01:11 18/01/2018

Trải nghiệm câu cá ở Trường Sa

Trong hải trình tàu 996 đưa cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân đi thăm, chúc Tết quân và dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) dịp Xuân Mậu Tuất 2018, mỗi lần tàu thả neo để đoàn lên đảo cũng là lúc các “cần thủ"- các chiến sĩ hải quân- lại có dịp trổ tài câu cá.

Đại úy Vũ Phúc Hải, “cần thủ” sát cá nhất tàu 996 với chú cá cam nặng hơn 6kg.

Trước khi lên tàu đến với Trường Sa, thường các chiến sĩ trong tổ phục vụ đoàn công tác và các thuyền viên tàu 996 đã chuẩn bị vài trăm mét dây cước với đủ loại kích cỡ, chì để kẹp cước và hàng chục hộp lưỡi câu để câu cá. 

Mỗi lần tàu thả neo gần các điểm đảo, sau bữa cơm chiều cũng là lúc các “cần thủ” trổ tài câu cá giữa biển khơi. Đèn điện cao áp được bật lên, cá chuồn bắt ánh điện bơi sát thành tàu. Chỉ cần dùng cây vợt dài bắt cá chuồn lên làm mồi câu là các “cần thủ” có thể thức trắng đêm buông câu. Đây cũng là niềm vui cho những ai lần đầu tiên đến với Trường Sa.

Đại úy Vũ Phúc Hải, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân là người sát cá nhất đoàn. Anh Hải cho biết: Ở những điểm đảo chìm như Cô Lin, Len Đao, Đá Lớn có rất nhiều cá thu bè, thu phấn, măng, mú hồng, cá cam, cá dọc dưa… Nếu ai sát cá, có thể câu được cả chục kilogram cá trong đêm. 

Đây cũng là nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn trong suốt hải trình mà Đoàn công tác số 2 đến với Trường Sa chúc Tết quân và dân huyện đảo.

Dưới đây là những hình ảnh trải nghiệm một đêm câu cá trên biển Trường Sa do phóng viên báo Tin tức đi theo đoàn ghi lại:

Chiến sĩ tàu 996 chuẩn bị cước và lưỡi câu cho buổi câu đêm.

Dùng vợt bắt cá chuồn làm mồi câu.

Cá chuồn là mồi câu lý tưởng để câu cá thu bè, thu phấn.


Một chú cá thu bè nặng khoảng 5kg đang được đưa lên khỏi mặt nước.


Thành quả của một lần buông câu trong đêm.

Cá mú hồng, một loại cá “đặc sản” của biển cả.


Tin, ảnh: Viết Tôn