09:12 16/09/2021

TP Hồ Chí Minh: Trạm y tế lưu động cần đánh giá, phân loại tốt F0 tại nhà

Mô hình Trạm y tế lưu động phủ rộng đến tất cả các xã/phường ở Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần chăm sóc, theo dõi F0 tại nhà, giúp họ tiếp cận với các gói thuốc A, B, C và được hỗ trợ y tế kịp thời khi có yêu cầu.

Chú thích ảnh
Bà Đào Thị Khang (85 tuổi, Quận 12, TP Hồ Chí Minh) được tổ y tế lưu động đến tận nhà tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Tuy nhiên, để hạn chế tối đa các trường hợp F0 chuyển biến nặng, các trạm y tế cần có đánh giá, phân loại bệnh một cách bài bản. Đây là nhận định của Tổ công tác Bộ Y tế sau khi kiểm tra hoạt động của một số trạm y tế lưu động tại Thành phố Hồ Chí Minh những ngày qua.

Trạm Y tế lưu động số 10, Phường 12, Quận 3 đặt tại Trường Nhân đạo trẻ em Quận 3 từ khi thành lập đến nay luôn trong tình trạng sáng đèn. Bác sỹ, điều dưỡng và các tình nguyện viên hỗ trợ tại Trạm y tế lưu động này ngày cũng như đêm luôn tất bật với việc thăm khám, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà và làm hồ sơ chuyển tuyến với các trường hợp F0 diễn biến trở nặng. Thậm chí họ còn kiêm luôn chuyên gia tâm lý động viên tinh thần cho những ca mắc mới. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Bí thư Đảng ủy Phường 12 cho biết, Trạm Y tế lưu động số 10 là một trong 12 trạm y tế lưu động trên địa bàn quận, gồm một bác sĩ tình nguyện phụ trách chính cùng 3 điều dưỡng.

Do nhân sự ít trong khi phường có đến 48 tổ dân phố, lãnh đạo địa phương đã huy động thêm các tình nguyện viên, những người có kinh nghiệm, hiểu biết về lĩnh vực y tế để hỗ trợ thêm cho trạm y tế lưu động hoạt động hiệu quả. "Nhờ có trạm y tế lưu động hỗ trợ nên thời gian quan, các thầy thuốc đã đến tận từng hộ dân để thăm khám, kịp thời cấp phát thuốc cho người dân, đặc biệt là hỗ trợ nguồn oxy kịp thời cho bệnh nhân F0. Mô hình trạm y tế lưu động đã giảm tải rất nhiều áp lực cho tuyến trên trong công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân F0 tại nhà cũng như chăm sóc, hỗ trợ các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính trên địa bàn, nhờ đó đã tạo niềm tin cho người dân ngay từ cơ sở", bà Nguyễn Thị Thu Huyền nhận xét.

Trạm Y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú cũng được bổ sung 6 nhân sự quân y để thành lập 2 trạm y tế lưu động hỗ trợ trạm y tế phường quản lý, theo dõi hơn 700 F0 tại nhà. Bác sỹ Lâm Phước Trí, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tân Quý cho biết, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn, nhân viên y tế của trạm y tế phường thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải do phải cáng đáng khối lượng công việc khổng lồ. Nhờ sự trợ giúp của lực lượng quân y cùng với các tình nguyện viên nên các trạm y tế lưu động đã "gánh" giúp một phần công việc cho y tế cơ sở, đặc biệt các trạm y tế lưu động phát huy hiệu quả cao nhất trong công tác quản lý, theo dõi F0 tại nhà.

Tương tự, Trạm Y tế lưu động Phường 5, Quận 11 cũng đang làm rất tốt công tác quản lý hơn 700 F0 tại nhà. Y sĩ quân y Nguyễn Duy Quân cho biết, ngoài 12 thành viên thuộc trạm y tế lưu động chia làm nhiều nhóm thì còn có các đội y tế cơ động, cán bộ, tình nguyện viên ở địa phương và trạm y tế cố định cùng tham gia hỗ trợ chăm sóc các ca mắc COVID-19. Ngày nào nhân viên y tế cơ sở cũng đến tận các nhà F0 để thăm khám, theo dõi và cấp phát thuốc. Với các trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp, đội y tế cơ động sẽ mang theo bình oxy và các thiết bị cần thiết để đến nhà F0 cấp cứu kịp thời. Mặc dù vậy, tình trạng F0 tại nhà có diễn biến xấu cũng đã xảy ra và có trường hợp đã tử vong do bệnh chuyển nặng quá nhanh khiến đội y tế cơ động không kịp can thiệp.

Qua khảo sát, Tổ công tác Bộ Y tế nhận xét, các trạm y tế lưu động ở Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, là “cánh tay nối dài” của ngành y tế để kịp thời chăm sóc sức khỏe cho người dân tại nhà. Tại một số trạm y tế lưu động có số lượng lớn F0 được quản lý chăm sóc tại nhà, các thành viên của từng trạm đã duy trì kết nối chặt chẽ với cán bộ đoàn thanh niên, tình nguyện viên thông thạo đường ở địa phương để nắm chắc F0 ở từng nhà. Tuy nhiên, các trạm y tế lưu động cần theo dõi F0 tại nhà một cách khoa học, bài bản hơn. Trong đó, cần  phải sàng lọc, phân loại ca nhiễm ngay từ đầu, đánh giá các nhóm nguy cơ chính xác để có hướng chăm sóc, điều trị tốt nhất. Đồng thời sẵn sàng oxy, các thiết bị, dụng cụ cần thiết và kết nối nhanh với  mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”, “tổng đài 1022” để cấp cứu tại nhà thần tốc cũng như kết nối chuyển viện kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

Đinh Hằng (TTXVN)