10:08 08/10/2012

Tràn lan các điểm giết mổ mất an toàn thực phẩm

Tại khu vực phía Bắc, chỉ có khoảng 8% số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát giết mổ. Do đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh động vật và mất vệ sinh an toàn thực phẩm là rất lớn.

Tại khu vực phía Bắc, chỉ có khoảng 8% số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát giết mổ. Do đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh động vật và mất vệ sinh an toàn thực phẩm là rất lớn.

 

Thú y “bó tay”, chính quyền lơ là


Tình trạng kinh doanh, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm đang là điểm nóng ở Hà Nội hiện nay. Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thành phố hiện có khoảng trên 3.000 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nằm rải rác trong các khu dân cư. Trong số đó, chỉ có 458 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm có cán bộ thú y kiểm soát. Còn lại các điểm giết mổ nhỏ lẻ len lỏi trong khu dân cư, phân tán ở nhiều địa bàn thuộc các huyện ngoại thành, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ nên rất khó kiểm soát.


Đặc biệt, nhiều điểm giết mổ không đảm bảo các điều kiện vệ sinh theo quy định, khu xử lý thịt, phụ phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y, không có hệ thống xử lý chất thải sau giết mổ, trang bị dụng cụ giết mổ không đáp ứng yêu cầu giết mổ, sử dụng nước giếng khoan không qua xử lý, không có cán bộ thú y kiểm tra, kiểm dịch, kiểm soát thường xuyên.


Ông Nguyễn Tiến Phong, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, toàn tỉnh có 1.100 hộ chuyên giết mổ gia súc, gia cầm với công suất thấp, bình quân 1 đến 2 con trâu, bò; 1 đến 5 con lợn và 10 đến 20 con gia cầm/ngày. “Các cơ sở hoạt động nhỏ lẻ nên khó kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Phong thừa nhận.


Không chỉ Hà Nội, Vĩnh Phúc mà tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm còn đang diễn ra phổ biến tại khu vực phía Bắc. Phần lớn các cơ sở giết mổ được xây dựng không đồng bộ. Thậm chí, có địa phương còn diễn ra tình trạng tổ chức giết mổ gia súc ngay cạnh bờ sông, xả trực tiếp chất thải, nước thải xuống sông gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước và sử dụng chính nước sông đó để rửa thịt sau khi giết mổ.


Theo Bộ NN&PTNT, so với các tỉnh miền Đông Nam bộ thì công tác quản lý giết mổ tại các tỉnh, thành phía Bắc còn nhiều yếu kém. Trong số 11.485 điểm giết mổ nhỏ lẻ và 59 cơ sở giết mổ tập trung tại khu vực phía Bắc, chỉ có 929 cơ sở, điểm giết mổ được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ (chiếm 8,05%). Cụ thể, chỉ có khoảng 5% số điểm/cơ sở giết mổ trâu bò, 6% điểm/cơ sở giết mổ lợn và chưa đầy 15% số điểm/cơ sở giết mổ gia cầm được kiểm soát. Trong khi đó, số lượng cơ sở/điểm giết mổ tại Đông Nam bộ được kiểm soát đạt tỷ lệ trên 88%.


Lý giải nguyên nhân, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, với số lượng điểm giết mổ nhỏ lẻ và phân bố rải rác khắp các khu dân cư, đặc biệt là vùng ven đô và vùng nông thôn, lực lượng thú y địa phương gặp khó khăn trong công tác kiểm soát giết mổ.


Bên cạnh đó, chính quyền địa phương một số nơi đã buông lỏng quản lý, chưa quyết liệt chỉ đạo và xử lý các trường hợp vi phạm. Do vậy, tư thương đã lợi dụng giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm lậu, bị bệnh, chết. Nhiều nơi còn phổ biến tình trạng giết mổ lưu động, tức là người giết mổ đến tận nhà người chăn nuôi để giết mổ rồi mới mang sản phẩm đi các nơi tiêu thụ. Điều này làm lây lan dịch bệnh động vật, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

 

Cơ sở giết mổ tập trung hoạt động cầm chừng


Ông Hoàng Thanh Vân cho biết, hiện Hà Nội có 6 cơ sở giết mổ công nghiệp và 12 cơ sở giết mổ tập trung, bán công nghiệp. “Các cơ sở giết mổ công nghiệp dễ kiểm soát chất lượng gia súc, gia cầm đầu vào, quy trình giết mổ cũng đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng, các cơ sở này khó hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng do không cạnh tranh nổi với các cơ sở giết mổ tự do”, ông Vân nói.


Vĩnh Phúc cũng trong cảnh ngộ tương tự khi chỉ có một cơ sở giết mổ tập trung của Công ty cổ phần Japfa Comfedd Việt Nam với công suất thiết kế 500 con/giờ nhưng theo đại diện Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, mỗi tuần cơ sở này cũng chỉ hoạt động 1 đến 2 lần với công suất 300-500 con.


Chính sự tồn tại phổ biến của các điểm giết mổ nhỏ lẻ, mất an toàn đã khiến các điểm giết mổ tập trung hoạt động èo uột. Việc quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm làm mãi vẫn không xong, thậm chí có nơi quy hoạch rồi triển khai lại gặp khó khăn, xây dựng khu giết mổ hàng tỉ đồng cuối cùng lại không hoạt động được.