06:20 29/06/2015

TPHCM sẽ dựng bệnh viện dã chiến nếu MERS lây lan

Nếu dịch lây lan trong cộng đồng, thành phố sẽ thiết lập các bệnh viện dã chiến tại các khu vực đông bệnh nhân tránh quá tải, mở rộng các đơn vị tiếp nhận bệnh nhân.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh MERS-CoV đang diễn ra ở một số nước và hoàn toàn có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này tại thành phố.

Bệnh viện Nhi Đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức diễn tập phòng chống bệnh MERS - CoV với hai tình huống giả định. Ảnh: Phương Vy/TTXVN


Theo kế hoạch này, sẽ có 3 tình huống được xây dựng nhằm chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ đầu tiên, chẩn đoán nhanh, khoanh vùng và xử lý kịp thời. Cụ thể, đối với tình huống chưa ghi nhận trường hợp xác định tại Việt Nam, thành phố sẽ tập trung vào một số hoạt động trong công tác chỉ đạo, huấn luyện, tuyên truyền như: Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp thành phố và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện nhằm đáp ứng kịp thời với các tình huống dịch bệnh lưu hành, dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi; Xây dựng các quy trình giám sát, chẩn đoán, điều trị; Tổ chức các lớp huấn luyện việc ứng dụng những quy trình trên cho nhân viên y tế các tuyến của cả hai hệ dự phòng và điều trị…

Trong tình huống này, công tác giám sát sẽ được tập trung triển khai quy trình kiểm soát ca bệnh xâm nhập tại Cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, các Cảng đường biển, đường sông có tiếp nhận tàu khách từ nước ngoài; đồng thời thực hiện điều tra, giám sát người tiếp xúc, tìm kiếm tích cực ca bệnh nghi ngờ tại các cơ sở điều trị. Bên cạnh đó, thực hiện triển khai phòng xét nghiệm chẩn đoán xác định MERS-CoV tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và huấn luyện quy trình thu thập mẫu bệnh phẩm cho các cơ sở y tế, các đội cơ động…

Đối với tình huống xuất hiện trường hợp xác định xâm nhập vào Việt Nam, công tác giám sát sẽ tập trung vào việc điều tra, giám sát người tiếp xúc với ca bệnh, đánh giá mối liên quan dịch tễ giữa các ca bệnh nhằm phát hiện kịp thời tình trạng lây bệnh trong cộng đồng. Các đội cơ động phòng, chống dịch của Trung tâm Y tế dự phòng các cấp thực hiện chế độ thường trực chống dịch. Bên cạnh đó, Sở Y tế thành phố đẩy mạnh truyền thông nguy cơ cho các nhóm đối tượng về các biện pháp phòng bệnh và những đáp ứng phù hợp với từng tình huống, nhằm đảm bảo kiểm soát sự lây bệnh nhưng không làm xáo trộn những sinh hoạt bình thường của xã hội.

Trong tình huống dịch lây lan trong cộng đồng, thành phố sẽ thiết lập các bệnh viện dã chiến tại các khu vực đông bệnh nhân tránh quá tải, mở rộng các đơn vị y tế tiếp nhận bệnh nhân, phân loại bệnh nhân điều trị tại các tuyến. Khi đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Sở Y tế phải họp hàng ngày và báo cáo tình hình dịch bệnh cũng như những hoạt động đảm bảo an sinh xã hội cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố để có những chỉ đạo kịp thời với tình hình thực tế. Đồng thời, tất cả các đội cơ động chống dịch toàn thành phố thực hiện chế độ trực chống dịch 24/24 tại đơn vị…

Bên cạnh việc xây dựng các kế hoạch hành động, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã giao việc cụ thể cho từng Sở, ngành, địa phương chủ động tăng cường giám sát cũng như triển khai các biện pháp truyền thông phòng chống dịch MERS-CoV ở cơ sở.

Trước đó, các đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đã đi kiểm tra, giám sát và làm việc với UBND thành phố Hồ Chí Minh và một số bệnh viện, cảng hàng không Tân Sơn Nhất về tình hình phòng chống dịch bệnh MERS-CoV. Hiện ngành y tế thành phố đã chủ động triển khai các buổi tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế tại các bệnh viện và Trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện cũng như trang bị các thuốc men, hóa chất cần thiết cho việc phòng chống dịch…


H.Chung (TTXVN)