04:22 24/04/2014

TPP - Trụ cột chính sách xoay trục của Mỹ

Sau khi bị lỡ hẹn vào năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trở lại viếng thăm bốn nước châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines.

Sau khi bị lỡ hẹn vào năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trở lại viếng thăm bốn nước châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Theo giới phân tích, mục tiêu chủ yếu của chuyến công du lần này của ông Obama là nhằm khôi phục động lực của chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ mà ông khởi xướng, nhưng trong quá trình thực hiện hóa đang gặp phải thái độ hoài nghi của các đồng minh và đối tác trong khu vực.

 

Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán TPP đã kết thúc tại Singapore ngày 25/2 mà không đạt mục tiêu về một thỏa thuận chung. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong chuyến thăm lần này, ông Obama sẽ nhấn mạnh không chỉ khía cạnh quân sự trong chiến lược xoay trục mà cả các khía cạnh kinh tế bằng cách thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tổng thống Obama hy vọng có thể ra một tuyên bố nêu rõ TPP sẽ sớm được ký kết. Hiệp định này được chính quyền Obama xem là yếu tố cốt lõi trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ, một chính sách cho đến nay bị coi là chủ yếu tập trung vào vế quân sự mà lơ là hẳn vế kinh tế.


Vấn đề là ở giai đoạn đàm phán chung cuộc, TPP đang vấp phải sự trở ngại đến từ Nhật Bản, nước vốn vẫn dè dặt trong việc mở cửa hai lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp xe hơi. Hai ngày đàm phán khẩn trương tại Washington (Mỹ) đã kết thúc không kết quả vào ngày 18/4, và sẽ được tiếp nối trong tuần này với mục tiêu đạt được một kết quả cụ thể nào đó khi Tổng thống Mỹ công du Nhật Bản. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ, trong giai đoạn tiền bầu cử giữa nhiệm kỳ, lại không mặn mà với TPP.


“Thời báo Doanh nghiệp”, nhật báo hàng đầu của Singapore, ngày 22/4 đã ra bài xã luận “Di sản của ông Obama tại châu Á là TPP” viết rằng: Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chuyến thăm là khẳng định hơn nữa sự hỗ trợ đối với thỏa thuận thương mại đang bị bế tắc, thỏa thuận đóng vai trò cốt lõi trong chương trình nghị sự kinh tế của ông Obama cũng như trong chính sách “xoay trục sang châu Á" của chính quyền Mỹ.


Các cuộc thảo luận về TPP, một hiệp định tự do thương mại lớn đầy tham vọng của 12 nước bên bờ Thái Bình Dương, gồm cả Singapore, đã diễn ra không suôn sẻ như Mỹ hy vọng. Các phiên đàm phán kéo dài nhưng không kết thúc vào năm 2013 như mục tiêu mà nhóm nước tham gia đề ra và vẫn không rõ khi nào thì các cuộc đàm phán có thể kết thúc.


Tuy nhiên, cũng đang có hy vọng về một số tiến bộ trong đàm phán TPP trong chuyến thăm Nhật Bản, điểm dừng chân đầu tiên của ông Obama trong chuyến công du châu Á. Các nhà phân tích hy vọng sẽ có đột phá trong các cuộc đàm phán về TPP, với những tín hiệu cho thấy hai bên đã giải quyết được một vài khác biệt và tiến gần hơn đến một thỏa thuận. TPP được coi là rất quan trọng đối với cả Washington và Tokyo, với chính sách “xoay trục sang châu Á” của ông Obama và với những nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong việc kích thích tăng trưởng và tự do hóa nền kinh tế Nhật Bản.


Sau Tokyo, ông Obama sẽ tới thăm Malaysia, một quốc gia khác cũng tham gia đàm phán TPP, và sau đó là tới thăm Hàn Quốc và Philippines, cả hai nước này đều đã tỏ ý muốn gia nhập “gia đình TPP” vào một thời điểm nào đó.


“Thời báo Doanh nghiệp” khẳng định, giờ là lúc phải ký TPP, một hiệp định được đưa lên bàn đàm phán từ hơn bốn năm trước, để tất cả 12 nước thành viên có thể bắt đầu hưởng lợi từ những gì thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử hứa hẹn sẽ mang lại. Nhóm 12 nước tham gia đàm phán TPP đóng góp 40% GDP toàn cầu. TPP cũng được hình dung là nền tảng cho việc tạo lập khu vực thương mại tự do ở châu Á - Thái Bình Dương.


Tất nhiên, có rất nhiều trở ngại nằm ngoài tầm kiểm soát liên quan tới TPP mà chính quyền Obama phải đối mặt. Nhà lãnh đạo Mỹ phải nhận thức được đầy đủ rằng một TPP có chất lượng cao sẽ củng cố di sản của ông ở châu Á.


Kim Yến