12:09 08/12/2014

Trận chiến Trân Châu Cảng- cuộc tấn công bất ngờ

Sáng ngày 7-12-1941, hàng đoàn máy bay chiến đấu của Nhật bất ngờ dội bom xuống tàu chiến Mỹ ở Trân Châu Cảng, gây một cú sốc kinh hoàng.

Sáng ngày 7-12-1941, hàng đoàn máy bay chiến đấu của Nhật bất ngờ dội bom xuống tàu chiến Mỹ ở Trân Châu Cảng, gây một cú sốc kinh hoàng. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong chiến tranh thế giới thứ hai dẫn đến việc Tổng thống Mỹ quyết định đưa nước này chính thức tham chiến.

Chiến hạm USS Arizona bị đánh chìm. Ảnh: wikipedia.


Trân Châu Cảng là địa danh lịch sử nổi tiếng nhất của quần đảo Hawaii, Mỹ. Hải cảng nước sâu này nằm ở phía Tây thành phố Honolulu trên đảo O'ahu, giữa vùng Bắc Thái Bình Dương.

Do nằm ở vị trí đắc địa, Trân Châu Cảng sớm được người Mỹ sử dụng làm căn cứ chỉ huy, căn cứ hậu cần, là cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa các chiến hạm của hạm đội Thái Bình Dương.

Từ căn cứ này, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ có thể khống chế toàn bộ vùng Bắc Thái Bình Dương bằng các lực lượng tàu nổi, tàu ngầm và không quân của hạm đội, đồng thời chống lại mọi sự tấn công từ bên ngoài. Việc bố phòng ở cảng hết sức cẩn mật với một hệ thống lưới thép đặc biệt chống ngư lôi và tàu ngầm.

Nhưng 7giờ 55 phút chủ nhật, ngày 7-12-1941, một buổi sáng yên tĩnh, khi mà lính Mỹ trong cảng đang ngủ say sau một tối thứ bảy vui vẻ, thì nơi đây bất ngờ bị 374 chiếc máy bay Nhật tấn công.

Cuộc tấn công kéo dài 90 phút đã để lại hậu quả là gần 2.400 người binh sỹ và thủy thủ Mỹ bị thiệt mạng, hơn 1000 người khác bị thương. Cuộc tấn công cũng đã đánh chìm và làm thiệt hại nặng 18 tàu chiến lớn, đánh đắm 19 chiếc tàu chiến khác, và phá hủy 232 máy bay chiến đấu của Mỹ đỗ tại sân bay.

Thiệt hại về phía Nhật Bản nhỏ hơn, chỉ mất 29 máy bay và bốn tàu ngầm nhỏ, với 65 người thiệt mạng.

Với thắng lợi tại Trân Châu Cảng, hải quân Nhật thực tế đã loại ra khỏi vòng chiến đấu Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trong nhiều tháng, tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội Nhật đánh chiếm nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và làm chủ vùng biển châu Á – Thái Bình Dương trong giai đoạn đầu của Chiến tranh thế giới thứ hai.

Còn với Mỹ, thì ngày này bị Tổng thống Franklin D. Roosevelt khi đó gọi là “ngày ô nhục” và khiến đất nước cờ hoa buộc phải tuyên chiến với Nhật Bản và chính thức tham gia vào những cuộc giao tranh đẫm máu ở Thái Bình Dương.

Giới quân sự nước ngoài thì cho rằng trận Trân Châu Cảng là một bài học về sự mất cảnh giác, không sẵn sàng chiến đấu và chủ quan khinh địch. Về mặt công tác tình báo, Nhật đã chuẩn bị cho trận đánh trong nhiều năm, và chuẩn bị tác chiến mọi mặt trong hơn 11 tháng để đưa lại thành công cho một trận đánh có ý nghĩa chiến lược lớn trong gần ba giờ đồng hồ.

Hậu quả của cuộc chiến

Ngay khi ra lệnh kết thúc trận chiến Trân Châu Cảng, đô đốc hải quân Nhật Yamamoto đã cảm nhận được khó khăn mà nước Nhật sẽ phải đối mặt. Và quả nhiên chiến thắng này đã dẫn đến sự tham chiến chính thức của Mỹ vào Chiến tranh thế giới thứ hai.

Năm 1945, vào thời điểm nước Nhật đã sức tàn lực kiệt, bại trận là không tránh khỏi, Mỹ đã ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki để tàn phá nước Nhật. Đó là sự phục thù của Mỹ cho trận Trân Châu Cảng.

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc khi Nhật Bản chính thức đầu hàng vào ngày 2/9/1945.

Sau khi quân đồng minh rút khỏi Nhật Bản tháng 4/1952, mối quan hệ Mỹ-Nhật được xem là bình đẳng hơn. Ngày 19/1/1960, hai nước Mỹ-Nhật đã ký hiệp ước đồng minh thân thiện và từ đó đến nay, Nhật Bản là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Đông Á.

Trân Châu Cảng 73 năm nhìn lại

73 năm sau cái thời khắc kinh hoàng đó, Trân Châu Cảng vẫn hoạt động bình thường, những con tàu chiến, những hàng không mẫu hạm vẫn ra vào cảng. Nhưng ở những vị trí các chiến hạm bị đánh chìm trước đây, người ta dựng lên những bia tưởng niệm là những khối bêtông trắng; nơi chiến hạm USS Arizona bị đánh chìm là một tòa nhà bêtông, phần trang trọng nhất trên đó đặt tấm bia cẩm thạch khổng lồ ghi danh 1.177 thủy thủ đã chìm theo con tàu xuống đáy vịnh.

Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, hằng ngày những người lính thủy ở Trân Châu Cảng vẫn làm lễ thượng cờ và hạ cờ trên đài tưởng niệm chiến hạm USS Arizona, bởi họ tin rằng trong lòng xác chiến hạm còn hàng ngàn quân nhân và con tàu vẫn đang hoạt động.

Hàng năm, vào ngày 7-12, một số nơi trên nước Mỹ đều tổ chức lễ tưởng nhớ 2.400 quân nhân đã thiệt mạng trong ngày đó và tưởng nhớ thế hệ người dân đã nhặt cờ bị đánh đổ ở Trân Châu Cảng để tham gia giành chiến thắng trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Đã 73  năm trôi qua kể từ ngày khởi đầu trận tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng, giờ đây quần đảo Hawaii đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Họ đến đây không chỉ với một mục đích thăm quan mà còn để tìm hiểu thêm một phần về lịch sử nước Mỹ.


 

TTTL/TTXVN