03:19 16/03/2023

TP Hồ Chí Minh vẫn thiếu nhà vệ sinh công cộng phục vụ người dân, du khách

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn Thành phố có khoảng 255 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC), tập trung nhiều nhất trong khu vực nội thành là Quận 5 với 38 NVSCC; Quận 1 và Quận 3 có khoảng 10 - 18 NVSCC… TP vẫn đang tồn tại tình trạng thiếu NVSCC để phục vụ người dân và du khách.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi họp báo chiều 16/3.

Chiều 16/3, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn trong tuần qua. Liên quan đến việc thiếu nhà vệ sinh công cộng (NVSCC), ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2022, đã có 20.302 trường hợp vi phạm về vệ sinh nơi công cộng (trong đó có hành vi tiểu tiện, phóng uế nơi công cộng), đã nhắc nhở nhưng chưa xử phạt là 6.733 trường hợp, xử phạt 13.569 trường hợp, với tổng số tiền xử phạt là 6,33 tỷ đồng... Trong năm 2023, các địa phương cũng đang tăng cường kiểm tra để xử lý các hành vi vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát được lắp đặt trên địa bàn.

Theo ông Trần Nguyên Hiền, mặc dù Thành phố đã đầu tư nhiều NVSCC, nhưng sẽ có những lúc người dân, khách vãng lai, khách du lịch đến Thành phố gặp khó khăn, bất tiện khi tiếp cận, sử dụng NVSCC. Nguyên nhân là do khoảng cách xa, tốn phí khi có nhu cầu sử dụng hay có lúc NVSCC bị hư hỏng. Ngoài nguyên nhân khách quan, vẫn có nguyên nhân chủ quan là thiếu ý thức của người sử dụng vệ sinh nơi công cộng.

Cụ thể, tình trạng người sử dụng trước không giữ gìn vệ sinh sau khi sử dụng: Không khóa nước sau khi sử dụng, xả rác thải/giấy vệ sinh bừa bãi xuống sàn, giẫm chân lên bệ bồn cầu, đổ bỏ thức ăn thừa/giấy vệ sinh vào bồn cầu gây nghẹt đường ống thoát nước, phá hoại các trang thiết bị vệ sinh hoặc sử dụng các chất kích thích, nôn mửa vào bồn rửa mặt gây ảnh hưởng đến người có nhu cầu sử dụng tiếp theo. Điều này đã và đang hình thành nỗi ám ảnh cho người dân, du khách khi đi du lịch đến TP Hồ Chí Minh. Vì thế, ông Trần Nguyên Hiền khuyến nghị, hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng phải được lên án và xử phạt để nâng cao ý thức của người dân, từ đó giữ gìn vệ sinh chung trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Một nhà vệ sinh công cộng tại công viên 23/9, Quận 1.

Cũng theo ông Trần Nguyên Hiền, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, sự hài lòng, thoải mái cho khách du lịch đến TP Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện một số giải pháp gồm: Yêu cầu các cơ quan, đơn vị đang được giao quản lý, vận hành và khai thác các nhà vệ sinh công cộng khẩn trương cải tạo, nâng cao chất lượng phục vụ đối với các nhà vệ sinh công cộng hiện hữu đang quản lý; yêu cầu UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chủ động, khẩn trương lựa chọn vị trí thực hiện lắp đặt mới các nhà vệ sinh công cộng di động trên địa bàn.

Đồng thời, Sở tiếp tục vận động các chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý, khai thác các cơ sở như: bưu điện, cây xăng, trung tâm văn hóa, trung tâm đào tạo, siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ ăn uống, bến xe… tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, khách vãng lai được sử dụng nhà vệ sinh ở bên trong các khu vực này; bố trí biển báo hướng dẫn để khách du lịch, khách vãng lại dễ dàng nhận biết và tiếp cận sử dụng…

Liên quan đến vấn đề NVSCC, báo Nikkei Asia công bố một khảo sát vào cuối tháng 1/2023 về xếp hạng điều kiện NVSCC của 69 thành phố du lịch, trong đó TP Hồ Chí Minh và Hà Nội của Việt Nam nằm trong tốp các thành phố có thứ hạng tệ nhất bảng xếp hạng: Hà Nội thứ 66, TP Hồ Chí Minh thứ 67/69. 

 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức