07:17 18/07/2025

TP Hồ Chí Minh: Văn hóa đọc chuyển mình giữa dòng chảy công nghệ

Với doanh thu tăng cùng hàng loạt mô hình sáng tạo, Đường Sách TP Hồ Chí Minh đang cho thấy nỗ lực thích nghi với hành vi đọc mới của người trẻ trong thời đại số, đồng thời khẳng định vai trò là điểm đến văn hóa đặc trưng giữa lòng thành phố.

Ngày 18/7, tại buổi họp sơ kết tình hình hoạt động và kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2025, ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP Hồ Chí Minh cho biết, doanh thu tại Đường Sách TP Hồ Chí Minh đạt hơn 31 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2024. Con số này được đánh giá là tích cực trong bối cảnh ngành xuất bản còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả là sự thay đổi sâu sắc trong hành vi đọc, đặc biệt ở người trẻ, những độc giả yêu cầu không gian đọc phải sáng tạo, tương tác và mang tính trải nghiệm nhiều hơn.

Chú thích ảnh
Ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP Hồ Chí Minh thông tin về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm.

Theo ông Lê Hoàng, ngoài vai trò bán sách, Đường Sách hiện là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa định kỳ, giao lưu tác giả, ra mắt sách, hoạt động sáng tạo cho thiếu nhi... Mô hình này đã góp phần gắn kết sâu hơn với cộng đồng người đọc.

Đại diện Nhà sách Phương Nam chia sẻ thêm, xu hướng hiện nay là khách đến xem tại Đường Sách nhưng đặt mua online. Vì thế, đơn vị đang tính đến việc tổ chức thêm các chương trình vào buổi tối nhằm khai thác thời gian cao điểm sau giờ làm việc.

Tương tự, anh Văn Thành Lê, Giám đốc chi nhánh TP Hồ Chí Minh của Nhà xuất bản Kim Đồng đánh giá, hoạt động ổn định tại Đường Sách không chỉ mang lại hiệu quả doanh thu mà còn mở rộng tệp độc giả, đặc biệt là nhóm phụ huynh và thiếu nhi nhờ các workshop sáng tạo và giao lưu minh họa.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh chia sẻ nhiều thông tin về định hướng phát triển văn hóa đọc.

Trong khi đó, những mô hình nhỏ như Quầy sách cũ Cô Chi lại tiếp cận độc giả trẻ bằng phương pháp tương tác hiện đại: Thử thách đọc sách trên mạng xã hội, video TikTok, check-in nhận dấu mộc, chia sẻ cảm nhận theo ngôn ngữ “gen Z”. “Chúng tôi xây dựng trải nghiệm đọc gắn với sở thích, thói quen của bạn trẻ. Giới thiệu sách bằng chính giọng nói và cách nhìn của họ sẽ hiệu quả hơn gấp nhiều lần”, đại diện quầy sách chia sẻ.

Nhận định về xu hướng này, chị Hà Nga, đại diện Thái Hà Books cho rằng, để giữ chân độc giả, đặc biệt là giới trẻ, các nhà sách cần tăng cường kết nối cộng đồng thay vì chỉ trông chờ vào nguồn sách mới. Việc tổ chức ngày hội sách định kỳ hay chuỗi sự kiện theo chủ đề (môi trường, lịch sử, tâm lý học...) sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tốt hơn và tối ưu chi phí cho các đơn vị tham gia.

Ông Lê Hoàng chia sẻ thêm: “Chúng tôi luôn cố gắng duy trì năng lượng tích cực suốt gần 10 năm qua, nhưng thẳng thắn mà nói, vẫn còn nhiều việc cần làm để hoạt động phong phú và bền vững hơn”.

Chú thích ảnh
Không gian tại Đường sách TP Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, Đường Sách TP Hồ Chí Minh đang hướng đến tái cấu trúc hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nội dung và duy trì kết nối lâu dài với độc giả. Mục tiêu mới là xây dựng mô hình không gian đọc bền vững, đồng hành với học sinh, sinh viên, người trẻ và khách du lịch thông qua các trải nghiệm đa dạng.

Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cũng có kế hoạch mở rộng mô hình đường sách ra các khu vực khác, kết hợp với các tuyến phố đi bộ và tour du lịch đêm nhằm đưa Đường Sách trở thành điểm đến văn hóa đặc trưng của thành phố. Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi muốn từ những mô hình hiệu quả như hiện nay sẽ tham mưu tích hợp vào chiến lược phát triển văn hóa đô thị”.

Chú thích ảnh
Ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhấn mạnh văn hóa đọc là một phần trong sự phát triển toàn diện ngành xuất bản, báo chí, truyền thông.

Song song đó, các chương trình đào tạo kỹ năng sáng tạo nội dung trên nền tảng số đang được triển khai, hướng đến đội ngũ làm truyền thông cho các nhà sách và đơn vị xuất bản. Ông Trịnh Hữu Anh, Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản nhấn mạnh: "Các đơn vị nên tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng thay vì chỉ thuê mặt bằng bán sách. Những buổi ra mắt sách, giao lưu, tương tác sẽ mang lại giá trị bền vững và góp phần nuôi dưỡng thói quen đọc lâu dài".

Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cũng xác định ba định hướng chính cho Đường Sách trong 5 năm tới: Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; xây dựng sân chơi sáng tạo cho các tác giả và nhà xuất bản; trở thành điểm đến văn hóa - trải nghiệm cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Chú thích ảnh
Các em thiếu nhi hào hứng với giờ học ngoại khóa tại Đường sách TP Hồ Chí Minh.

Từ góc độ ngành xuất bản, ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhận định: “Đường Sách là biểu hiện sinh động của hệ sinh thái văn hóa đọc. Đây không chỉ là nơi bán sách mà là không gian hợp lực giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và tổ chức nghề nghiệp để lan tỏa thói quen đọc trong xã hội”.

Thực tế cho thấy, văn hóa đọc không biến mất trong thời đại số mà đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng kết nối, tương tác và sáng tạo. Sự phát triển của những không gian như Đường Sách chính là minh chứng rõ nét cho hành trình thích nghi và lan tỏa giá trị đọc trong bối cảnh công nghệ ngày càng chi phối sâu sắc đời sống tinh thần.

Bài và ảnh: Hương Trần/Báo Tin tức và Dân tộc