05:09 04/05/2020

Trái ngọt sau 100 ngày ‘nếm mật nằm gai’

Cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Việt Nam vừa cán mốc 100 ngày – 100 ngày “nếm mật nằm gai”. Cùng nhau chúng ta nhìn lại, cùng nhau tổng kết, để chiêm nghiệm và rút ra các bài học. Quan trọng hơn, nhìn lại quãng đường đã qua để Việt Nam tiếp tục chiến thắng trên chặng đường sắp tới của cuộc chiến này.

Ngày 3/5 đánh dấu tròn 100 ngày kể từ khi Việt Nam phát hiện ca bệnh đầu tiên (23/1/2020). Đó là hai cha con người thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), được phát hiện dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh. Từ thời điểm ấy, đúng ngày 29 Tết Nguyên Đán năm Kỷ Hợi khi cả nước đang hân hoan chờ đón khúc giao mùa, Việt Nam chính thức bước vào một cuộc chiến mới, bằng tinh thần khẩn trương, “chống dịch như chống giặc” như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Với sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành quyết đoán của Chính phủ và tầm nhìn chuẩn xác về hiểm hoạ khôn lường của dịch bệnh COVID-19, ngay ngày 30/1, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 170/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo, tức là trước cả khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát của chủng virus SARS-CoV-2 từ Trung Quốc là Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) 1 ngày.        

Quyết định sáng suốt ấy đã đưa Việt Nam vào thế chủ động, tạo cơ sở để toàn bộ hệ thống chính trị-xã hội phòng chống dịch từ xa và từ rất sớm. Cuộc chiến ấy - như bao cuộc chiến mà dân tộc kiên cường này đã vượt qua trong suốt chiều dài lịch sử - một lần nữa nhận được sự ủng hộ, đoàn kết nhất trí của nhân dân cả nước. Vào những thời khắc khó khăn nhất, thử thách nhất, truyền thống tốt đẹp tương thân tương ái, trên dưới một lòng, triệu người như một của dân tộc Việt Nam lại toả sáng lấp lánh. Tinh thần cao đẹp ấy không chỉ có ở trong nước, mà còn lan toả trong các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.  

Không có cuộc chiến nào là dễ dàng. Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cũng vậy. Không quá lời khi đánh giá, để được nếm những trái ngọt đầu tiên ngày hôm nay, Việt Nam đã trải qua 100 ngày chiến trận “nằm gai nếm mật”. Trong quãng thời gian ấy đã có biết bao con người đêm trắng chống chọi với con virus quái ác, đã có biết bao thời khắc từng trái tim người Việt Nam như nghẹn lại, lo lắng, hồi hộp khi nghe tin xuất hiện ca dương tính mới ở một tỉnh thành nào đó, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát ổ dịch trong cộng đồng.       

100 ngày qua là sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng quân đội, công an, y tế, truyền thông báo chí, các nhà khoa học... Hơn 3 tháng chống dịch, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã đồng sức-đồng lòng tiến hành chiến dịch phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở quy mô chưa từng có tiền lệ. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ và Lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mỗi người dân đã thật sự trở thành một chiến sĩ, mỗi khu phố-bản làng thật sự trở thành một pháo đài trong trận chiến COVID-19. Giữa đại dịch, Việt Nam lại lấp lánh tình người. Thật cảm động khi có những cụ già, em nhỏ trích một phần tiền lương hưu, tiền tích cóp trong nhiều năm hay tiền mừng tuổi để mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng người đi đường. Một lần nữa, truyền thống đoàn kết của dân tộc lại trở thành nguồn sức mạnh lớn lao, đưa chúng ta vượt qua những thời điểm khó khăn nhất. 

Trong 100 ngày gian khó và đáng tự hào ấy, có biết bao bác sĩ, nhân viên y tế đã tạm gác lại niềm vui riêng để hoà mình vào nỗi lo chung của cả dân tộc. Họ “ra trận”, họ đi vào tâm dịch bất chấp hiểm nguy, chỉ với mục đích duy nhất và cao cả nhất đó là chặn đứng đại dịch, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, nhân dân.    

Có chung đường biên giới dài với Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh COVID-19 cuối năm 2019, trong bối cảnh nhiều nước khu vực và thế giới gần như “vỡ trận” hàng loạt với tổng số ca mắc bệnh lên tới trên 3,5 triệu người, thì tới nay Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 chỉ là 271. Trong số này, có 130 ca mắc bệnh từ nước ngoài vào và đã được cách ly sau khi nhập cảnh. Hiện Việt Nam cũng có 219 trường hợp khỏi bệnh, 51 ca bệnh đang điều trị ở các cơ sở y tế. Và đặc biệt, nước ta chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào vì dịch COVID-19.  

Không chỉ khống chế tốt dịch bệnh trong nước, chúng ta còn chủ động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ các nước khác ứng phó với dịch bệnh. Việt Nam trở thành một điểm sáng toàn cầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Bạn bè, đối tác và cộng đồng quốc tế đã ghi nhận, đã dành tặng cho Việt Nam những lời khen ngợi. Chúng ta – Việt Nam – hoàn toàn xứng đáng với sự ghi nhận đó.

Tuy nhiên, chủ quan và ngủ quên trên men say chiến thắng là điều hết sức nguy hiểm. Thành quả này, trái ngọt hôm nay mới chỉ là bước đầu. Khi dịch bệnh đi qua đỉnh và hạ nhiệt, khi chúng ta bắt đầu nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội, đó cũng là lúc tiềm ẩn nguy cơ bùng phát "làn sóng lây nhiễm thứ hai" dịch COVID-19. Không đâu xa, quốc gia láng giềng Singapore là một bài học nhãn tiền. Từ chỗ kiểm soát tốt dịch bệnh với chỉ khoảng 100 ca hồi đầu tháng 3, số bệnh nhân COVID-19 ở Singapore đến nay đã tăng vọt lên trên 18.205 ca (nhiều nhất Đông Nam Á) và 18 người tử vong (theo số liệu thống kê của trang worldometers.info tới sáng 4/5). Giới chuyên gia cho rằng các ca mắc COVID-19 tăng mạnh tại “đảo quốc sư tử” chính là làn sóng lây nhiễm bệnh thứ hai, dù Singapore đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt từ ngày 7/4, song virus đã kịp lây lan ở cấp độ cộng đồng.   

Ngày 24/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg về việc tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Đất nước chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế xã hội. Tuy nhiên, không ít người đang có suy nghĩ sai lầm rằng dỡ bỏ giãn cách xã hội là hết dịch bệnh. Những ngày qua, tình trạng người dân ra đường không đeo khẩu trang, tập trung đông người diễn ra khá phổ biến. Đó là điều vô cùng nguy hiểm.  

Nhìn lại quãng đường đã qua để chúng ta đúc rút các bài học kinh nghiệm cho chặng đường sắp tới của cuộc chiến. Nhìn lại quãng đường đã đi để nhắc nhớ nhau không chủ quan, không ngủ quên trên men say chiến thắng. Chúng ta đang sống những ngày lịch sử, mỗi người cần cố gắng hơn nữa để cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Việt Nam không trở thành một cuộc trường chinh, để niềm tự hào này không chỉ của thế hệ 2020 hôm nay mà còn cho cả các thế hệ Việt Nam tương lai!!!

Trần Thanh Tuấn