01:21 05/01/2012

Trận chiến bản quyền truyền hình

Giải bóng đá Ngoại hạng quốc gia và Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia năm 2012 đã chính thức khởi tranh. Nhưng ở thời điểm này, việc tranh chấp về bản quyền truyền hình các giải đấu giữa Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) với Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) vẫn diễn ra căng thẳng và chưa biết đến khi nào mới có hồi kết.

Sự việc bắt đầu vào năm 2010, khi AVG ký hợp đồng mua độc quyền bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong 20 năm (2011- 2030) với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Bằng chứng là ở mùa giải 2011, AVG đã bán bản quyền truyền hình các giải đấu do VFF tổ chức cho các đài truyền hình. Thế nhưng, từ khi VPF ra đời và đi vào hoạt động với nhiệm vụ tổ chức và điều hành các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp của mùa 2012, họ muốn đàm phán lại hợp đồng này với AVG. Trong công văn gửi AVG ngày 28/12, VPF thông báo họ đã được VFF bàn giao hợp đồng về bản quyền truyền hình mà trước kia VFF đã ký với AVG. Để khẳng định việc nắm giữ bản quyền các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, ngày 29/12/2011, VPF đã có Công văn số 20/VPF do Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên ký gửi Đài Truyền hình Việt Nam, với nội dung cho phép Đài Truyền hình Việt Nam và các đơn vị truyền hình trực thuộc đài được truyền hình trực tiếp và phát lại các trận bóng đá của các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam như: Giải ngoại hạng; Hạng nhất; Cúp Quốc gia; Siêu cúp Quốc gia 2012.

Dù bản quyền truyền hình các giải đấu có thuộc về ai, trước hết hãy vì quyền lợi của người hâm mộ nước nhà.

Phía AVG ngay lập tức có phản ứng bằng việc ra thông cáo báo chí với tiêu đề: “AVG sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”. Trong công văn này, Phó Giám đốc AVG, ông Hoàng Xuân Bắc tuyên bố: “Đây là hành vi cố ý làm trái, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế về vấn đề bản quyền. AVG sẽ gửi hồ sơ chứng lý tới các cơ quan chức năng và các cơ quan hữu quan để bảo vệ quyền lợi hợp pháp ghi nhận trong hợp đồng bản quyền giữa AVG và VFF”.

Ngay sau công văn của VPF gửi Đài Truyền hình Việt Nam, VFF đã có công văn 1102 yêu cầu VPF và ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp tiếp tục thực hiện bản quyền truyền hình mà VFF đã ký kết với AVG trong quá trình tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp năm 2012 và những năm tiếp theo. Tất cả các đài truyền hình chỉ được phép truyền hình trực tiếp các trận đấu khi có xác nhận cho phép của AVG như mùa giải năm 2011. Cũng thêm một lần, VFF khẳng định là không chỉ bán hợp đồng bản quyền truyền hình các giải đấu trong nước, VFF còn bán bản quyền tất cả các giải bóng đá quốc tế của VFF, các trận thi đấu quốc tế trong năm của đội tuyển Việt Nam tại Việt Nam cho AVG.

Trang web của VFF chiều 30/12 đăng tải giấy chứng nhận sở hữu thương quyền truyền hình bóng đá năm 2012 được ông Nguyễn Trọng Hỷ ký ngày 9/12/2011 với nội dung: VFF xác nhận AVG là đơn vị sở hữu thương quyền và khai thác bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp, các giải bóng đá quốc gia khác, các giải bóng đá quốc tế và trận đấu riêng lẻ được tổ chức tại Việt Nam cùng các sự kiện thông tin bên lề liên quan đến các giải bóng đá và trận bóng đá năm 2012.

Đáp lại công văn của VFF, VPF tiếp tục khẳng định lại quan điểm là không thừa nhận hợp đồng giữa VFF và AVG. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, việc VFF cho mình là đơn vị duy nhất sở hữu các quyền liên quan đến các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và ký kết hợp đồng độc quyền khai thác bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp với AVG từ năm 2011-2030 là không phù hợp với các quy định của Luật Thể dục thể thao và Điều 12 Nghị định 112/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ. VFF ký hợp đồng bản quyền với AVG khi không được các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp ủy quyền là trái với các quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, khi VPF chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý tổ chức điều hành và khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp tổ chức tại Việt Nam, VPF có trách nhiệm tiếp tục kế thừa và thực hiện những hợp đồng mà VFF đã ký kết với điều kiện các hợp đồng đó phải đảm bảo có hiệu lực và đúng pháp luật. Vì quyền lợi của người hâm mộ cả nước, vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam, VPF đề nghị VFF căn cứ các quy định của pháp luật Việt Nam để có các quyết định phù hợp. Ông Nguyễn Đức Kiên cũng khẳng định: “VPF sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không thừa nhận quyền khai thác bản quyền truyền hình của Công ty AVG và việc VPF cho phép Đài Truyền hình Việt Nam được truyền hình các trận đấu của các giải do VPF tổ chức là phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người hâm mộ nước nhà”.

Với những động thái căng thẳng giữa các bên, xem ra khó tránh khỏi một “cuộc chiến pháp lý” về bản quyền truyền hình các trận đấu giữa VPF và AVG. Những diễn biến nóng hổi vẫn còn ở phía trước.

Yến Nhi