06:09 24/06/2011

TP Hồ Chí Minh: Vất vả tìm sân chơi cho trẻ

Năm nay, TP.HCM được chọn là Năm vì trẻ em. Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng thêm 4 sân chơi miễn phí cho trẻ em. Dự kiến, cuối năm sẽ có thêm 6 sân chơi khác ra đời.

Năm nay, TP.HCM được chọn là Năm vì trẻ em. Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng thêm 4 sân chơi miễn phí cho trẻ em. Dự kiến, cuối năm sẽ có thêm 6 sân chơi khác ra đời. Tuy nhiên, 10 sân chơi vẫn còn ít so với 1,7 triệu thiếu nhi. Nhiều bậc phụ huynh đang phải vất vả tìm sân chơi cho con em mình.

Quá tải!

TP.HCM hiện có 23 nhà thiếu nhi từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện. Một số phường ngoại thành còn nhiều đất trống, cũng tổ chức thêm nhà thiếu nhi cấp phường. Tuy nhiên, hoạt động của các nhà thiếu nhi lại chưa thực sự thu hút những đối tượng này. Bởi chương trình vui chơi giải trí chỉ loanh quanh trong việc tổ chức các lớp học quen thuộc năm nào cũng có như: Bồi dưỡng năng khiếu, học tiếng Anh, luyện chữ đẹp, học võ thuật… mà không có sự đổi mới. Do đó, học sinh đến sinh hoạt ở đây chẳng khác nào vẫn là đang đi học ở lớp, ở trường chứ không còn là vui chơi giải trí trong dịp hè. Dù biết vậy, nhưng do các bậc phụ huynh vẫn phải đi làm trong dịp hè cho nên họ không còn lựa chọn nào khác là hễ tới hè là cho trẻ đến các nhà thiếu nhi.

Trong tất cả các môn học tại nhà thiếu nhi trên địa bàn TP, môn bơi lội luôn thu hút nhiều học viên theo học nhất. Bởi đây là môn học vừa có tính vận động cao lại phù hợp với thời tiết nóng nực của những ngày hè. Vì vậy, hầu hết các hồ bơi trong thành phố đều quá tải như hồ bơi của Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức, CLB bơi lội Nguyễn Bỉnh Khiêm,Yết Kiêu (quận 1)… Vào những lúc cao điểm, những hồ bơi này đón nhận từ 100 đến 300 trẻ em, với giá dao động từ 200.000 - 500.000 đồng/khóa/12 buổi.

Trong dịp hè, những lớp học bơi luôn thu hút nhiều trẻ em tham gia (ảnh chụp tại một lớp học bơi tại Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức).


Bên cạnh những sân chơi do Nhà nước đầu tư, trong các khu dân cư, nơi các khoảnh đất trống đều mọc lên khu vui chơi giải trí do tư nhân đầu tư. Mặc dù trò chơi không phong phú, lúc nào cũng chỉ có bập bênh, thú nhún, tàu lượn… nhưng vẫn luôn thu hút trẻ và phụ huynh vì đáp ứng được nhu cầu vui chơi của trẻ và tiện trông con của các bậc phụ huynh. Thực tế vào những ngày hè, các khu vui chơi tư nhân này cũng phải đối mặt với tình trạng quá tải. Một nhân viên trông coi khu vui chơi tại chung cư Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh) cho biết: “Ngày bình thường chỉ cần một nhân viên trông coi khu vui chơi nhưng trong ngày hè chúng tôi phải có 2 - 3 người trông coi nhưng vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu vui chơi của trẻ em trong khu vực này”.

Đau đầu vì sân chơi

Tìm sân chơi ngày hè cho thiếu nhi luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh mỗi khi hè về. Đối với những trẻ em nhà gần các khu vui chơi, nhà thiếu nhi quận, huyện còn có nhiều lựa chọn để tìm những môn học năng khiếu hay tham gia các trò chơi giải trí ngày hè. Nhưng đối với các trẻ em ở các khu dân cư thì lại rất khó để tìm được một nơi vui chơi lành mạnh. Tất cả những địa điểm này chỉ đáp ứng được phần nào đó trong nhu cầu rất lớn của trẻ em. Ngoài ra, còn một địa điểm lý tưởng cho trẻ vui chơi ngoài trời đó là công viên. Tuy nhiên, theo khảo sát thì chỉ có khoảng 7% trẻ chơi ở công viên. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều bậc phụ huynh không muốn cho con em mình ra công viên chơi với lý do: Công viên bây giờ quá xô bồ, ẩn chứa nhiều tệ nạn xã hội. Nhiều công viên biến thành chỗ bán hàng rong, tổ chức sự kiện quảng cáo... Bên cạnh đó, các công viên cũng thường thiếu các khu vui chơi dành cho trẻ em nên phụ huynh dắt con em ra đây cũng không biết cho trẻ chơi cái gì.

Không chỉ các bậc phụ huynh đau đầu vì sân chơi cho trẻ ngày hè mà ngay cả những cơ quan chức năng chủ quản các nhà thiếu nhi cũng thấy đau đầu. Ông Phan Kim Long, Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi Quận 1 cho biết: Tình trạng thiếu thốn sân chơi cho trẻ là tình trạng chung của cả thành phố, muốn tìm được một nơi vui chơi tốt cho trẻ trong lúc thiếu cả tiền, quỹ đất và con người thì thật khó. Đơn cử như Nhà thiếu nhi Quận 1 có diện tích 2.011 m2 nhưng chỉ có khoảng 1/3 diện tích là dành cho trẻ vui chơi, sinh hoạt. Với tổng kinh phí sinh hoạt hè là gần 80 triệu đồng chi cho tất cả các hoạt động thì việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của tất cả trẻ em riêng quận 1 cũng đã khó.

Theo các nhà tâm lý học, một trong những cách thức để trẻ em phát triển là thông qua vận động vui chơi. Tuy nhiên, không phải trẻ em nào cũng có được sân chơi lành mạnh để tránh sa đà vào game trực tuyến, ma túy… Để giảm bớt nỗi lo ngày hè cho các bậc phụ huynh, rất cần sự quan tâm đồng bộ từ các ngành chức năng, gia đình và cộng đồng.

Hoàng Tuyết