11:06 03/11/2011

Trận tử chiến ở Ploesti

Ploesti (Rumani) là nơi cung cấp một lượng dầu lửa lớn cho phát xít Đức trong Thế Chiến II; vì thế nó trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của phe đồng minh.

Ploesti (Rumani) là nơi cung cấp một lượng dầu lửa lớn cho phát xít Đức trong Thế Chiến II; vì thế nó trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của phe đồng minh. Tháng 8/1943, 179 máy bay ném bom của Mỹ được lệnh lên đường tấn công Ploesti nhưng một phần ba trong số đó mãi mãi không trở về…

Kỳ 1: Kế hoạch tấn công Ploesti

Kế hoạch tấn công Ploesti của phe đồng minh nghe có vẻ đơn giản: Một phi đội máy bay ném bom B-24 bay đến thành phố Ploesti đánh phá các nhà máy lọc dầu thuộc quyền kiểm soát của phát xít Đức ở đó. Tuy nhiên, đối với các phi công trực tiếp lái máy bay ném bom B-24 tham gia chiến dịch, kế hoạch này giống như kịch bản của một vụ tử chiến đẫm máu.

Nhà máy lọc dầu Columbia Aquila ở Ploesti nhìn từ trên cao.

Các ý kiến phản đối được nêu ra. Từ Bắc Phi, trung đoàn trưởng trung đoàn không quân 98, trung tá John R. Kane - người sẽ lãnh trách nhiệm chỉ huy lực lượng thực hiện sứ mệnh nguy hiểm này – đánh giá ý tưởng này là sản phẩm của “một kẻ lãnh đạo ngu ngốc nào đó ở Oasinhtơn”.

Nhưng mệnh lệnh vẫn được ban ra, theo đó kế hoạch tấn công Ploesti sẽ được bắt đầu vào ngày 1/8/1943. Nhiều lãnh đạo của các nước thuộc phe đồng minh tin rằng, nếu chiến dịch này thành công, nước Đức sẽ bị mất đi một nguồn cung cấp nhiên liệu quan trọng, nhờ đó cuộc chiến sẽ được rút ngắn ít nhất là sáu tháng.

Đại tá Jacob E. Smart, người được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tấn công Ploesti.

Phe đồng minh hoàn toàn có lý khi chọn Ploesti làm mục tiêu, bởi phát xít Đức rất cần một nguồn cung cấp năng lượng lớn. Cuộc chiến tranh dựa vào xe tăng, xe bọc thép của Đức không thể tiến hành nếu thiếu xăng dầu. Một vấn đề hóc búa mà phát xít Đức phải đương đầu là trong những năm 1930, sản lượng dầu lửa của Đức chỉ chiếm chưa đầy 1% sản lượng của toàn thế giới. Do đó, Đức đã đầu tư một chương trình sản xuất nhiên liệu tổng hợp có nguồn gốc từ than non, một loại than mềm kém chất lượng có rất nhiều ở Đức. Nước này cũng xây dựng các bể chứa dầu nhập khẩu. Tuy vậy, tất cả các nguồn năng lượng này vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày một tăng của cuộc chiến.

Khi Pháp rơi vào tay phát xít Đức năm 1940, Rumani mất đi một đồng minh lớn và bị các phe nhăm nhe thôn tính lãnh thổ. Hitler phát hiện thấy cơ hội có một không hai nên đã ký kết một thỏa thuận với Rumani. Theo đó, Rumani phải nhượng phần lớn lãnh thổ cho Đức; trong đó bao gồm cả một thỏa thuận cung cấp dầu mỏ cho Đức. Đổi lại, Đức sẽ bảo vệ và hỗ trợ phát triển kinh tế cho Rumani. Đến cuối mùa hè năm 1941, Rumani trở thành đồng minh của phát xít Đức và Ploesti trở thành nguồn cung cấp dầu lửa lớn nhất cho Đức. Xăng dầu từ khu vực này đáp ứng hơn 1/3 nhu cầu của Đức. Thủ tướng Anh Winston Churchill nhận xét rằng, các nhà máy lọc dầu ở Rumani là ngọn nguồn sức mạnh của phát xít Đức.

Đại tướng Henry Arnold, Tư lệnh Không quân Mỹ, giao cho một trong những sĩ quan tham mưu tài năng nhất của ông, Đại tá Jacob E. Smart, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tấn công Ploesti. Vào thời điểm đó, học thuyết tác chiến của không quân Mỹ là tấn công theo đội hình từ tầm cao và vào ban ngày với sự tham gia của một số lượng lớn các máy bay được trang bị đầy đủ vũ khí, có khả năng mang một khối lượng lớn bom đạn. Smart và các sĩ quan tham mưu của ông biết ngay từ đầu rằng họ không có đủ số máy bay cần thiết như mong muốn nếu áp dụng các chiến thuật đó. Hệ thống ngắm Norden được cho là hiện đại nhất lúc đó cũng chưa đáp ứng được nếu tiến hành đánh phá các nhà máy lọc dầu từ trên cao với số lượng máy bay ít ỏi đó.

Smart quyết định thử nghiệm một phương pháp mới: Các máy bay ném bom hạng nặng sẽ tấn công Ploesti từ tầm thấp. Lập luận của ông là tấn công từ tầm thấp có độ chính xác cao hơn; do đó có thể lựa chọn một số mục tiêu trọng điểm, chẳng hạn như các tháp chưng cất dầu, các nhà máy điện, và những đoạn đường ống chính. Ông hy vọng rằng, việc lựa chọn tấn công có trọng điểm này sẽ gây ra thiệt hại tương tự như đánh phá toàn bộ tổ hợp lọc dầu. Cuối cùng, kế hoạch của ông đặt ra mục tiêu phá hủy 41 vị trí quan trọng của 7 nhà máy lọc dầu khác nhau.

Hiển nhiên là ném bom ở tầm thấp chính xác hơn. Nhưng ném bom ở tầm thấp vào một khu vực được phòng thủ nghiêm ngặt như Ploesti là hành động cực kỳ nguy hiểm. Điều khiển một máy bay ném bom hạng nặng bay sát mặt đất, đồng thời lại phải duy trì đội hình bay là một công việc vừa khó khăn lại vừa nguy hiểm. Nhưng điều tệ hại hơn cả là khi bay thấp như vậy, các máy bay sẽ nằm trong tầm bắn của bất kỳ loại hỏa lực phòng không nào, trong khi Đức đã bố trí ở Ploesti gần 300 pháo phòng không hạng nặng và vô số vũ khí hạng nhẹ khác, chưa kể các máy bay chiến đấu của Đức.

Khánh Chi (tổng hợp)

Đón đọc kỳ 2: Xuất kích