03:16 22/03/2021

Trân trọng giá trị cội nguồn sự sống

Các kiến thức khoa học tới nay đều đã chứng minh nước là yếu tố quan trọng, là cội nguồn của sự sống trên Trái Đất, vì thế khi muốn tìm một hành tinh khác để sinh sống, con người bắt đầu truy tìm dấu vết của nước. 

Tại sao con người nỗ lực đi tìm dấu vết của nước trên Sao Hỏa nhưng lại chưa thực sự nghiêm túc trân trọng “nguồn vàng xanh dương” xuất hiện trên chính Trái Đất? Các kiến thức khoa học tới nay đều đã chứng minh nước là yếu tố quan trọng, là cội nguồn của sự sống trên Trái Đất, vì thế khi muốn tìm một hành tinh khác để sinh sống, con người bắt đầu truy tìm dấu vết của nước. Tuy nhiên, trước khi có thể chinh phục một hành tinh khác, có lẽ câu hỏi thực tiễn nhất mà cả thế giới cần trả lời chính là giá trị của nước trên Trái Đất là bao nhiêu? Làm sao để tránh cuộc khủng hoảng nước đang ngày càng trở nên nghiêm trọng trên chính hành tinh mà chúng ta sinh sống? 

Chú thích ảnh
Trẻ em lấy nước tại Hajjah, Yemen. Ảnh: AFP/TTXVN

Vai trò của nước là điều không thể phủ nhận bởi đó là nguồn tài nguyên thiết yếu nhất đối với sự sống trên Trái Đất. Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay khẳng định nước nên được coi là nguồn tài nguyên quý giá nhất, không chỉ cần thiết cho sự sinh tồn của loài người mà có vai trò vệ sinh, văn hóa và xã hội quan trọng. Thế nhưng trên thực tế, từ thành phố Cape Town ở Nam Phi tới Flint ở Michigan của Mỹ, từ vùng nông thôn ở phía Nam sa mạc Sahara châu Phi xa xôi tới các siêu đô thị ở châu Á, nơi đâu cũng chứng kiến cảnh khủng hoảng nước. Nước để uống, nấu ăn, tắm giặt, rửa tay hay trồng cây nuôi sống con người, nhưng con người đang sử dụng nước mà không nhận thức được đúng giá trị của nguồn tài nguyên quý giá này.

Hậu quả là chính loài người đã tạo ra cuộc khủng hoảng nước đang hiện hữu và ngày càng nghiêm trọng. Theo LHQ, trên thế giới, cứ 10 người lại có 4 người không có đủ nước sạch để uống. Tính đến năm 2050, hơn một nửa dân số toàn cầu sẽ đối mặt với áp lực thiếu nước và tình trạng này chắc chắn sẽ nghiêm trọng hơn khi nhu cầu sử dụng vượt mọi giới hạn nguồn cung cấp nước sẵn có. Hơn 2 tỷ người (tương đương khoảng 1/3 dân số toàn cầu) hiện gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn nước uống đảm bảo và ước tính khoảng 4 tỷ người sống ở các khu vực xảy ra tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng ít nhất 1 tháng/năm. Đến năm 2050, ít nhất 1 trong 4 người trên thế giới sẽ sinh sống tại một quốc gia liên tục rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt.

Đáng lo ngại hơn với thế hệ tương lai khi cứ 5 trẻ em trên toàn cầu lại có 1 trẻ không có đủ nước để đáp ứng những nhu cầu sử dụng hằng ngày và trẻ em tại hơn 80 quốc gia đang sống tại những khu vực không có nguồn cung nước ổn định, phụ thuộc vào nước bề mặt và những nguồn nước không sạch hoặc phải cần ít nhất 30 phút di chuyển mới có thể lấy được nước. Phía Đông và phía Nam châu Phi là những khu vực có tỷ lệ trẻ em phải sinh sống trong những vùng thiếu thốn nước sạch nhất, với khoảng 58% trẻ em gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn nước mỗi ngày. Trung bình, phụ nữ ở vùng nông thôn châu Phi phải đi bộ 6km/ngày để lấy được nước sử dụng.  

Nước không chỉ để uống mà còn có vai trò quan trọng trong duy trì vệ sinh, đặc biệt để rửa tay sát khuẩn và giữ gìn vệ sinh cá nhân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan nhanh và khó kiểm soát. Tuy nhiên, cứ 5 người trên thế giới thì 2 người không có đủ điều kiện rửa tay với nước và xà phòng tại nhà, gần 3/4 trong số đó sinh sống tại các quốc gia nghèo nhất thế giới. Khoảng hơn 4 tỷ dân trên thế giới sống trong tình trạng không đủ cơ sở vệ sinh an toàn.

Chú thích ảnh
Trẻ em Palestine xếp hàng chờ lấy nước tại Khan Yunis, phía nam Dải Gaza. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyên gia David Boyd, báo cáo viên đặc biệt của LHQ, nhận định việc con người sử dụng nước vô độ, ô nhiễm nước và suy thoái hệ sinh thái đại dương đang tiếp diễn theo chiều hướng ngày càng xấu đi vì áp lực tăng dân số, kinh tế, tình trạng khẩn cấp khí hậu, việc sử dụng nước không hợp lý và thiếu quy hoạch. Tình trạng ô nhiễm nước, khan hiếm nước, các thảm họa thiên nhiên liên quan tới nước và suy thoái hệ sinh thái nước ngọt có tác hại lớn tới hầu hết các quyền của con người, từ quyền được sống, được chăm sóc y tế, được phát triển… Có tới 3/4 số thảm họa xảy ra trong 20 năm qua liên quan tới nước, như lũ lụt, sạt lở đất và các hình thái thời tiết khắc nghiệt khác và hậu quả của những thảm họa này thì con người vẫn khắc phục tới nay chưa hết.

Trong báo cáo phát triển nước thế giới 2021, LHQ chỉ ra rằng một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do con người chưa đánh giá đúng giá trị của nước. Theo ông Gilbert F. Houngbo, Chủ tịch Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế, có rất nhiều vấn đề mà con người phải đối mặt phát sinh chỉ vì chưa đánh giá đúng giá trị của nước và hầu như nước không được coi là có giá trị. Các chính phủ chưa chỉ rõ giá trị của nước, cho rằng tài nguyên nước là vô tận dẫn tới lãng phí tràn lan, thiếu nước, người nghèo phải trả giá cao hơn khi sử dụng nước so với người giàu.... Chuyên gia Richard Connor, chủ biên báo cáo phát triển nước của LHQ, cho rằng chừng nào thế giới chưa xác định đúng giá trị của nước thì chúng ta sẽ không thể đạt mục tiêu phát triển bền vững. Tình trạng lãng phí nước xảy ra ngày càng nghiêm trọng, cùng với khí hậu biến đổi và dân số tăng, càng khiến áp lực với nguồn nước trở nên nặng nề hơn.

Ngày Nước thế giới 22/3 năm nay, LHQ đã lựa chọn "Giá trị của của nước" làm chủ đề chính, tập trung vào tôn vinh giá trị của nước và nâng cao nhận thức cộng đồng về cuộc khủng hoảng nước toàn cầu, với trọng tâm cốt lõi là thúc đẩy các hành động để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững số 6: Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030. Chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2021 nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng, giá trị của tài nguyên nước về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội; tăng cường các giải pháp hiệu quả bảo vệ nguồn nước trước áp lực của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu. 

Theo chuyên gia David Boyd, để giải quyết cuộc khủng hoảng này, các nước cần thực hiện đánh giá tình trạng sử dụng nước, triển khai sáng kiến lập bản đồ sử dụng nước, triển khai và thực thi các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến nước và thường xuyên theo dõi đánh giá quá trình thực hiện. Điều quan trọng nhất, cộng đồng quốc tế cần nhận thức nước là một nguồn tài nguyên hữu hạn.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu những ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng, tập trung mạnh nhất ở hai khu vực sản xuất lúa gạo và thủy sản chủ yếu của cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Hiện tượng này đã xuất hiện rõ trong những năm gần đây và đã ảnh hưởng gay gắt đến nguồn nước của Việt Nam, điển hình là hiện tượng hạn hán, thiếu nước trên các lưu vực sông.

Chú thích ảnh
Ruộng lúa bị thiệt hại do thiếu nước ngọt và mặn xâm nhập tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Bên cạnh đó, tài nguyên nước của Việt Nam tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững như phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh (chiếm khoảng 63% tổng lượng nước trung bình hằng năm của hệ thống sông); nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; chịu tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Đứng trước những thách thức nêu trên, chính phủ đã ban hành nhiều quy định nhằm quản lý, sử dụng tiết kiệm hiệu quả bền vững tài nguyên nước.

Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 75 Volkan Bozkir thẳng thắn chia sẻ rằng trong một xã hội không thiếu những tiến bộ và đột phá khoa học kỹ thuật, việc để hàng tỷ người trên thế giới sống mà không có nước sạch để uống, hoặc thiếu những điều kiện cơ bản nhất chỉ để rửa tay, là một thất bại về mặt đạo đức. Ông cảnh báo điều này chắc chắn sẽ gây hậu quả nhân đạo nghiêm trọng. Thế giới không tiếc hàng trăm tỷ USD mỗi năm và rất nhiều nỗ lực cho công cuộc chinh phục sao Hỏa hay phát triển rất nhiều công nghệ hiện đại và tiên tiến. Những khoản đầu tư đó đã mang lại những trải nghiệm tuyệt vời và góp phần giúp cuộc sống của con người thêm thú vị và tiện nghi.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, rất gần gũi và không quá khó tưởng tượng, cũng với khoản tiền khoảng 114 tỷ USD/năm cho 140 quốc gia thu nhập trung bình và thấp, thế giới sẽ chạm tay tới mục tiêu đảm bảo quyền tiếp cận nước uống sạch trên toàn cầu. Ước tính, 1 USD đầu tư cho nước sạch sẽ sinh ra những lợi ích có giá trị tương đương là 4,3 USD, đó là chưa kể những lợi ích kinh tế, xã hội và y tế không thể đong đếm hết mà việc có nước sạch sử dụng mang lại. Từ đó, có thể khẳng định rằng việc nhận thức đúng giá trị và đầu tư hợp lý cả về vật chất và tinh thần cho bảo vệ và quản lý sử dụng tài nguyên nước là khoản đầu tư tốt nhất mà con người nên và có thể chủ động thực hiện vì cuộc sống hiện tại và vì thế hệ tương lai.

Lê Ánh (TTXVN)