10:23 17/10/2011

Trắng đêm cùng người biểu tình “Chiếm Luân Đôn”

Phong trào biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall” từ Mỹ đã lan rộng ra ít nhất 951 thành phố thuộc 82 quốc gia trên thế giới, trong đó có thủ đô Luân Đôn của nước Anh. Phóng viên TTXVN thường trú tại Anh đã cùng trải qua một đêm trắng với những người biểu tình ở Khu tài chính Luân Đôn.

Phong trào biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall” từ Mỹ đã lan rộng ra ít nhất 951 thành phố thuộc 82 quốc gia trên thế giới, trong đó có thủ đô Luân Đôn của nước Anh. Phóng viên TTXVN thường trú tại Anh đã cùng trải qua một đêm trắng với những người biểu tình ở Khu tài chính Luân Đôn.

Người biểu tình thức trắng đêm ở Khu tài chính Luân Đôn.

Jennifer ngồi co ro trong chiếc chăn dạ, lắng nghe bản “Serenade” trữ tình hòa quyện cùng ánh nến bập bùng trước thềm Nhà thờ Saint Paul cổ kính. Cùng với khoảng 300 người khác, cô có một đêm không ngủ để chờ đến sáng thứ hai, khi trung tâm tài chính Luân Đôn bắt đầu một tuần làm việc mới.
Động lực kéo Jennifer ra khỏi nhà đến ngồi giữa cái lạnh khoảng 12 độ C là cuộc biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall” ở Mỹ, hiện đã lan ra hầu hết các trung tâm tài chính ngân hàng trên khắp thế giới, từ Toronto (Canađa), Rôma (Italia) tới Xinhgapo, Hồng Công (Trung Quốc)... Cũng như nhiều người biểu tình khác, Jennifer không có việc làm. Nhiều người cắm trại đêm nay với cô thì đã về hưu. Họ có một điểm chung, đều là những người bị tác động lớn nhất của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trước cửa Nhà thờ Saint Paul, bầu không khí không khác gì một buổi cắm trại tập thể ngoài trời. Gần hai trăm chiếc lều tạm được dựng lên bên hông nhà thờ, cũng là phía trước cổng vào của Sàn Giao dịch chứng khoán Luân Đôn. Đây đó mọi người tụ tập ăn uống, trò chuyện, ca hát. Điểm khác duy nhất đó là những băng rôn khẩu hiệu kiểu “Tư bản là khủng hoảng,” “Ngân hàng kiếm lời, môi trường lãnh đủ,” “Phản đối cắt giảm ngân sách”... Những người biểu tình cho rằng cuộc sống khó khăn của họ hôm nay là hậu quả của lòng tham của giới tư bản tài chính, cũng như sự điều hành kém của chính phủ Anh.

Trong một thông điệp ngày 17/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ cảm thông đối với sự bất bình thể hiện trong phong trào biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall” đang ngày một lan rộng khắp nước Mỹ và trên thế giới. Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Tổng thống Obama “tiếp tục ghi nhận sự thất vọng của những người biểu tình và chia sẻ quan điểm rằng Oasinhtơn cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp kích thích tăng trưởng để vực dậy nền kinh tế và bảo vệ quyền lợi của 99% người dân Mỹ”. Cùng ngày, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ, ông hiểu rằng phong trào biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall” đang lan rộng do sự thất vọng xuất phát từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh, những người lãnh đạo tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) cần lắng nghe người dân và đưa ra những kế hoạch khả thi để giải quyết vấn đề. Theo ông, các hoạt động kinh doanh thông thường, hoặc chỉ tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước, sẽ không thể giúp giải quyết một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng mang tính toàn cầu.

Ban tổ chức cho biết, có khoảng 200 - 300 người thay nhau bám trụ qua đêm trước cửa Nhà thờ Saint Paul để duy trì một lực lượng đông đảo cần thiết. Mọi vật dụng sinh hoạt tại chỗ, từ đồ ăn thức uống, đồ vệ sinh và thậm chí cả chăn đệm đều được ban tổ chức cung cấp miễn phí, với nguồn quyên góp từ những người biểu tình.

Ban tổ chức còn lập hẳn một “Trung tâm thông tin” hướng dẫn những người mới đến, kêu gọi quyên góp tiền và vật phẩm; có cả một bảng phân công nhiệm vụ người túc trực, ban liên lạc, người dọn dẹp vệ sinh tại khu vực cắm trại. Một bếp ăn tập thể được ban tổ chức dựng lên với bánh mì, xúc xích, bơ sữa, hoa quả..., tất cả đều phục vụ miễn phí. Tuy nhiên, nhiều người thích tự mang theo đồ ăn của riêng họ.

Andrian, một người tham gia cắm trại qua đêm, nói: “Họ dựng bếp ở đằng kia từ hôm qua. Đồ ăn rất tuyệt. Nhưng tôi và bạn gái nghĩ rằng không biết cuộc biểu tình sẽ kéo dài đến khi nào. Vì vậy, chúng tôi mang theo dụng cụ và đồ ăn riêng”.

Sự thân thiện của người biểu tình đã khiến đại diện của Nhà thờ Saint Paul, một trong những nhà thờ nổi tiếng nhất và đẹp nhất nước Anh, nói rằng họ vui mừng thấy mọi người “thực hiện quyền biểu tình ôn hòa” và cảnh sát không còn cần thiết phải bảo vệ nhà thờ.

Rút kinh nghiệm các cuộc biểu tình chống chính phủ lần trước, cảnh sát Anh đã bố trí ít nhất ba lớp bảo vệ trên các tuyến phố tiến vào khu trung tâm tài chính Luân Đôn, nơi có trụ sở của hầu hết các tập đoàn tài chính ngân hàng lớn của thế giới. Nhưng đêm nay dường như cảnh sát không có nhiều việc để làm. Thậm chí, họ còn được thưởng thức một tiết mục văn nghệ đường phố miễn phí đầy vui nhộn do một nhóm người có tuổi cùng nắm tay nhau biểu diễn. Chỉ có điều lời bài hát đã được chế thành: “Chúng tôi sẽ không trả tiền, chúng tôi sẽ không trả tiền cho những sai lầm của giới tư bản, ngân hàng”.

Bài và ảnh: Vũ Hội - Lê Dương (P/v TTXVN tại Anh)