11:12 16/11/2013

Trả lại tuổi thơ cho các em

Người lớn luôn la mắng, trách phiền các em chưa ngoan, không biết vâng lời ông bà cha mẹ; băn khoăn trước hiện tượng trẻ em vô cảm, đi hoang, sống kiểu bầy đàn, phạm pháp, nạo phá thai, hành xử côn đồ… nhưng những gì người lớn làm sai, thiếu chuẩn mực đạo đức thì thường không được nhắc đến...

Bảo vệ sự trong trắng về tinh thần cho tuổi thơ, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội.


Thế nhưng trong cuộc sống hôm nay vẫn còn đâu đó những hạt sạn không đáng có đang làm vẩn đục sự hồn nhiên trong sáng trong nhận thức, suy nghĩ, hành động của trẻ em.


Ngay mùa tựu trường, dư luận bức xúc trước thông tin một số học sinh bị đuổi học vì không mặc đồng phục. Họ không hiểu hay cố tình không hiểu để có được những bộ đồng phục ấy đối với nhiều gia đình là chuyện không thể thực hiện được khi hàng ngày phải đối phó thật gian nan với đói nghèo cùng quẫn. Các em nghĩ gì ?


Mới đây lại có ý kiến thành lập các trường “đặc chủng“chất lượng cao giành cho các gia đình lắm bạc nhiều tiền. Hệ quả tất yếu sẽ nảy sinh là việc phân biệt đối xử giữa các em cùng trang lứa. Học sinh “giàu” thì tự phụ, kiêu căng, học sinh “nghèo” thì tự ti, mặc cảm. Điều gì sẽ xảy ra trong suy nghĩ tuổi thơ?


Có một thực trạng đáng lo ngại đang diễn ra là: người lớn vô tình có, cố ý có đã chiếm lấy những sân chơi tinh thần bổ ích giành riêng cho tuổi thơ như: nhà văn hóa, nhà thiếu nhi, công viên… để thực hiện những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa.


Dư luận lại nóng lên khi trên 120 học sinh khối lớp 7, trường THCS Cao Xanh, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh “bị” huy động đi xem các bộ phim trong chuỗi hoạt động Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18. Không có gì đáng nói nếu nội dung phim lành mạnh, bổ ích, phù hợp với lứa tuổi các em. Nhưng các em phải xem bộ phim “khủng” với nhiều cảnh phòng the giành cho người lớn và khá nhiều cảnh chém giết vô cùng bạo lực. Khi sự việc bị phát hiện, các cấp hữu quan đổ lỗi cho nhau, và đến nay chưa biết trách nhiệm thuộc về ai?


Người lớn luôn la mắng, trách phiền các em chưa ngoan, không biết vâng lời ông bà cha mẹ; băn khoăn trước hiện tượng trẻ em vô cảm, đi hoang, sống kiểu bầy đàn, phạm pháp, nạo phá thai, hành xử côn đồ… nhưng những gì người lớn làm sai, thiếu chuẩn mực đạo đức thì thường không được nhắc đến, có chăng chỉ mang hình thức chiếu lệ và vô trách nhiệm.


Xin đừng để các em có cảm giác lạc lõng, mất phương hướng, hoài nghi trước sự quan tâm, bảo vệ, chăm sóc của người lớn mà cần chung tay thực hiện các biện pháp hữu hiệu hơn, quyết liệt hơn, để trả lại tuổi thơ trong sáng cho các em một cách thực sự.



Phương Anh