10:21 11/10/2015

TPP - Cuộc chiến cam go của Tổng thống Mỹ

Để Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng thống Barack Obama vừa phải hội đủ đa số phiếu tối thiểu của các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận, vừa phải chống lại lực cản từ phía các nhà sản xuất ô tô, các công ty thuốc lá và bơ sữa.


Chiến thắng của ông Obama sẽ phụ thuộc vào việc ông có giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng Cộng hòa hay không, và đây rõ ràng là một thách thức không hề đơn giản bởi họ là những người luôn có quan điểm trái chiều với Nhà Trắng. Trong khi đó, đa số nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ vốn hoài nghi về các hiệp định tự do thương mại, thậm chí có thể sẽ "bỏ rơi" vị Tổng thống của mình, và khả năng Quốc hội tiến hành bỏ phiếu về việc thông qua TPP trước năm 2016 rõ ràng là không khả thi.

Tuy nhiên, vẫn có khả năng đa số Quốc hội Mỹ sẽ ủng hộ các thỏa thuận thương mại này. Tháng 6/2015 có 218 Hạ nghị sĩ, vừa đủ tạo thành đa số tối thiểu, đã bỏ phiếu chấp thuận trao quyền đàm phán nhanh cho Chính quyền Tổng thống Obama, để từ đó thúc đẩy các cuộc đàm phán TPP. Kết quả tương tự cũng đã diễn ra tại Thượng viện với tỷ lệ ủng hộ là 60 phiếu, trong khi con số tối thiểu chỉ cần 51 phiếu. Sự ủng hộ này liệu có lặp lại trong quá trình Quốc hội cân nhắc TPP hay không phụ thuộc vào những điều khoản cụ thể của thỏa thuận và ảnh hưởng của chúng đối với các ngành kinh doanh, các công đoàn lao động, các hộ gia đình và cả các chính trị gia đại diện cho họ tại Washington. 

Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP họp báo chung. Ảnh: Thanh Tuấn - P/v TTXVN tại Mỹ

Ngay sau khi 12 quốc gia hoàn tất quá trình đàm phán TPP, Nhà Trắng nhanh chóng có những động thái mang tính vận động hành lang. Trong cuộc họp ngày 6/10, tại trụ sở của Bộ Nông Nghiệp Mỹ tại Washington, với sự tham dự của lãnh đạo và đại diện từ các ngành công nghiệp chế tạo, nông nghiệp và công nghệ, Tổng thống Obama đã đề cập tới các nội dung liên quan tới TPP. Ông Obama phát biểu: “Thỏa thuận này sẽ nâng cao tính cạnh tranh cho nền kinh tế Mỹ. Chúng ta đang trên con đường tiến tới dỡ bỏ các rào cản hạn chế nhiều doanh nghiệp Mỹ mở rộng hoạt động tại các thị trường nước ngoài".

Chi tiết cụ thể của hiệp định thương mại tự do đầu tiên của thế kỷ 21 này vẫn chưa được công bố, và hiện có rất ít các tuyên bố công khai tỏ ý ủng hộ. Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất ô tô, thuốc lá, các công ty dược, các nhóm lợi ích trong ngành nông nghiệp và các đồng minh tại Quốc hội đều lên tiếng chỉ trích ngay khi thỏa thuận vừa hoàn tất quá trình đàm phán hôm 5/10. Bill Samuel - Giám đốc các vấn đề chính phủ thuộc Trung ương Liên hiệp Công đoàn Mỹ (AFL-CIO), chi nhánh lớn nhất trong các tổ công đoàn lao động Mỹ - chia sẻ việc thúc đẩy Quốc hội thông qua TPP sẽ là một thách thức không hề nhỏ đối với Nhà Trắng. Ông Samuel nói: “Thời gian đang chống lại Chính quyền ông Obama”, ám chỉ việc thỏa thuận này “được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ sắp trải qua các cuộc tranh cử tổng thống và bầu cử quốc hội cam go, và rõ ràng đây không phải thời điểm thuận lợi để đưa ra một hiệp định tự do thương mại”.

Theo ông Gabriel Horwitz, Phó Giám đốc phụ trách các vấn đề kinh tế tại tổ chức nghiên cứu Third Way, Tổng thống Obama có thể sẽ có được sự hậu thuẫn từ những nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ thương mại tự do. Còn nhớ, 50 Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối trao quyền đàm phán nhanh cho ông Obama trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 6 vừa qua. Một vài người trong số đó có thể ủng hộ thương mại tự do, nhưng lại không muốn trao quá nhiều quyền lực cho người đứng đầu Nhà Trắng. Chỉ có 28 Hạ nghị sỹ Dân chủ ủng hộ trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Obama. Nhưng một số nghị sỹ vốn lo ngại về các thỏa thuận thương mại có thể sẽ quay sang ủng hộ TPP sau khi chi tiết của văn bản này được công bố và các doanh nghiệp tại khu vực mà họ đại diện nhận thấy những biến chuyển tích cực.
TTK