung quanh các nhóm lửa, mắt hướng về phía biển. Thỉnh thoảng lại có người khóc nấc lên, kêu gào tên người mất tích, cũng có người thiếp đi vì mỏi mệt và thương tiếc người thân.

Bí thư Thành ủy Hội An, Nguyễn Sự trao tiền hỗ trợ cho các nạn nhân may mắn thoát chết.



Gục đầu lên người thân của mình, chị Nguyễn Thị Lượng (24 tuổi) vợ của Trung úy Bùi Phước Tâm nghẹn ngào nói: Hai vợ chồng lấy nhau gần được 5 năm, có một đứa con trai gần 4 tuổi nhưng anh đi làm miết. Trưa qua nghe tin anh đưa quân ra Tam Kỳ huấn luyện nên chạy ra đây đón anh về nhà chơi với con một lát, ai ngờ...

Bên cạnh chị Lượng là bố mẹ, anh chị em của anh Tâm. Họ cũng đang mong mỏi đếm từng phút giây hy vọng sẽ có tin của anh, dù biết chẳng còn hy vọng gì về sự sống. Theo người nhà, anh Tâm năm nay mới 28 tuổi nhưng đã gia nhập lực lượng quân đội được 11 năm. Nhờ phấn đấu làm việc, anh được đơn vị cử đi học 3 năm Trường Sỹ quan Lục quân 2 (Đồng Nai) và vừa trở lại công tác ở tiểu đoàn D70 đóng tại xã đảo Tân Hiệp. Bố mẹ của Tâm có 3 người con, anh là con trai cả. Cuộc sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên gia đình cũng không khá giả gì, chỉ mình anh có nghề nghiệp ổn định nên anh là hy vọng của cả gia đình.

Ở một khúc bờ khác, anh Đặng Ngọc Trinh ở Bình Sa, Thăng Bình cũng đang mòn mỏi chờ đợi tin em trai là Đặng Ngọc Thiện trong vô vọng. Thiện năm nay mới 19 tuổi, em nhập ngũ được 4 tháng và ra đảo Cù Lao Chàm 1 tháng. Đợt này, Thiện cũng được đơn vị cử đi huấn luyện ở Tam Kỳ. “Nó nhập ngũ từ 4 tháng nay, nhà làm nông nên sợ về bố mẹ lại đi vay tiền cho nó đi nên từ lúc đi đến giờ vẫn chưa chịu về nhà. Bây giờ gia đình vẫn chưa cho mẹ biết, bà thương nó lắm. Sau khi huấn luyện ở thao trường 3 tháng, nó có gửi nhật ký về cho nhà, bà mẹ đọc xong mà nhớ nó khóc miết. Giờ bà mà nghe tin này, không biết sao nữa. Tội nghiệp...”, anh Trinh xúc động kể.

Nỗ lực cứu nạn

Như báo Tin Tức đã đưa, vụ chìm tàu thảm khốc xảy ra vào khoảng 12 giờ 30 phút ngày 25/12 chỉ cách cửa biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) khoảng 400m đã làm 2 người chết, 28 người may mắn thoát chết và 5 cán bộ, chiến sỹ của Tiểu đoàn D70 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam mất tích dưới biển sâu. Chiếc tàu mang số hiệu Qna 0063 của Tiểu đoàn 70 đang chở các cán bộ, chiến sỹ từ xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An) vào đất liền đi làm nhiệm vụ thì gặp nạn. Sau một ngày, đêm tìm kiếm, thông tin về những nạn nhân xấu số vẫn bặt vô âm tín và đồng đội, người thân của họ đang mòn mỏi chờ đợi trong vô vọng.

Người thân chờ đợi tia hy vọng.


Ngay sau khi vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, những người dân ở khối phố Phước Thịnh, phường Cửa Đại (TP Hội An) đã không kể gió lạnh cùng với các cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng 260 thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Nam, đóng ở cửa biển Cửa Đại, đã cấp tốc có mặt ứng cứu. Anh Nguyễn Cường (40 tuổi) ở khối Phước Thịnh kể lại, lúc chúng tôi cùng lực lượng bộ đội biên phòng ở Đồn 260 chạy ra thì đã thấy nhiều người bám trên các thùng phuy, một số người đang cố bơi vào bờ. Sóng đánh dữ quá, trời thì lạnh nhưng tôi cùng nhiều thanh niên và ngư dân ở khối phố Phước Thịnh, phường Cửa Đại vẫn kết dây bơi ra kéo đưa được hàng chục người vào bờ.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thảo, Trưởng ban cứu hộ cứu nạn Quân khu 5, tối 25/12 ở khu vực trên biển hơn 100 cán bộ, chiến sỹ và người dân ở các tàu đã thức trắng đêm với nỗ lực tìm kiếm những người còn mất tích. Còn dọc bãi biển, gần 150 người là lực lượng dân quân ở các địa phương đang men theo dọc bờ biển từ Tam Kỳ ra tới Đà Nẵng với hy vọng sóng lớn sẽ đưa những người bị mất tích dạt vào bờ. Do sóng lớn và trời rét buốt nên các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Trong đêm 25/12, các lực lượng chức năng đã phải lập các lán trại ở ngay dọc biển để túc trực và triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Trước đó, trực thăng cứu hộ của Sư đoàn 372 của Quân khu 5 cũng đã được điều động vào tham gia tiếp ứng cùng các phương tiện tìm kiếm cứu nạn khác.

Đến tối 26/12, cuộc tìm kiếm 5 cán bộ, chiến sỹ của Tiểu đoàn 70, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam mất tích vẫn chưa có dấu hiệu gì. Trưa cùng ngày, Tiểu đoàn đặc công 409 của Quân khu 5 gồm 20 người đã được điều động phối hợp với các lực lượng lặn tìm kiếm người mất tích. Hiện các lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục tập trung công tác tìm kiếm người bị nạn.

Chiều 26/12, Trung tướng Đào Duy Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tới thăm hỏi và “thưởng nóng” cho 7 người dân cùng 1 chiến sỹ của lực lượng biên phòng đã dũng cảm cứu người gặp nạn trong vụ chìm tàu. Thay mặt Bộ Quốc phòng, Trung tướng Đào Duy Minh cũng đã tới chia buồn cùng gia đình 2 nạn nhân đã chết và hỗ trợ gia đình chi phí mai táng mỗi người 50 triệu đồng. Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định hỗ trợ chi phí mai táng cho thân nhân những người xấu số với mức 5 triệu đồng/người và hỗ trợ người bị nạn còn sống với mức 1 triệu đồng/người. UBND TP Hội An cũng quyết định hỗ trợ cho mỗi người bị nạn 1,5 triệu đồng...



Bài và ảnh: Hứa Chung