09:08 05/09/2014

Trận chiến sông Marne

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trận đánh sông Marne giữa đế quốc Đức và liên quân Anh - Pháp được xem là một trong những chiến dịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đã làm phá sản hoàn toàn kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của quân Đức tại mặt trận phía Tây.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trận đánh sông Marne, diễn ra giữa đế quốc Đức và liên quân Anh - Pháp tại khu vực sông Marne, gần Paris được xem là một trong những chiến dịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bắt đầu từ ngày 5/9 và kết thúc vào ngày 12/9/1914, dù không làm chấm dứt chiến tranh nhưng trận đánh này đã làm phá sản hoàn toàn kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của quân Đức tại mặt trận phía Tây.

Binh sĩ Pháp trong trận chiến.


Trong giai đoạn đầu của Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, với thế mạnh quân sự vượt trội, quân Đức đã nhanh chóng thôn tính nước Bỉ, Hà Lan và Luxembourg. Để thực hiện chiến thuật đánh nhanh, thắng nhanh, người Đức đã lên một kế hoạch hết sức táo bạo mang tên “Schlieffen”. Đó là sử dụng phần lớn lực lượng đánh mạnh vào sườn quân Pháp ở phía Tây, sau đó kết hợp với quân Áo tấn công nước Nga ở phía Đông. Người Đức tin tưởng rằng, họ sẽ nhanh chóng đánh bại quân Pháp và kết thúc chiến tranh chỉ sau 3 hoặc 4 tháng.

Thực hiện kế hoạch này, ngày 2/8/1914, Bộ Tổng chỉ huy Đức ra lệnh cho Tập đoàn quân số 1, số 2 và số 3, bao gồm khoảng 680.000 lính, chia làm 5 mũi đồng loạt tấn công nước Pháp. Với lực lượng mạnh và thiện chiến nên chỉ sau một thời gian ngắn, quân Đức đã phá vỡ tuyến phòng thủ Verdun của quân Pháp, nhanh chóng áp sát Paris. Lúc này, sông Mác-nơ trở thành trở ngại duy nhất ngăn cản đường tiến của quân Đức.

Trước sự đe dọa nghiêm trọng của quân Đức, chính phủ Pháp buộc phải sơ tán và rút về Bordeaux. Để bảo vệ Paris, người Pháp đã dựng lên một tuyến phòng thủ dài hơn 200km dọc theo sông Marne. Bên trong tuyến phòng thủ này, người Pháp bố trí 14 pháo đài chính, 25 pháo đài phụ cùng một hệ thống hàng rào kẽm gai và hầm ngầm, qua đó tạo thành một hệ thống phòng thủ khép kín và chặt chẽ.

Để tăng cường lực lượng cho tuyến phòng thủ bên sông Marne, người Pháp đã đề nghị chính phủ Anh gửi quân giúp đỡ. Là đồng minh thân cận của Pháp nên lời đề nghị này ngay lập tức được Anh đáp ứng. Chỉ sau vài ngày, 70.000 lính Anh đã được huy động, nâng tổng số quân Anh - Pháp có mặt trên phòng tuyến này lên đến hơn 800.000, hình thành một thế trận phản công mạnh mẽ.

Nhận định tình hình đang theo chiều hướng thuận lợi, ngày 5/9/1914, hơn 150.000 quân Pháp, thuộc Tập đoàn quân số 5 phối hợp với quân viễn chinh Anh được lệnh đồng loạt nổ súng, đánh mạnh vào sườn phải quân Đức. Hoàn toàn bị bất ngờ và trước sự tấn công mạnh của lực lượng liên quân, quân Đức đã chống trả yếu ớt và bị thiệt hại nặng nề.

Đến ngày 6/9, sau khi được tăng cường lực lượng, quân Đức bắt đầu phản công. Lúc này, Tập đoàn quân số 6 của Pháp, phối hợp với 6.000 quân chi viện đã hình thành một thế trận phòng ngự mạnh, ngăn cản bước tiến của quân Đức. Cuộc chiến giữa hai bên liên tục giằng co trong 2 ngày sau đó.

Ngày 8/9, Tập đoàn quân số 5 của Pháp tiếp tục mở cuộc tấn công thứ hai, khoét sâu vào lỗ hổng cánh phải của quân Đức. Một lực lượng tinh nhuệ quân Anh cũng được lệnh bí mật đánh thọc sâu vào khe hở giữa 2 Tập đoàn quân số 1 và số 2 của Đức. Chỉ sau 1 ngày, 2 tập đoàn quân này của Đức đã bị cô lập hoàn toàn.

Tình thế càng trở nên khó khăn hơn cho quân Đức khi một trong những viên tướng lúc bấy giờ là Molke đã liên tiếp đưa ra những quyết định sai lầm. Thay vì huy động lực lượng phản công, Molke lại ra lệnh cho quân Đức tiếp tục rút quân về sông Aisne, cách sông Marne khoảng 65 km.

Chớp thời cơ, liên quân Anh - Pháp nhanh chóng huy động lực lượng, tiếp tục truy kích. Tuy nhiên, do tốc độ truy kích chậm nên quân Đức đã rút lui thành công. Đến ngày 12/9, quân Đức đã rút hoàn toàn khỏi phòng tuyến sông Marne, tập hợp tại khu vực sông Aisne và thiết lập một hệ thống chiến hào tại đây, nhằm ngăn chặn bước tiến của liên quân Anh - Pháp.

Mặc dù nhanh chóng lui quân chỉ sau vài ngày giao chiến nhưng người Đức đã phải chịu những thiệt hại hết sức nặng nề. Trên 200.000 lính bị thương vong, hàng nghìn khẩu pháo bị phá hủy, một lượng lớn vũ khí và trang thiết bị chiến tranh rơi vào tay liên quân Anh - Pháp. Không chỉ có vậy, thất bại này còn làm phá sản hoàn toàn kế hoạch Schlieffen của người Đức.

Dù đã cứu vãn Paris thoát khỏi sự tấn công của quân Đức nhưng người Pháp cũng phải trả một cái giá khá đắt, khoảng 80.000 lính bị thiệt mạng, hàng trăm ngàn người bị thương. Phía Anh cũng phải chịu những tổn thất không nhỏ khi mất đi gần 2.000 lính và khoảng 10.000 người bị thương. Có thể nói đây là trận đánh có số thương vong lớn nhất kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Thành công với thế trận phòng ngự, phản công, dù không toàn diện nhưng liên quân Anh - Pháp đã làm nên một trong những chiến thắng quan trọng nhất trong lịch sử của lực lượng đồng minh. Không chỉ đẩy lui một lực lượng quân sự được xếp hàng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ, chiến thắng này còn làm tan vỡ hoàn toàn hy vọng của người Đức về một thắng lợi nhanh chóng ở mặt trận phía Tây.

Giành chiến thắng trong trận chiến sông Marne, liên quân Anh - Pháp đã tạo nên một trong những thắng lợi quyết định nhất trong lịch sử, qua đó góp phần dẫn đến thất bại của quân Đức trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.


Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN