03:08 11/03/2013

Trách nhiệm của chủ xe?

Theo thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, những tháng đầu năm 2013, cả nước đã xảy ra 5.636 vụ tai nạn giao thông. Số vụ và số người bị thương tuy giảm so với cùng kỳ năm 2012, nhưng số người chết đã lên tới 1.973 người, tăng gần 18%.

Theo thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, những tháng đầu năm 2013, cả nước đã xảy ra 5.636 vụ tai nạn giao thông. Số vụ và số người bị thương tuy giảm so với cùng kỳ năm 2012, nhưng số người chết đã lên tới 1.973 người, tăng gần 18%. Đáng chú ý, những vụ tai nạn giao thông thảm khốc liên quan đến xe chở khách trong những ngày gần đây, cướp đi sinh mạng của nhiều người, đã đặt ra câu hỏi không chỉ với người điều khiển phương tiện, mà cả với doanh nghiệp của những chiếc xe gây tai nạn.

 

Mặc dù các ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm tai nạn giao thông, nhưng những nỗ lực đó dường như vẫn chưa giải quyết triệt để tận gốc vấn đề. Ngoài ý thức của người điều khiển phương tiện, đặc biệt là của lái xe khách còn thấp, thì việc buông lỏng công tác quản lý, giám sát các điều kiện an toàn của phương tiện cũng đang bộc lộ nhiều lỗ hổng.


Nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm của các chủ phương tiện, doanh nghiệp chưa được xác định, xử lý đúng mức. Việc đào tạo, giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ lái xe cũng không được chú trọng. Nhiều doanh nghiệp, chủ xe đã quá dễ dãi trong việc tuyển dụng lái xe, thậm chí tuyển dụng cả lái xe điều khiển loại xe không đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ; có lái xe bị doanh nghiệp này sa thải, nhưng sau đó lại được doanh nghiệp khác nhận vào làm việc. Bên cạnh đó, do sức ép về lợi nhuận, thu nhập, thời gian quay vòng xe, nhiều lái xe sẵn sàng chở quá tải, phóng nhanh vượt ẩu, đua tốc độ tranh giành khách... Hậu quả là khi xảy ra tai nạn, chỉ có lái xe chịu trách nhiệm, chủ xe thì vô can.


Trước tình trạng hàng loạt vụ tai nạn giao thông thảm khốc do xe khách gây ra từ đầu năm đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các địa phương kiểm tra ngay các đơn vị vận tải có phương tiện gây ra tai nạn và doanh nghiệp vận tải trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, các sở giao thông vận tải địa phương cũng không nắm rõ và không cung cấp được đầy đủ thông tin liên quan đến các vụ tai nạn giao thông, cũng như số lượng doanh nghiệp vận tải thuộc địa phương mình.


Rõ ràng, nguyên nhân các vụ tai nạn xe khách gia tăng trong thời gian gần đây, lỗi trực tiếp là do lái xe, nhưng gián tiếp là do chủ xe khoán doanh thu cho lái xe, lời ăn lỗ chịu, nên lái xe phóng nhanh, vượt ẩu. Rất tiếc, khi xử lý xe gây tai nạn, thường cơ quan chức năng đã quên mất trách nhiệm của chủ xe. Vấn đề đặt ra là, muốn hạn chế tai nạn giao thông, thì việc xử lý các trường hợp lái xe chở khách, ô tô tải vi phạm (tốc độ, sử dụng rượu bia, chở quá tải…) thôi chưa đủ, mà cần phải xử lý mạnh tay hơn đối với doanh nghiệp vận tải, chủ xe. Để giải quyết tận gốc vấn đề, ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải đánh vào túi tiền của doanh nghiệp, bởi túi tiền nằm ở chính phương tiện mà doanh nghiệp sở hữu và quản lý.


Yến Nhi