11:22 01/11/2015

TPP: Hoạch định một hành trình - Kỳ 1

Sau hơn 5 năm đàm phán, TPP đã đạt được thỏa thuận cơ sở, đưa 12 nước thành viên tiến gần hơn đến việc thành lập một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với tổng số dân 800 triệu người, chiếm 40% GDP toàn cầu.


Thoả thuận được các bên hoàn tất ngày 5/10 vừa qua bao gồm 31 lĩnh vực và sẽ tiến đến dỡ bỏ thuế đối với 99,9% sản phẩm chế tạo. Tuy nhiên, TPP còn lớn hơn cả một hiệp định thương mại. Mỹ và Nhật Bản đang phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy một trật tự kinh tế mới ở châu Á, một trật tự kinh tế dựa trên các quy định, nơi đang rất cần tăng trưởng và ổn định trong bối cảnh đối phó với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc. Nếu được thực thi một cách thuận lợi, TPP có thể sẽ trở thành một động lực quan trọng cho hòa bình và thịnh vượng thế giới.   

QUY ĐỊNH MỚI, TRẬT TỰ MỚI

Giọng điệu gay gắt của Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính Nhật Bản Akira Amari tại cuộc thương lượng làm ngạc nhiên các đối tác, những người có mặt tại Atlanta (Mỹ) với hy vọng hoàn tất đàm phán TPP sau hơn 5 năm trì trệ. Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ, Michael Froman, với thái độ nhượng bộ hơn một cách rõ ràng, đã yêu cầu phái đoàn Mỹ cố gắng tạo điều kiện hoàn tất đàm phán trước khi mọi người về nước.

Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP trong cuộc họp báo thông báo về thỏa thuận TPP tại hội nghị ở Atlanta, Mỹ ngày 5/10. Ảnh: THX/TTXVN

Một thỏa thuận toàn diện có 31 chương đã được hoàn tất vào ngày 5/10/2015, bao hàm nhiều lĩnh vực, từ quyền sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử đến bảo vệ môi trường. Sau khi được phê chuẩn, hiệp định này sẽ dỡ bỏ thuế đối với 99,9% sản phẩm chế tạo. Những quy định trong khuôn khổ hiệp định được dự đoán sẽ tạo cơ sở cho việc dỡ bỏ quy định hàng loạt tại các nền kinh tế đang nổi, giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh trong khu vực.

Ông Froman cho rằng TPP hứa hẹn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều công việc có mức lương cao và nâng mức sống của người dân trên toàn khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Thậm chí, những điều này có thể sẽ còn phát triển xa hơn cả những gì được ký kết. Ông Amari nhấn mạnh: “Những quy định mà chúng ta tạo ra sẽ trở thành những quy định của thế giới trong thế kỷ 21”.

Nhưng vẫn còn một chặng đường dài trước mắt. Mỹ, Nhật Bản và các chính phủ khác đang đối mặt với thách thức phải vượt qua được sự phản đối trong nước khi thúc đẩy phê chuẩn TPP. Điều mà TPP thể hiện là sự xuất hiện của một trật tự toàn cầu mới, chứ không hẳn là một trật tự sẽ phụ thuộc ít hơn vào sự lãnh đạo của Mỹ.


Phóng viên báo chí và đại biểu các đoàn đàm phán tại cuộc họp báo kết thúc Hội nghị. Ảnh: Thanh Tuấn - P/v TTXVN tại Mỹ

TPP, với các quốc gia thành viên hiện chiếm tới gần 40% sản lượng kinh tế thế giới, đã kéo 12 nền kinh tế, cả phát triển và đang nổi xích lại gần nhau, bao gồm Mỹ, Canada, Mexico, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia, Việt Nam, Peru, Chile, Australia và New Zealand.

Từ góc nhìn toàn diện, hiệp định đã đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong quan hệ quốc tế. Mỹ vốn bị đánh giá là đối tác khó chịu trong đàm phán thương mại. Đại diện Thương mại Mỹ Froman đã tìm cách chỉ huy tiến trình đàm phán và tỏ quyết tâm không phải là đối tác đầu tiên nhượng bộ. Đặc biệt, trong vòng đàm phán cuối, một số đối tác đã phàn nàn rằng có vẻ như Mỹ chỉ tập trung thúc đẩy xuất khẩu cho mình hơn là theo đuổi một sự thịnh vượng chung cho tất cả. Nhưng ngay cả các đại biểu của các nền kinh tế nhỏ hơn cũng tỏ thái độ cứng rắn hơn cả lập trường kiên định thường thấy của Washington. Australia đối đầu với Mỹ trong vấn đề thời hạn bảo hộ dữ liệu của các loại dược phẩm mới. New Zealand đòi Mỹ mở cửa hơn nữa thị trường các sản phẩm sữa, ít nhất đấy là một trong những nguyên nhân khiến cho vòng đàm phán TPP tại Hawaii thất bại. Chile và Peru cũng phản ứng. Và mặc dù Nhật Bản là một đồng minh trung thành của Mỹ, song ông Amari cũng không tỏ thái độ nhượng bộ.

Chiến tranh Lạnh kết thúc đã giúp Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Các đối tác thương mại của Mỹ, dựa vào sức mạnh quân sự và thị trường rộng lớn của quốc gia này, đã tìm cách thích ứng với điều đó. Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản, Koji Tsuruoka, nói: “Thế giới khoan nhượng với Mỹ vì thế giới cần những lợi thế của nước Mỹ”. Tuy nhiên, các đối tác đàm phán TPP vẫn khăng khăng đòi quyền lợi. Và ngoài khuôn khổ TPP, Mỹ đang bị thách thức bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Dù vậy, với việc thiết lập các quy định chung cho một loạt nền kinh tế, TPP tạo cơ hội để các nước thành viên giành thế chủ động. Đây cũng là sự chuyển hướng từ mô hình chịu sự chi phối của Mỹ sang hình thức tiếp cận đa phương hơn để tự do hóa thương mại và duy trì sự ổn định quốc tế. Một khi TPP được phê chuẩn, hiệp định này có khả năng giảm thiểu những rủi ro về đầu tư giữa các nước tham gia, đặc biệt là các nước kém phát triển hơn như Việt Nam và Peru. Với các quy định thống nhất, các công ty cũng như các cá nhân sẽ tìm ra sự thịnh vượng từ những cơ hội mới.

Khi các nước tham gia TPP bắt đầu gặt hái những thành quả của hiệp định, các nền kinh tế ngoài TPP có thể sẽ mong muốn được tham gia sân chơi này. Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan đã bày tỏ sự quan tâm. Hàn Quốc cũng tỏ ý muốn gia nhập TPP, cho dù nước này mới đây thể hiện quan điểm sẽ tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Và một khi nhóm tham gia TPP được mở rộng, Trung Quốc sẽ cảm nhận sự khó khăn khi bị đứng ngoài lề.

Nguyễn Tuyến (Theo Tạp chí Nikkei Asian Review)