05:20 28/05/2015

Trăn trở từ một chuyến đi

Trong suốt chuyến công tác tới Hong Kong và Ma Cao, ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tận dụng mọi cơ hội để giới thiệu về tiềm năng vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Được giới thiệu dân số Hong Kong chỉ có hơn 7,2 triệu người, nhưng năm 2014 đón gần 61 triệu lượt khách du lịch, ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, rất ngạc nhiên. Sau khi thâm nhập thực tế, ông dần hiểu ra, nhưng nỗi trăn trở lại bắt đầu.

Ông Nguyễn Phong Quang (giữa) trao đổi với doanh nghiệp Ma Cao về vấn đề đầu tư vào vùng đồng bằng sông Cửu Long tối 28/5/2015.


Trong suốt chuyến công tác tới hai Khu Hành chính Đặc biệt của Trung Quốc là Hong Kong và Ma Cao, ông Quang đã tận dụng mọi cơ hội có thể để giới thiệu với phía bạn về tiềm năng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông nói với chúng tôi, những người chưa từng đặt chân tới 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, như tâm sự với chính mình: ”Trời phú cho Tây Nam Bộ biết bao nhiêu sự phong phú, nào tôm, nào cá, nào gạo, nào cây ăn trái... Nhưng nếu cứ mãi ở dạng tiềm năng thì làm sao góp phần cải thiện, nâng cao đời sống, nhất là của những người nông dân làm ra chúng". Với ông, tiềm năng ấy cần phải được thực sự phát huy, mang lại hiệu quả thiết thực và trong quá trình đó vai trò của người cán bộ rất quan trọng. “Anh phải xuống với bà con, biết bà con cần gì, mắc gì để tìm biện pháp tháo gỡ, xa hơn là tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm mà bà con một nắng hai sương tạo ra, tránh cảnh được mùa thì mất giá".


Nói là làm. Trong chuyến công tác ngắn ngủi khoảng một tuần, ông liên tục đi gặp gỡ giới chức, nhất là các doanh nghiệp Hong Kong, Ma Cao. Ông bảo "đấy cậu xem, ngay cả Cục trưởng Cục Phát triển Hong Kong cũng nói trong cuộc sống hàng này, nhiều thứ chúng tôi dùng đến từ Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn là phải tận dụng lợi thế “cửa ngõ thế giới” của Hong Kong để đưa hàng Việt Nam vươn xa hơn, tới Trung Quốc đại lục và nhiều khu vực khác. Còn nữa, Hong Kong là trung tâm tài chính lớn, vậy làm sao để thu hút được nguồn vốn từ đây vào đầu tư tại Việt Nam, nhất là khu vực khó khăn ở đồng bằng sông Cửu Long". Và ông cũng không bỏ lỡ cơ hội, tận tình giới thiệu những chính sách ưu đãi đầu tư, giải đáp các thắc mắc của các doanh nghiệp, từ chuyện visa, thời gian lưu trú, tới vấn đề thuế má.


Trở lại với "kỳ tích" du lịch của Hong Kong, ông Quang lật cuốn menu ở một quán mì, nói: “Tôi đến đây, không biết tiếng bản địa, nhưng vẫn gọi được thứ mình thích và cũng không lo bị chặt chém. Hình ảnh món ăn và giá cả rất rõ ràng. Thái độ của người bán hàng rất niềm nở, không thấy sự phân biệt". Theo ông, chuyện xem ra nhỏ, nhưng ý nghĩa và tác dụng rất lớn trong thu hút khách du lịch. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch sông nước, nhưng phải nghiêm túc xem xét xem có bao nhiêu du khách trở lại. Nói cách khác, cần có giải pháp bền vững, bao gồm cả những chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ nêu trên.


Bài, ảnh: Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hong Kong)