11:16 21/11/2019

Trải lòng của 'cha đẻ' hạt gạo ngon nhất thế giới

Lần đầu tiên, giống lúa thơm cao cấp của Việt Nam được vinh danh là Gạo ngon nhất thế giới. Lúa, gạo Việt Nam tự tin tham gia thị trường toàn cầu bằng định hướng chất lượng cao, gạo hữu cơ... Báo Tin tức có cuộc trao đổi với kỹ sư Hồ Quang Cua, tác giả nghiên cứu, lai tạo giống lúa ST25 vừa giành giải Gạo ngon nhất thế giới tại Manila (Philippines).

Hành trình 20 năm của những “kỹ sư chân đất”

Xin chúc mừng ông và các cộng sự. Với hành trình 20 năm nghiên cứu và phát triển hạt gạo đặc sản của Việt Nam, hẳn ông không bất ngờ khi ST25 được công nhận là ngon nhất thế giới?

Đọc lại sử liệu Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20 chúng ta sẽ thấy rằng hạt gạo Gò Công và gạo Bãi Xào trên trăm năm trước đã nổi tiếng ở thị trường Hương Cảng (Hong Kong) và châu Âu. Còn tại Sóc Trăng, 3 năm sau khi nước ta bắt đầu xuất khẩu gạo, giống lúa KDM trồng ở vùng nước lợ ven biển đã thu hút ghe tàu nườm nượp đến thu mua vào mỗi mùa lúa chín.

Chú thích ảnh
Kỹ sư Hồ Quang Cua giới thiệu giống lúa ST24 tại trại thực nghiệm. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Mặc dù là giống lúa thơm mới du nhập nhưng năng suất giống này còn cao hơn cả giống lúa chịu mặn bản địa được tuyển chọn từ thời Nam Kỳ còn là thuộc địa của Pháp. Hai sự kiện cách nhau gần 80 năm minh chứng cho điều kiện thổ nhưỡng đất Sóc Trăng phù hợp cho cây lúa thơm.

Cách đây hơn 20 năm, Thái Lan công bố đã lai tạo được hai giống lúa thơm không cảm quang mà họ gọi là hạt vàng. Tôi suy nghĩ tại sao họ làm được còn mình lại không? Thế là trong đầu tôi suy nghĩ đến giống lúa thơm cho Việt Nam và đầu thế kỷ 21, nhóm nghiên cứu lúa Sóc Trăng (ST) được hình thành và tồn tại từ đó tới ngày hôm nay.

Việc lai tạo giống tiến hành từ năm 2002, sau khi đã thu thập được tương đối đủ giống bố mẹ. Công việc chúng tôi là vừa làm vừa học, năm 2003 trong nhóm đã có 3 Thạc sĩ và đến nay đã có một kỹ sư hoàn tất học vị Tiến sĩ (Tiến sĩ Trần Tấn Phương, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng Sóc Trăng - PV).

Vừa lai, chọn vừa rút kinh nghiệm để xây dựng các tổ hợp lai mới. Vật liệu lai tạo được sưu tầm từ nhiều nguồn, trong nước lẫn nước ngoài. Giống bố mẹ thu thập từ Đài Loan, Bangladesh, IRRI (Viện Nghiên cứu lúa quốc tế), Thái Lan, Bắc Bộ, Nam Bộ... Các tổ hợp được lai phức hợp gồm nhiều giống bố mẹ (ST20 có 7 bố mẹ) và đến ST24, ST25 thì còn nhiều hơn nữa.

Lai phức hợp làm cho ra dòng ổn định cần thời gian dài hơn lai đơn rất nhiều (thường là 11 - 12 vụ) và quy mô khu chọn giống rất rộng vì các con lai phân ly rất mạnh và kéo dài, nhưng cuối cùng sẽ có nhiều dòng đạt chất lượng theo mục tiêu đề ra.

Rút kinh nghiệm từ năm 2002, đến năm 2004 mới có tổ hợp lai chọn ra được giống tốt và phóng thích năm 2009, sau đó được công nhận, đoạt giải thưởng Bông lúa vàng.

Năm 2008, hai tổ hợp lai mới được thực hiện chọn, đến năm 2014 thì ổn định và khảo nghiệm, rồi đến năm 2016 xong. Năm 2017, giống lúa ST24 đoạt giải nhất trong cuộc thi Festival lúa gạo tổ chức tại Sóc Trăng, và đến cuối năm đó giống này lọt vào Top 3 Gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo tổ chức tại Macau (Trung Quốc). Năm 2018, giống ST24 tiếp tục đoạt giải trong Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 3.

Như vậy, đây là cuộc hành trình dài, rất dài. Nếu lấy mốc tận mục sở thị hai giống lúa thơm mới ở Bangkok ngày 1/5/1998 thì đã gần hai mươi năm. Còn nếu lấy mốc ngày lai tạo để chọn ra ST24, ST25 thì cũng gần 12 năm. Nói như vậy để thấy, hành trình tạo ra giống lúa tốt là một hành trình dài, phải có người mở lối, lâu dần mới thành đường.

Với kinh nghiệm của ST24 đạt Top 3 cách đây hai năm, ông và cộng sự đã chuẩn bị cho lần ra mắt ST25 này như thế nào?

Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới được Tổ chức Thương mại lúa gạo thế giới tổ chức hằng năm từ năm 2009 và nay đã là năm thứ 11.

Qua danh sách các giống đã đoạt giải có thể thấy đều là lúa thơm cổ truyền, hạt gạo trắng, trong, thơm, cơm ngon, mềm. Tiêu chí dự thi là phải nộp 2 túi gạo, mỗi túi 2kg cùng bảng mô tả 200 chữ, cho biết tỉ lệ nước, gạo phù hợp để nấu cơm ngon.

Ngoài yếu tố chất lượng họ còn cho điểm hình thức. Ban giám khảo là đầu bếp chuyên nghiệp và đẳng cấp trên thế giới.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức cuộc thi trong nước để tuyển chọn giống gửi đi thi trên danh nghĩa của hiệp hội này.

Ở cuộc thi quốc tế năm nay diễn ra tại Manila (Philippines), giống ST24, ST25 được VFA lựa chọn dự thi. Đáng chú ý, cả hai cùng lọt vào tốp đầu thế giới và ST25 được ban giám khảo chọn để trao giải nhất.

Tôi có quan hệ với đồng nghiệp Thái Lan trên 20 năm, nên có nhiều dịp để so sánh phẩm chất gạo của hai nước. Từ khởi thủy mới lai tạo chúng tôi đều lấy gạo Thái Lan làm chuẩn mực để vươn tới.

Thông qua kết quả các kỳ thử cơm tại chỗ cũng như đối chiếu các chỉ tiêu hóa sinh giữa nhóm giống lúa, chúng tôi không mặc cảm thua kém họ. Cho đến nay, với sự chứng thực của các trọng tài quốc tế, hạt gạo Việt Nam đã vượt họ. Kể từ nay về sau người sành ăn gạo thơm ngon trên thế giới có thể tìm gặp gạo thơm ngon quanh năm "made in Vietnam", chứ không chỉ ngon nửa năm đầu, nửa năm sau mất mùi, ráo cơm như trước.

Tương lai của hạt gạo Việt Nam

Ông có đánh giá gì về tầm quan trọng của những cuộc thi như thế này với các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam?

Những cuộc thi gạo là rất quan trọng. Với cây ăn trái thì đã có các cuộc thi trong nước từ rất lâu, từ đó phát triển được các giống trái cây đặc sản như Mít nghệ, Sầu riêng RG, Nhãn xuồng... Tuy nhiên, với hạt gạo thì chưa có nhiều cuộc thi như thế ở trong nước làm tiền đề đưa gạo Việt Nam đi thi quốc tế.

Ta có thể thấy, Thái Lan nhờ thi gạo ngon mà khẳng định được vị thế của Thái Hom Mali; Campuchia nhờ đoạt giải nhất liên tiếp ba năm mà xuất khẩu tăng đột biến, giá cao...

Chú thích ảnh
Kỹ sư Hồ Quang Cua và bảng vàng vinh danh gạo ngon nhất thế giới. Ảnh: TTXVN

Với những loại gạo giành giải cao như hiện nay, ông nhận định tương lai của hạt gạo Việt sẽ ra sao?

Việt Nam nổi tiếng với gạo thơm, giá rẻ so với các “đàn anh, đàn chị” Thái, Campuchia. Rải rác trong gần chục năm qua, vẫn có doanh nghiệp xuất khẩu gạo với giá lên tới 800 - 900 USD/tấn nhưng chưa nhiều (theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2019 đạt 435,6 USD/tấn - PV).

Có được giống gạo ngon thứ hạng cao trên thế giới nên tương lai sẽ rộng mở hơn. Các nhà nhập khẩu đều muốn tìm được loại gạo ngon, giá rẻ hơn đem về tiêu thụ. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất lúa ở Việt Nam vẫn còn rất yếu. Theo tôi, đây là cơ hội lớn để chúng ta sắp xếp lại mọi việc.

Xin ông cho biết, thị trường thế giới đón nhận hạt gạo Việt trong cuộc thi vừa qua và các triển lãm quốc tế mà ông từng tham gia ra sao?

Mỗi năm châu Á là địa bàn tổ chức hội nghị lúa gạo và hội thi cơm gạo ngon một lần nên từ người nông dân, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tiêu thụ đều háo hức trông đợi kết quả cuộc thi.

Thêm vào đó, trên thế giới nguồn cung gạo thơm giá cao trước giờ chỉ có một đợt chín vào 2 tháng cuối năm nên họ chấp nhận mua gạo cũ mất mùi thơm, giảm ngon dẻo từ nửa năm về sau. Nay nếu Việt Nam tổ chức sản xuất tốt họ sẽ đặt lại vấn đề với nhà cung cấp truyền thống (vụ Đông - Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch vào tháng 4 hàng năm - PV). Khi đó, vị thế của Việt Nam sẽ tăng lên. Khi kết quả cuộc thi được công bố, khách hàng quốc tế xin hết 150 mẫu gạo của chúng tôi mang theo.

Ông đánh giá như thế nào về khả năng chiếm lĩnh thị trường nội địa của hạt gạo ngon cao cấp của Việt Nam? Người tiêu dùng nếu muốn mua “hạt vàng ngon nhất thế giới” có thể mua ở đâu?

Tự tin mà nói, gạo thơm ST từ lâu đã đẩy lùi gạo Thái. Gạo ST20 đã thâm nhập sâu rộng vào thị trường cả nước từ hàng chục năm trước. Nhưng chúng ta cũng không cần câu nệ chuyện nhập khẩu. Nông sản là loại sản phẩm mùa vụ, lúc nào ngon, rẻ thì cứ mua. Trong thời mở cửa, hội nhập, Việt Nam với Thái Lan và Campuchia có sự giao thương gần gũi, vì vậy việc nhập khẩu gạo ngon từ các nước là bình thường.

Có thể thấy, khách hàng rất thích gạo ST24, loại gạo hạt thơm, trắng, đẹp cho cơm dẻo. Tại Hà Nội, dự án gạo Việt do Công ty cổ phần lương thực Thủ đô bán loại gạo này. Hiện nay việc vận chuyển rất thuận lợi nên khách hàng có thể mua gạo từ xa mà cước phí vẫn chấp nhận được.

Trước đây, khi ST24 lọt vào Top 3 thế giới, lúc đó diện tích trồng cấy vẫn còn chưa phát triển, gieo trồng các nơi không kịp đáp ứng các đơn đặt hàng. Nay ST25 mới xuất hiện cũng vậy, diện tích trồng cấy sẽ phát triển lớn dần về diện tích. Ở thời điểm hiện tại, người tiêu dùng có thể liên lạc với các đại lý ở Sóc Trăng để đặt mua gạo ngon ST24 và sắp tới là ST25.

Gần 40 năm cống hiến cho ngành nông nghiệp, sự nghiệp của kỹ sư Hồ Quang Cua gắn liền với hạt gạo Sóc Trăng. Sau hơn 20 năm nghiên cứu lai tạo, đến nay Sóc Trăng đã có được bộ sưu tập giống lúa ST từ ST1 đến ST28 và một số giống ST đỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao. Nhiều giống lúa do ông Hồ Quang Cua lai tạo đã được công nhận là giống lúa Quốc gia, giống xác nhận, được nông dân trồng rộng rãi. Với những cống hiến xuất sắc, kỹ sư Hồ Quang Cua đã vinh dự được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Tuệ Thy/Báo Tin tức