03:08 26/03/2011

Trăn trở cùng chữ "chuyên"

65 năm trước, Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng tải rộng rãi trên các báo Cứu quốc, Việt Nam khoẻ cùng nhiều tờ báo khác và ngày 27/3 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Thể dục thể thao cách mạng với tư tưởng xuyên xuốt - Dân cường, Nước thịnh.

65 năm trước, Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng tải rộng rãi trên các báo Cứu quốc, Việt Nam khoẻ cùng nhiều tờ báo khác và ngày 27/3 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Thể dục thể thao cách mạng với tư tưởng xuyên xuốt - Dân cường, Nước thịnh.

1. 65 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, qua mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, Thể thao Việt Nam (TTVN) đều có những đóng góp, thành tựu đáng ghi nhận. Từ phong trào "Khỏe vì nước" diễn ra sôi nổi trong năm 1946 hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp đến là “Khỏe để kháng chiến kiến quốc” trong thời kỳ chống thực dân Pháp; “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ... và nay là Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”... cùng nhiều phong trào sôi nổi khác trên cả nước, TDTT đã thực sự góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho nhân dân, qua đó xây dựng lực lượng thi đấu đỉnh cao, giành nhiều thành tích xuất sắc, mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Với việc Vũ Thị Hương giành HCB điền kinh tại ASIAD 16 là một bước tiến lớn của thể thao tại đấu trường châu lục.

Thành tựu của TTVN ở tuổi 65 được thể hiện rõ trên cả hai mảng công tác quan trọng là TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao. Theo những con số thống kê mới nhất, đến nay, trên cả nước đã có 21% dân số tham gia tập luyện thể thao thường xuyên và 15.4% số gia đình được công nhận là gia đình thể thao. TDTT cũng phát triển mạnh trong các ngành, các cấp và đặc biệt là trong hệ thống trường học góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất cho giới trẻ, qua đó phát hiện, tuyển chọn, đào tạo các tài năng thể thao. Đặc biệt, trong những năm qua, với chủ trương xã hội hóa, thể thao không còn là câu chuyện của riêng... những người làm thể thao mà đã thu hút được nhiều các nguồn lực khác, giảm tải cho ngân sách theo hướng đi chuyên nghiệp.

Với thể thao thành tích cao, trước năm 1975, dù còn nhiều khó khăn, nhưng TTVN vẫn có mặt tại những đấu trường lớn như Ganefo, SKDA... với nhiều thế hệ VĐV tài năng như Trần Oanh (bắn súng), Nguyễn Hữu Chỉ (điền kinh), Vũ Thị Sen (bơi), Đội Bóng đá Thể Công... Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, TTVN hội nhập sâu hơn với sân chơi quốc tế và đã khẳng định được vị thế mới của mình thông qua thứ hạng đầu tại SEA Games, số huy chương ngày càng tăng tại ASIAD và với 2 tấm HCB của nữ võ sỹ Taekwondo Trần Hiếu Ngân (năm 2000), Hoàng Anh Tuấn (cử tạ năm 2008), thể thao nước nhà đã ghi danh vào ngôi nhà Olympic, đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh.

2. Bước tiến là không thể phủ nhận, nhưng trước sức phát triển không ngừng của toàn xã hội cũng như của thể thao, thì thách thức ở tuổi 65 cũng trở nên hiện hữu và thách thức lớn nhất chính là chữ "chuyên".

TDTT trở thành bộ phận không thể thiếu trong đời sống hiện tại, nhưng rõ ràng là đang có sự phân hoá lớn giữa phong trào và đỉnh cao mà nếu không tìm được sự gắn kết cần thiết sẽ không có được tính tương tác cần thiết. Thực tế là hiện tại, có nhiều hơn số người chơi thể thao, số cơ sở vật chất dành cho thể thao, nhưng để đi theo "nghề" thể thao thì lại là bài toán hóc búa với các nhà quản lý chuyên ngành. Đó là chưa đến giá trị khá mơ hồ của những con số thống kê từ phong trào cũng như tính "thời vụ" của nó.

Và cũng từ thất bại tại ASIAD 16 hay AFF Cup trong năm 2010 đã chỉ thẳng ra sự hụt hẫng trong bước phát triển của thể thao thành tích cao. Sau nhiều năm gây dựng vị thế bằng cách làm "đi tắt, đón đầu", TTVN đã trở nên lạc hậu, thậm chí là tụt hậu so với chính mình. Vì thế, chiến lược phát triển mới (đến năm 2020) đã được vạch ra, theo đó, TTVN tới đây tập trung hơn vào các môn thể thao cơ bản trong hệ thống thi đấu Olympic nhằm tạo nên sự phát triển bền vững. Sự thay đổi rõ nhất chính là việc không coi SEA Games là mục tiêu chính mà chỉ còn là bàn đạp để hướng tới đấu trường châu lục, thế giới.

Trong Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 đã được Chính phủ thông qua đã có nhiều biện phát để nâng cao hiệu quả các mảng công tác - Từ TDTT quần chúng, đến thể thao thành tích cao cũng như cơ chế quản lý, điều hành. Tất cả cùng hướng đến sự chuyên nghiệp một cách bài bản hơn - Hay nói một cách hình ảnh thì ở tuổi 64 TTVN đã tới lúc cần phải đứng vững hơn trên đôi chân của chính mình.

Vũ Minh