01:20 12/01/2017

TP Hồ Chí Minh ứng dụng hệ thống thông tin địa lý trong thoát nước, chống ngập

Ngày 12/1, tại cuộc họp về việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý hệ thống thoát nước, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố phải thay đổi tư duy trong công tác chống ngập, phải tiến hành ngay từ mua khô, chấm dứt tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.

Ông Đinh La Thăng nhấn mạnh, các đơn vị cần triển khai ngay, triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để kéo giảm tình hình ngập úng trong thời gian cao điểm mùa mưa. Cùng với đó, chính quyền quận huyện và các sở ngành thành phố phải phối hợp chặt chẽ, tiến hành ngay việc nạo vét kênh rạch vào mùa khô, gắn trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị trong công tác nạo vét, duy tu hệ thống thoát nước.

Theo ông Tất Thành Cang, Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, chống ngập phải tiến hành đồng bộ giải pháp công trình và phi công trình. Thành phố đã đưa chương trình giảm ngập nước vào 7 Chương trình đột phá giai đoạn 2016 – 2020 nhưng hiện nay việc triển khai còn quá chậm. Đối với công tác chống ngập, việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý là cần thiết và phải có một đầu mối triển khai nhằm phân tích xung đột kỹ thuật hệ thống cống thoát nước để khắc phục hạn chế trong công tác quản lý.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Thái, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh (đơn vị nghiên cứu báo cáo việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý) cho rằng, trước đây dữ liệu về hệ thống thoát nước vừa thiếu, phân tán, sai số lớn lại tương thích kém với các mô hình thủy lực. Bộ máy quản lý còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chồng chéo, bị cắt khúc, công tác chống ngập do nhiều đơn vị thực hiện như Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm chống ngập, UBND các quận huyện và Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị, các công ty dịch vụ công ích các quận huyện.

Theo ông Nguyễn Quốc Thái, việc xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thoát nước (bao gồm cơ sở dữ liệu về hệ thống cống. kênh rạch, công trình đầu mối…) nhằm đánh giá nguyên nhân, đề xuất giải pháp xóa giảm ngập, nghiên cứu quy hoạch hệ thống thoát nước trong tương lai, đánh giá chất lượng công trình, các khuyết tật về hệ thống cống, tình trạng lấn chiếm kênh rạch đồng thời chủ động duy tu, sửa chữa và thay thế cống cũ hỏng, xuống cấp cũng như xây dựng quy trình vận hành tối ưu.

Việc sử dụng GIS còn giúp thẩm định dự án thoát nước, xây dựng bản đồ kiểm soát ngập lụt, thống kê các vị trí dòng chảy xung đột, xây dựng bản đồ cảnh báo ngập lụt để người dân chủ động lựa chọn lộ trình đi lại, quản lý tốt hơn các nhà máy xử lý nước thải. Muốn vậy, thành phố cần phân cấp lại hệ thống thoát nước trên địa bàn về một đầu mối, hoặc Sở Giao thông Vận tải hoặc Trung tâm chống ngập. Mặt khác, hệ thống thoát nước cần được quản lý và phát triển theo lưu vực, trên mỗi lưu vực thoát nước cần thống nhất một đơn vị quản lý vận hành.

Trần Xuân Tình (TTXVN)