12:11 17/12/2020

TP Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải có cách làm mới để chuyển đổi số hiệu quả

TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

Chú thích ảnh
Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị nói chuyện chuyền đề “Chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế chia sẻ và triển vọng tại TP Hồ Chí Minh” nhằm cung cấp những thông tin về Chương trình chuyển đổi số cho cán bộ, người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, các nước trên thế giới đang tiến hành xây dựng đô thị thông minh, thúc đẩy chuyển đổi số, Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh – thành phố lớn, năng động, đầu tàu kinh tế của cả nước – nói riêng cũng sẽ không thể nằm ngoài xu hướng này.

"Hiện nay, chương trình chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển của thành phố từ nay đến năm 2030. Vì vậy, để thực hiện chương trình chuyển đổi số thành công, TP Hồ Chí Minh cần phải đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức. Theo đó, TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu mọi cán bộ, công chức, viên chức và công dân phải có tư duy, cách làm mới, dám nghĩ, dám làm, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường sống, làm việc với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh cũng khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị, người dân ứng dụng các phần mềm, giải pháp công nghệ hiện đại vào quá trình xử lý dữ liệu để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thời đại công nghệ 4.0 để tăng hiệu quả, năng suất công việc cũng nhưng đáp ứng đầy đủ nhu cầu mà khách hàng đặt ra”, ông Dương Anh Đức cho biết.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, Chương trình chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh được xây dựng dựa trên Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc chính quyền điện tử TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Đối với kinh tế số, dự kiến chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%; hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.

Dự kiến đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; kinh tế số chiếm 40% GRDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết /Báo Tin tức