05:11 10/05/2019

TP Hồ Chí Minh ưu đãi doanh nghiệp xử lý rác thải để phát điện

Mỗi ngày TP Hồ Chí Minh phát sinh thêm 13.000 tấn rác thải, trong khi đó công nghệ xử lý rác thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn là chôn lấp, chiếm 76%. Nếu không có giải pháp xử lý, đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ không còn đất để chôn lấp.

Đây là thông tin ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết tại cuộc họp về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và thu chi ngân sách tháng 4 và 4 tháng đầu năm diễn ra vào ngày 10/5.

Chú thích ảnh
UBND TP Hồ Chí Minh họp báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội và thu chi ngân sách tháng 4.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, trong tổng số 13.000 tấn rác thải mỗi ngày có 8.300 tấn rác thải sinh hoạt, 1.500 - 2.000 tấn rác công nghiệp, 1.200 - 1.600 tấn rác xây dựng, 22 tấn rác thải y tế và hơn 2.000 tấn bùn thải các loại. Đối với rác thải sinh hoạt, Sở Tài nguyên và môi trường đã triển khai nhiều mô hình phân loại, xử lý theo hướng tái chế trong khu dân cư, như: ủ phân compost từ rác thải hữu cơ (55 mô hình), ủ phân compost thành phân hữu cơ trong xây dựng nông thôn mới (10 mô hình), ủ phân compost từ rác thải hữu cơ kết hợp trồng rau trên bồn chứa rác (10 mô hình)... Ngoài ra, một số nhà máy xử lý rác thải tập trung theo hướng tái chế thành phân compost ở Củ Chi nhưng sản phẩm đầu ra có chất lượng thấp nên khó tiêu thụ. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải sinh hoạt của TP Hồ Chí Minh vẫn phải chôn lấp đến 76% tại 2 bãi rác Phước Hiệp (Củ Chi) và Đa Phước (Bình Chánh).

Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, hiện TP Hồ Chí Minh có 4 đơn vị đủ điều kiện xử lý rác thải phát sinh là Công ty cổ phần VietStar, công ty TNHH Tâm Sinh Nghĩa, công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, để xử lý rác thải phát sinh, UBND TP Hồ Chí Minh đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đăng ký đấu thầu dự án xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện với nhiều chính sách ưu đãi.

Chú thích ảnh
Mỗi ngày TP Hồ  Chí Minh phát sinh khoảng 13.000 tấn rác thải.

"Thành phố sẽ ưu tiên những nhà đầu tư có kinh nghiệm thực hiện đầu tư và vận hành các dự án đốt rác phát điện tương tự có công suất hơn 1.000 tấn/ngày; ưu tiên tự động hóa của dây chuyền thiết bị theo tiêu chuẩn các nước G7; có hệ thống phân loại để thu hồi tái chế trước khi đốt; thiết kế mô-đun bảo đảm khối lượng trong trường hợp khối lượng rác vượt 1.000 tấn/ngày; có phương án tiêu thụ điện năng và sản xuất điện năng”, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm.

Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đang tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký cấp sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại; tăng cường công tác tuyên truyền phân loại chất thải rắn tại nguồn đến các quận huyện và trường học; tiếp tục giám sát hoạt động của các trạm quan trắc nước thải tự động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố; tăng cường kiểm tra, xử lý các đơn vị sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường… Trước đó, Sở Tài nguyên và môi trường cũng đã ban hành các quy định chuyên ngành về quản lý chất thải rắn, phân loại rác tại nguồn, kết hợp hướng dẫn và triển khai kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế trên địa bàn thành phố.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức