06:09 29/06/2012

Trả lại tuổi thơ những ngày hè: Bài cuối: Cùng vào cuộc

Có thể là một mùa hè gắn kết, có thể là một mùa hè "về quê" - những lựa chọn cho một mùa hè lý tưởng của trẻ, tưởng khó, nhưng lại cũng dễ, nếu như chúng ta "đi đúng đường".

Có thể là một mùa hè gắn kết, có thể là một mùa hè "về quê" - những lựa chọn cho một mùa hè lý tưởng của trẻ, tưởng khó, nhưng lại cũng dễ, nếu như chúng ta "đi đúng đường".


Tuy nhiên, trong hành trình đến với mùa hè lý tưởng này, lại cần sự vào cuộc của cả các bậc cha mẹ cũng như xã hội...

 

TS Nguyễn Minh Thức (Chủ nhiệm bộ môn tâm lý - ĐH Nguyễn Huệ) đưa ra một mô hình nghỉ hè cho trẻ thành phố: Về quê. TS Nguyễn Minh Thức đã chỉ ra 4 điều trẻ “được” khi về quê.


Thứ nhất, sẽ giúp trẻ thay đổi không khí ngột ngạt, giảm áp lực. Theo TS Nguyễn Minh Thức, nếu trẻ dễ hòa nhập với các bạn cùng độ tuổi, chúng sẽ thỏa sức chơi với nhau một cách tự nhiên. Trò chơi dân gian mang tính tập thể như chơi u, đánh đáo, đánh cù, nhảy dây... giúp các em phong phú thêm đời sống tinh thần. Ở thành thị không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con học kỹ năng, nếu trẻ tiếp tục quẩn quanh với bốn bức tường ở nhà trong những ngày hè và học những kiến thức trẻ không yêu thích, dần dần tâm hồn của trẻ sẽ lão hóa, giá trị sống bị thiếu hụt và thiếu tự tin khi hòa nhập xã hội.


Hãy dành cho trẻ một kỳ nghỉ hè nhiều niềm vui. Ảnh: CTV

 

Thứ hai, khi về quê, trẻ có thể “học làm nông dân”. TS Nguyễn Minh Thức lý giải, cha mẹ có thể cho con về quê trong dịp hè hoặc là những dịp nghỉ dài ngày, vừa để trẻ có cơ hội thăm hỏi người thân, vừa cho trẻ hòa mình vào thiên nhiên. Một chuyến đi về quê giúp trẻ nhận biết những con vật quen thuộc như ốc sên, con cò, trâu, bò, dê, gà... ngoài đời thế nào. "Trăm nghe không bằng một thấy", trẻ sẽ học hỏi được nhiều điều thú vị từ thế giới tự nhiên. Ngoài ra, trẻ còn được xem hoặc tham gia cùng những người nông dân chăm sóc, thu hoạch nông sản, được chăn dắt những con vật dân dã thôn quê. Đó là những bài học thiết thực hình thành ở con trẻ lòng yêu lao động, biết trân trọng giá trị của các sản vật và thêm yêu thiên nhiên.


Và thứ ba, hành trình về quê sẽ giúp trẻ rèn kỹ năng ứng xử, đồng cảm với người khác. Trên thực tế, ở thôn quê, mọi người thường sống gần gũi và thân thiện hơn so với ở thành phố (điều này do các nguyên tắc khách quan đô thị chi phối). Như đã thành lệ, người cùng làng ra ngõ gặp nhau là chào hỏi tíu tít. Bởi vậy, về quê trẻ sẽ hình thành được thói quen chào hỏi, quan tâm và biết nghĩ đến người khác mỗi khi gặp gỡ. Cuộc sống ở nông thôn cũng giúp trẻ sống hòa đồng, chan hòa, cởi mở với mọi người. Mỗi niềm vui, nỗi buồn của hàng xóm láng giềng cũng giúp trẻ học được cách chia sẻ.


Và cuối cùng, đây sẽ là cơ hội để trẻ rèn luyện thể lực, nâng cao khả năng thích ứng với cuộc sống. Vì lý do này, theo TS Thức, các bậc phụ huynh nếu có điều kiện nên mạnh dạn cho con trẻ về quê sống với ông bà, người thân vào kỳ nghỉ hè. Trẻ được chạy nhảy và vận động nhiều hơn. Việc này sẽ hình thành ở trẻ tính tự lập và tính thích ứng với sự thay đổi của môi trường sống. Khi không có bố mẹ bên cạnh, trẻ sẽ có cách hòa nhập với cuộc sống mới. Cho trẻ về quê là một giải pháp giúp trẻ hình thành, phát triển những kinh nghiệm cuộc sống một cách tự nhiên và bền bỉ.


Lựa chọn kỳ nghỉ hè cho con thế nào còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện của mỗi gia đình. Tuy nhiên, có điều chung nhất là mùa hè đến chúng ta nên hướng cho con những điều bổ ích, thiết thực hơn cả bài học sách vở. Đó cũng là cách chơi mà học “. Nếu học các lớp bồi dưỡng kỹ năng tổ chức khoa học thì các em sẽ được phát triển nhiều mặt, nhất là phát triển tư duy sáng tạo. Còn về nông thôn, những bài học diễn ra một cách tự nhiên, không phải sách vở, lý thuyết... Giá trị sống của trẻ được hình thành và phát triển một cách bền vững. Quan trọng là đời sống tình cảm của trẻ sẽ phong phú” - TS Thức nhấn mạnh.


Còn với một chuyên gia khác trong lĩnh vực giáo dục, thì kỳ nghỉ hè lý tưởng lại nên là sự gắn kết trong gia đình. Theo đó, các bậc làm cha mẹ nên lên kế hoạch cho những ngày nghỉ của con từ sớm, khi trẻ chưa bước vào kỳ nghỉ. Việc lên kế hoạch này có tác dụng giúp các thành viên trong gia đình có thể chủ động sắp xếp công việc của mình, cũng như thời gian hợp lý, cùng nhau tham gia các hoạt động chung của gia đình như đi du lịch, khám phá những miền đất mới, đến một khu nghỉ dưỡng... hoặc chỉ là về quê, thăm họ hàng, anh em... Đơn giản là tìm một địa điểm để thay đổi không gian sống, tạo cho trẻ sự hào hứng, vui thích. Theo chuyên gia này, trong kỳ nghỉ hè, trẻ cũng nên tham gia các CLB như CLB tiếng Anh, võ thuật, múa, hát, vẽ... hơn là nhồi nhét kiến thức với lịch học thêm dày đặc. Tuy nhiên, trước khi cho con tham gia một hoạt động nào, thì các bậc phụ huynh cũng nên tôn trọng sở thích của trẻ bằng cách hỏi ý kiến trẻ, tìm hiểu sở thích của con, sau đó có những định hướng phù hợp cho con về những lớp học hè này. “Với một số hoạt động thú vị và bổ ích bạn có thể lôi kéo cả gia đình tham gia như mấy mẹ con đi học nấu ăn, cả nhà tập bơi, gia nhập câu lạc bộ đọc sách... Hãy tạo sự hứng khởi ở trẻ chứ đừng bắt buộc các em”.


Và điều quan trọng nhất trong phương pháp mà chuyên gia này đưa ra chính là sự có mặt thường xuyên của các bậc cha mẹ trong mùa hè của con. Theo đó, dù con học, con chơi, cũng nên luôn có sự hiện diện của cha mẹ, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, để con trẻ có thể thấy sự gắn kết trong gia đình, thấy mình không bị “bỏ rơi” và lạc lõng trong mùa hè của mình.


Tất nhiên, mỗi phương án đưa ra, mỗi sự lựa chọn đều có những "điều kiện" của nó. Những điều kiện đòi hỏi sự điều chỉnh của chính những bậc cha mẹ và của cả xã hội. Bởi để có những cơ hội cho trẻ vui chơi, rèn luyện... cũng cần những cơ sở vật chất như những điểm vui chơi phù hợp với trẻ, những trò chơi mà trẻ yêu thích; trong khi trên thực tế đây là điều đang còn rất thiếu (chúng tôi sẽ đề cập trong loạt bài khác). Ngoài ra, để cha mẹ có thể dành thời gian cho con, cũng nên có những sự "giảm áp lực" trong công việc với người lao động trong những dịp hè này. Mà điều này, bản thân các bậc cha mẹ không thể... tự cho phép mình mà đủ.


Điều cuối cùng chúng tôi muốn nói trong loạt bài viết này, chính là một mong muốn cho mùa hè đích thực của con trẻ. Nên là một mùa hè, mà ở đó, cha mẹ sẽ có thêm thời gian ở bên con cái mình, có thời gian để cùng con chia sẻ những ngày hè bổ ích, thay vì biến kỳ nghỉ hè của con thành gánh nặng cho mình, và cho chính trẻ.

 

Đâu cần phải quá đắt đỏ cho một kỳ nghỉ hè, cũng chưa hẳn là cần những sự hy sinh quá lớn cho con về thời gian. Đơn giản là sự quan tâm, chia sẻ... sẽ giúp cha mẹ và con cái gần gũi nhau hơn. Nên là như thế, dành cho trẻ những kỳ nghỉ hè yêu thương, bởi hãy tâm niệm một điều, những mùa hè để trẻ còn ở bên và cần chúng ta, cũng không phải là quá nhiều...


Và điều quan trọng, hãy để kỳ nghỉ trở thành niềm hứng khởi và mong ước của trẻ sau mỗi năm học theo đúng nghĩa của nó: Nghỉ hè!


Tuyến Anh