11:08 21/11/2022

Trăn trở sau ngày 20/11 - Bài 2: Gieo đam mê với sứ mạng ‘trồng người’

Nhiều ý kiến cho rằng, để giáo viên giữ được lửa nghề và sống được bằng nghề, bên cạnh việc tăng thu nhập còn phải để giáo viên làm đúng, làm tốt công việc chuyên môn được đào tạo.

Gia đình ấm no, “lửa” nghề mới sáng

Theo cô Nhật Tiên, một trong những nguyên nhân khiến ngọn lửa đam mê của giáo viên yếu dần đó là do thu nhập thì quá thấp nhưng áp lực thì lại quá nhiều. Cô Nhật Tiên cho biết, không ít lần cô dặn lòng rằng hết lứa học trò này sẽ dừng lại, nhưng khi thấy nhu cầu cần thiết của đơn vị khi đồng nghiệp cứ lần lượt nghỉ, tuyển giáo viên mới khó và người chịu thiệt thòi nhất vẫn là trẻ và phụ huynh nên cô cứ tiếp tục gắn bó với trẻ tự kỷ.

Chú thích ảnh
Để giáo viên giữ trọn ngọn lửa đam mê với nghề cần tăng thu nhập cho giáo viên và giáo viên tự quyết định về chuyên môn.

Cô Nhật Tiên cho rằng, để giáo viên gắn bó với nghề thì cần tạo thêm nhiều nguồn thu nhập để giáo viên yên tâm. “Gia đình yên ổn, ấm no thì giáo viên mới sống chết với nghề được. Lương cao thì áp lực cơm áo gạo tiền sẽ giảm, từ đó họ chuyên tâm gắn bó với nghề lâu dài hơn”, cô Nhật Tiên chia sẻ.

Tương tự, thầy Phan Thế Hoài cho biết, giáo viên nghỉ việc có hai nguyên nhân, chủ yếu đó là lương thấp và áp lực công việc do lãnh đạo nhà trường tạo nên. Theo đó, muốn chấm dứt chuyện này, quan trọng nhất vẫn là người lãnh đạo và số hóa hồ sơ sổ sách. Đặc biệt là để giáo viên tự quyết về chuyên môn.

Dưới góc độ của người đứng đầu đơn vị, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho rằng, hiệu trưởng phải biết linh hoạt, linh động triển khai các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến thầy cô. Bên cạnh đó, phải biết được năng lực làm việc từng thầy cô, từ đó phân công khối lượng công việc phù hợp. Theo đó, sắp xếp thời khóa biểu một cách khoa học để làm sao thầy cô có thể có thời gian làm thêm việc, làm tại trường tư thục, làm thêm bên ngoài nhằm tăng thu nhập để giảm áp lực về tài chính cho thầy cô.

Bên cạnh đó, thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng, nhà trường phải đặt quyền lợi giáo viên lên trên hết. Muốn vậy, lãnh đạo nhà trường phải đối xử với giáo viên tốt, phải tạo cơ hội để làm sao cho thầy cô và lãnh đạo nhà trường trên dưới một lòng thì công tác giảng dạy mới được tốt.

“Tôi luôn mong rằng giáo viên đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết, chúng ta có đan xen như vậy thì mới chia sẻ hết tình cảm, tình người với nhau. Thầy cô xem nhà trường như nhà, thì lúc bấy giờ mọi người trong trường đều xem nhau như là anh em, cha mẹ, bà con với nhau cư xử chan hòa, tạo bầu không khí vui tươi, lúc đó làm việc hiệu quả, mang lại nguồn năng lượng tích cực cho học sinh.  Chúng ta không nên tạo bầu không khí căng thẳng, hấp tấp, vội vã… để áp lực với giáo viên và học sinh”, thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.

Ngoài ra, khi có sự cố về bạo lực học đường xảy ra, hiệu trưởng phải là người đầu tiên đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm về sự cố đó chứ không thể đẩy cho giáo viên bước ra ngoài để đôi co, đương đầu với một phụ huynh... “Hiệu trưởng phải bản lĩnh, che chở, phải là cây tùng cây bách để cho thầy cô an tâm trong những sự cố xảy ra. Chúng ta làm như vậy để gánh bớt khó khăn cho thầy cô, không tạo áp lực cho thầy cô”, thầy Huỳnh Thành Phú nhấn mạnh.

Vai trò người thầy vẫn nguyên vẹn

Chia sẻ về những hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội trong thời gian qua, như học sinh chửi giáo viên, phụ huynh đánh giáo viên, thầy Phan Thế Hoài cho rằng, đây chỉ là một số trường hợp cá biệt, không mang tính phổ quát, vì xã hội ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo.

Thầy Phan Thế Hoài nêu ví dụ, phụ huynh ứng xử chưa phù hợp với giáo viên có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như cả hai phía chưa hiểu đúng về nhau; hiểu lầm nhau; phụ huynh cố tình làm khó dễ giáo viên… "Với nguyên nhân thứ nhất, thứ hai hoàn toàn có thể hóa giải được nếu phụ huynh và giáo viên thực sự vì học sinh, vì con em. Tuy nhiên, riêng nguyên nhân thứ ba thì giáo viên hãy cứ xem như một tai nạn nghề nghiệp cho nhẹ lòng", thầy Phan Thế Hoài cho biết.

Còn theo thầy Huỳnh Thanh Phú, việc học sinh cá biệt thì thời đại nào cũng có, trường nào cũng có. Tuy nhiên, theo thầy Phú, trước hết thầy cô phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao học sinh có những hành vi cá biệt. "Nghề giáo phải có sự kiên trì, kiên nhẫn và phải bao dung, nhẹ nhàng, ai mà sân si không thể nào làm giáo viên được. Mình cần "giơ cao đánh khẽ" để không đẩy các em vào đường cùng. Hoặc khi có sự cố, không nên ra một quyết định gì đó nặng nề để rồi từ đó, cuộc đời của em đó trở nên bế tắc”, thầy Phú chia sẻ.

Chia sẻ tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) do Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20/11, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Một nền giáo dục tiên tiến và hiện đại đến đâu thì vai trò của người thầy vẫn luôn quyết định. Vì thế, thu hút người giỏi, tâm huyết đến với nghề giáo, chăm lo bồi dưỡng thầy cô là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Làm thế nào để thầy cô có đủ niềm tin, động lực để đứng trên bục giảng là điều quan trọng không kém.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố nghiên cứu, tính toán về biên chế để đáp ứng nhu cầu đào tạo, quy mô dân số tăng nhanh. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần nghiên cứu cơ chế để bảo đảm thu nhập, giúp các thầy cô yên tâm gắn bó với nghề.

Bài và ảnh: Đan Phương/ Báo Tin tức