03:21 14/03/2018

TP Hồ Chí Minh: Trên 37.000 cán bộ công chức kê khai thu nhập nhưng không có xử lý nào

Công tác phòng chống tham nhũng hạn chế nằm ở “ba không”, với ba hoạt động quy mô lớn nhưng không có kết quả xử lý tham nhũng.

Quang cảnh hội nghị.

Chiều 14/3, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng thông qua việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng những chương trình kế hoạch cụ thể. Với sự quyết liệt trong chỉ đạo của Thành ủy, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai thực hiện khá toàn diện.

Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã chủ động xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị; chú trọng trong việc xác định khâu, ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa những hành vi tiêu cực có thể xảy ra.

Kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, nhưng đánh giá khái quát công tác phòng chống tham nhũng qua thực tiễn, báo cáo và thảo luận, chưa thể hài lòng. Nhiều hoạt động có quy mô đã triển khai, nhưng kết quả định lượng rất hạn chế. Có thể nói, hạn chế nằm ở “ba không” với ba hoạt động quy mô lớn nhưng không có kết quả xử lý tham nhũng: Kê khai thu nhập trên 37.000 cán bộ công chức (trên 99%) nhưng báo cáo không có xử lý nào; chưa phát hiện tham nhũng qua xử lý khiếu nại, tố cáo; tổ chức 43 đoàn kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu tại 63 đơn vị nhưng chưa xử lý được trường hợp nào.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, chống tham nhũng không thể đánh giá qua hoạt động của một ban (Ban Nội chính), mà là của hệ thống chính trị. Thành phố vẫn còn hạn chế trong xử lý tin liên quan tham nhũng do người dân cung cấp. Một năm báo chí nêu cả nghìn sự việc yếu kém, tiêu cực có nguy cơ tham nhũng tại Thành phố. Tuy nhiên, Thành phố chưa tập hợp được thông tin báo chí và tiếp nhận xử lý.

Định hướng công tác năm 2018 và giai đoạn 2018 - 2020, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, phải tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí tại TP Hồ Chí Minh. Tạo sự chỉ đạo đồng bộ của hệ thống chính quyền, kết quả phản ánh đầy đủ, dồn sức triển khai các giải pháp trọng tâm trong các giai đoạn.

Trong đó, chú ý thực hiện bằng được các giải pháp mới theo Quy định số 1374 - QĐ/TU ngày 1/12/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Mỗi quý một lần phải tập hợp, báo cáo Ban thường vụ Thành ủy kết quả xử lý thông tin từ các nguồn và thông tin cho báo chí kết quả phát hiện, xử lý tiêu cực tại Thành phố.

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh xác định sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”), góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần các Nghị quyết, Kết luận, Kế hoạch của Trung ương.

Thành phố sẽ thành lập các Đoàn để rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội năm 2018 trên địa bàn nhằm đánh giá tình hình và kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc sai phạm có dấu hiệu tham nhũng qua hoạt động thanh tra, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; kiểm tra đối với thanh tra và các cơ quan tiến hành tố tụng Thành phố trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tiến độ công tác thanh tra, tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng còn tồn đọng...

Tin, ảnh: Tiến Lực (TTXVN)