03:08 15/03/2012

Trả lại màu xanh cho vùng “đất chết”

Để khắc phục hậu quả bom mìn (BM) sau chiến tranh cần rất nhiều kinh phí và thời gian. Hiện nay với tốc độ rà phá BM bình quân khoảng 20.000 ha/năm thì để làm sạch hết 6,6 triệu ha ô nhiễm BM trên cả nước thì phải mất 300 năm nữa mới hoàn thành.

Để khắc phục hậu quả bom mìn (BM) sau chiến tranh cần rất nhiều kinh phí và thời gian. Hiện nay với tốc độ rà phá BM bình quân khoảng 20.000 ha/năm thì để làm sạch hết 6,6 triệu ha ô nhiễm BM trên cả nước thì phải mất 300 năm nữa mới hoàn thành. Kinh phí dự kiến để dọn sạch BM chỉ tính riêng trên đất liền khoảng hơn 10 tỷ USD, đây là những thách thức rất lớn.

Những hy sinh thầm lặng

Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Chính phủ ta đã đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục hậu quả BM, tổ chức thu gom và rà phá BM với quy mô lớn nhằm giải phóng đất đai đưa dân về quê hương sinh sống. Giành lại màu xanh cho vùng “đất chết”, làm sạch bom mìn vật nổ (BMVN) phải kể đến công sức to lớn của những chiến sĩ công binh ngày đêm lăn lộn trên những đèo cao, núi sâu hay những công trình, thửa ruộng dò gỡ BMVN mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Dưới cái nắng chói chang của miền đất Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), những giọt mồ hôi vẫn lăn dài trên gò má đen sạm của những chiến sĩ công binh. Là những người đối mặt trực diện với “tử thần”, không cho phép họ lùi bước trước hiểm nguy, đặc biệt nguy hiểm là các loại mìn sát thương như M14, K58... Trung úy Đoàn Văn Thiều, chiến sĩ công binh Cụm 2 (Trung tâm công nghệ xử lý BM - Binh chủng Công binh), cho biết: Trong cuộc đời binh nghiệp, tôi đã gắn bó với nhiệm vụ rà phá BMVN từ năm 2006 đến nay. Khi gặp BM mọi thao tác phải tuyệt đối thận trọng, xử lý an toàn BMVN. Nhưng khó khăn nhất với chúng tôi là nắng gió và mưa bão, làm việc trong môi trường căng thẳng. Dẫu vậy, nhưng những chiến sĩ công binh đều phải khắc phục vượt qua, xử lý tín hiệu an toàn. Được biết đơn vị của Trung úy Thiều đã tham gia rà phá ở nhiều địa bàn khó khăn như Tây Nguyên, miền Trung đi lại khó khăn, dốc núi, mật độ ô nhiễm BM dày đặc.

Cán bộ chiến sĩ Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) thi công dự án rà phá BMVN trên địa bàn xã Bình Thạnh Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Trọng Đức-TTXVN


“Ấn tượng nhất với tôi là lần rà phá BM ở huyện Gia Nghĩa (Đắk Nông) vào tháng 4/2010. Lần đó, đội chúng tôi tham gia rà phá BM trên một đỉnh núi cao, phải leo núi, mở đường để tạo mặt bằng cho đội khoan khảo sát địa chất làm thủy điện. Trong khi thực thi nhiệm vụ chúng tôi gặp quả mìn K58, lúc sờ đến đồ nghề thì chúng đã bị rơi từ lúc nào mà không hay biết. Không ngần ngại, tôi đã phải tháo biển tên của mình để khóa chốt quả mìn lại. Sau đó đưa quả mìn về nơi an toàn. Mỗi lần lên đường làm nhiệm vụ vợ con đều lo lắng. Đã có lúc vợ khuyên nên ra quân, nhưng tôi cũng động viên gia đình an tâm, sẵn sàng lên đường thực thi nhiệm vụ” - Trung úy Đoàn Văn Thiều chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, thiếu tá Dương Thế Dũng, Phó Giám đốc Xí nghiệp 319.5 (Tổng Công ty 319 - Bộ Quốc phòng), cho biết: Là đơn vị rà phá BMVN, đơn vị đã và đang thi công trên nhiều địa hình phức tạp của cả nước. Các đội rà phá BM của đơn vị do các sĩ quan công binh dày dạn kinh nghiệm “cầm quân”, các chiến sĩ đều được học qua các lớp đào tạo của Trường kỹ thuật công binh. Cán bộ chiến sĩ có tay nghề tốt, làm chủ máy móc và khoa học kỹ thuật, xử lý tốt mọi tình huống khi tham gia rà phá BMVN. Được biết, Xí nghiệp 319.5 đang thi công dự án rà phá BMVN trên địa bàn hai xã Bình Thạnh Đông và Bình Thạnh Tây huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) với tổng diện tích 800 ha, trong đó dò sâu đến 3 m là 180 ha dự kiến tháng 5/2012 đơn vị sẽ hoàn thành.

Nỗ lực đáng khâm phục

Hàng năm, Việt Nam đã chi một nguồn lực đáng kể để khắc phục hậu quả BMVN. Chỉ tính ngân sách cho hoạt động rà phá BMVN trong năm 2009 Chính phủ đã đầu tư khoảng 89 triệu đô la Mỹ và tăng lên khoảng 100 triệu đô la Mỹ trong năm 2010 và khả năng cần đầu tư nhiều hơn nữa trong những năm tới.

Nhờ những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, sự hợp tác giúp đỡ quí báu của bạn bè quốc tế, công tác khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cả nước đã dò tìm, thu gom, xử lý được hàng triệu BMVN các loại, “làm sạch” hàng trăm nghìn ha đất, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, tái tạo quỹ đất, bảo đảm an toàn môi trường, an toàn sản xuất, đời sống của nhân dân, giảm thiểu tai nạn, thương tích do BM. Tích cực tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh BM trong trường học, cộng đồng dân cư, tăng cường nhận thức cho người dân, góp phần giảm dần số vụ tai nạn BM. Hỗ trợ điều trị, phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng cho những người dân chịu hậu quả do BM gây ra.

Ông Ted Paterson, Trung tâm rà phá BM nhân đạo quốc tế Giơ - ne - vơ (GICHD) cho biết: “Những nỗ lực của Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả BM là rất đáng khâm phục. Xét về nhiều mặt, chương trình hành động khắc phục BMVN của Việt Nam là chương trình rà phá BM lớn nhất thế giới. Việt Nam là một mô hình đáng học hỏi cho các nước đang gánh chịu hậu quả sau chiến tranh. Đồng thời Việt Nam cũng có rất nhiều cơ hội học hỏi những kinh nghiệm thành công của các chương trình khắc phục BMVN của các quốc gia khác trên thế giới”.

Theo Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025: Dự kiến tiến độ rà phá BM bằng nguồn lực trong nước từ năm 2010 - 2020 sẽ giải phóng được khoảng 200.000 ha tương đương 2,98% trên tổng diện tích ô nhiễm (6,6 triệu ha). Như vậy, tổng diện tích được rà phá BM nếu chỉ bằng nguồn lực trong nước thì đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 6,26%. Đến năm 2050 sẽ giải phóng được 800.000 ha tương đương 11,94% tổng diện tích ô nhiễm. Tổng diện tích được làm sạch BM đến năm 2050 sẽ đạt khoảng 15,22% tổng diện tích ô nhiễm BM.

Bà Nguyễn Thu Thảo, Trưởng đại diễn Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam cho rằng: “Đối với Việt Nam và đối tác phát triển quốc tế, chương trình hỗ trợ trong giải quyết hậu quả chiến tranh cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của Việt Nam”.

Nguyễn Viết Tôn

Bài cuối: Những chương trình hành động