11:00 12/11/2011

TpHồ Chí Minh: Xe cấp cứu “giả” ngang nhiên hoạt động

Lợi dụng tình trạng thiếu xe cấp cứu ở các bệnh viện lớn ở TP.HCM và sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, tình trạng xe cứu thương “giả” hoạt động ngày càng rầm rộ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Lợi dụng tình trạng thiếu xe cấp cứu ở các bệnh viện lớn ở TP.HCM và sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, tình trạng xe cứu thương “giả” hoạt động ngày càng rầm rộ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Xe cấp cứu “giả” giá trên trời

Qua quan sát của phóng viên Tin Tức tại các bệnh viện như Chợ Rẫy, cấp cứu Trưng Vương và một số bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh dễ dàng bắt gặp các loại xe cấp cứu với biển số màu trắng của thành phố và các tỉnh… thường xuyên ra vào những bệnh viện này. Tuy nhiên, các loại xe này không đỗ trong bến xe của các bệnh viện, mà chỉ đỗ ở các bến xe bên ngoài gần bệnh viện với hình thức là xe khách nhưng khi có người cần gọi chở bệnh nhân là các xe này bắt đầu để còi hú và dán hình chữ thập lên xe. Đa số những loại xe này hoạt động với hình thức là đội xe cấp cứu liên doanh với bệnh viện ở các tỉnh.

Hoạt động của xe cấp cứu trên địa bàn TP.HCM đang bị buông lỏng.


Trong vai người nhà bệnh nhân cần thuê xe cấp cứu về Lâm Đồng, trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy, một người đàn ông mặc áo xanh đen đon đả cho biết: Cuối tuần thuê xe cấp cứu của bệnh viện khó lắm, nếu cần thì tôi cho số điện thoại, lúc nào cũng có xe chở về tới tận nhà.

Qua lời giới thiệu của người đàn ông này, chúng tôi gọi tới số điện thoại 0935205… gặp anh L.V.H. đang đỗ xe tại cổng ngoài của Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau khi hỏi đoạn đường đi anh này cho giá luôn, từ Bệnh viện Chợ Rẫy về tới Madagui (Lâm Đồng) 3 triệu đồng, nếu cần có y tá đi theo thì thêm 1 triệu đồng nữa. Bên ngoài chiếc xe được sơn màu trắng khá đẹp và chữ thập màu đỏ nhưng lại không có logo của bệnh viện còn các trang thiết bị ở bên trong chiếc xe thì đã cũ và rỉ sét, chiếc băng ca cũ được tài xế cầm chiếc khăn phủi phủi lớp bụi và chiếc bình oxy nằm ở một góc cũng đã rất cũ.

Chị Thanh Loan, một nạn nhân của nạn xe cấp cứu giả, cho biết: Người nhà tôi nằm ở bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM thuê xe cấp cứu theo số điện thoại của một bác xe ôm ở trước cổng bệnh viện đưa cho. Sau khi đã đồng ý với giá 1,5 triệu đồng từ bệnh viện về tới Tiền Giang, nhưng khi gần về đến nhà thì bác tài đòi thêm 200.000 đồng tiền bồi dưỡng. Thế là tôi phải ngậm ngùi đưa cho bác tài thêm 200.000 đồng nữa.

Cần siết chặt quản lý

Lợi dụng tình trạng thiếu xe cứu thương, không ít tư nhân đã mua xe cứu thương hoặc hoán cải xe khách thông thường dán logo cứu thương để hành nghề. Và những thiết bị để chuyển đổi thành xe cứu thương cũng được bán rộng rãi ở chợ dân sinh (quận 1). Cụ thể các thiết bị cho xe cấp cứu được bán khá phổ biến như đèn cấp cứu tròn giá dao động 300 – 600.000 đồng tùy loại, đèn cấp cứu dài cộng với còi hụ thì giá hơn ba triệu đồng, bình oxy hơn 1 triệu đồng sử dụng khi người bệnh có nhu cầu... Vậy là tùy theo yêu cầu, túi tiền thì các cửa tiệm có thể trang bị cho khách hàng đầy đủ bộ đồ hành nghề xe cấp cứu.

Một tài xế chạy xe cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đa số những xe cấp cứu này là những loại xe đã hết thời được tân trang lại, không có đủ trang thiết bị đảm bảo cho sức khỏe của bệnh nhân. Tuy nhiên, vì nhu cầu người bệnh ngày càng cao mà xe bệnh viện ít nên không thể đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Do đó, các xe dạng này mới có đất hoạt động. Thông thường họ đỗ xe ở ngoài và khi có cò giới thiệu thì mới chạy xe vào bệnh viện chở khách. Vì có giấy xuất viện của bệnh nhân nên các xe này được quyền vào chở bệnh nhân, bệnh viện cũng không thể quản lý được. Những loại xe này này giá cao hơn so với xe bệnh viện từ 700.000 – 1 triệu đồng.

Ông Lê Minh Hải, Trưởng phòng Quản lí Dịch vụ y tế Sở Y tế TP.HCM cho biết: Yêu cầu của một chiếc xe cấp cứu phải đáp ứng đủ hai điều kiện: Phương tiện vận chuyển cấp cứu chuyên dụng, có trang bị hệ thống đèn, còi cảnh báo ưu tiên; phải có nhân viên y tế đã được đào tạo và cấp chứng chỉ về cấp cứu với đầy đủ trang thiết bị và thuốc cấp cứu (máy thở, máy phá rung tim, bình oxy, dụng cụ cố định, thuốc...). Dịch vụ vận chuyển cấp cứu ngoại viện là một nhu cầu có thật, nhưng đến nay chưa quy định rõ doanh nghiệp hoặc cá nhân có được vận chuyển cấp cứu hay không. Hiện trên địa bàn TP.HCM chưa cấp phép vận chuyển cấp cứu cho bất kỳ loại hình xe cấp cứu của tư nhân nào.

Theo Sở Y tế TP.HCM, để quản lý các loại xe cấp cứu và ngăn chặn tình trạng xe cấp cứu giả, Sở y tế đã có văn bản rà soát, kiểm tra xe cứu thương ở tất cả các bệnh viện trên địa bàn.

Cũng theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, đối với những loại xe cứu thương “giả” này, khi phát hiện sẽ bị giam xe 30 ngày và phạt từ 3 - 5 triệu đồng.

Bài và ảnh: Đan Phương