Dù còn hơn hai tháng mới đến Tết Trung thu, nhưng thị trường bánh trung thu tại TP Hồ Chí Minh đã sớm sôi động từ giữa tháng 7, với nhiều doanh nghiệp ra mắt sản phẩm mới. Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt với bánh handmade và sản xuất nhỏ lẻ vẫn là mối lo lớn do thiếu kiểm soát về vệ sinh và nguồn gốc nguyên liệu.
Các doanh nghiệp tung ra sản phẩm bánh trung thu từ sớm để kích cầu tiêu dùng.
Doanh nghiệp tăng tốc, tăng sản lượng
Năm nay, nhiều doanh nghiệp chủ động ra mắt sớm các dòng bánh trung thu trung và cao cấp để đón đầu xu hướng mua sắm bánh trung thu sớm của người dân. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO cho biết, hiện nay doanh nghiệp đã lên kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng bánh trung thu so với năm ngoái. Toàn bộ sản phẩm sẽ được phân phối qua hệ thống gần 300 cửa hàng miniBAO trải rộng khắp cả nước. Những sản phẩm này được cam kết về chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo ông Trần Lệ Nguyên, môi trường kinh tế vĩ mô đang tạo nhiều thuận lợi. GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,5%, đây là mức cao nhất trong 14 năm, cùng với việc Mỹ giảm thuế đối ứng từ 46% xuống còn 20% với hàng Việt Nam đã giúp cải thiện niềm tin tiêu dùng. Trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tràn lan, người tiêu dùng ngày càng chú trọng chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thương hiệu uy tín. Vì vậy, năm nay các dòng sản phẩm mới của công ty luôn được công bố các thông tin sản phẩm rõ ràng, có đầy đủ giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Không riêng KIDO, nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất khác như: Như Lan, Orion, Bibica… cũng đã khởi động thị trường sớm. Các công ty này đã công bố các bộ sưu tập bánh trung thu 2025 với các hộp quà cao cấp có giá từ 250.000 - 500.000 đồng, thậm chí có hộp bánh trị giá 2 triệu đồng/hộp, hướng đến nhiều phân khúc chi tiêu, khách hàng doanh nghiệp và phân khúc quà tặng gia đình…. Các doanh nghiệp cũng mở rộng kênh phân phối, kết hợp song song giữa truyền thống và hiện đại. Ngoài hệ thống bán lẻ truyền thống, bánh trung thu năm nay còn được bán mạnh qua các sàn thương mại điện tử như: Shopee, TikTok Shop… với các buổi live stream từ KOLs/KOCs (xu hướng từng đem lại doanh thu đột phá trong các mùa lễ trước).
Hàng năm, các cơ quan chức năng kiểm tra và thu giữ nhiều loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc. Ảnh: QLTT cung cấp
Ở một thị phần khác, bánh trung thu "handmade" nhà làm, vốn nổi bật nhờ sự sáng tạo, thiết kế bắt mắt và mang lại cảm giác “sạch - tươi - thật”, vẫn tiếp tục chiếm chỗ đứng riêng, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội. Theo thống kê của Metric Việt Nam trong năm 2024, dòng bánh trung thu thủ công là một trong những nhóm sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao trên Shopee và TikTok Shop. Những video quay cảnh làm bánh, tạo hình nhân chảy lava, hay các set quà được cá nhân hóa đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, phản ánh rõ xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Tuy nhiên, khác với các năm trước, mùa trung thu 2025 chứng kiến sự siết chặt quản lý của các sàn thương mại điện tử. Việc kiểm duyệt sản phẩm kỹ lưỡng hơn khiến nhiều người bán nhỏ lẻ gặp khó. Trong khi đó, phần lớn bánh handmade hiện vẫn hoạt động dưới dạng bán hàng cá nhân, không đăng ký kinh doanh, không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu, giao dịch không hóa đơn, không chứng từ.
Chị N.H.Đ (ngụ tại TP Hồ Chí Minh), người từng bán bánh handmade trên Facebook chia sẻ: “Năm nay, tôi không bán đại trà mà chỉ làm cho người quen đặt trước. Nguyên liệu làm bánh có cái mua chợ, cái đặt online, không chứng minh được xuất xứ rõ ràng. Làm thủ công, quy mô nhỏ, vài trăm bánh là hết công suất, không kiểm soát được đầu vào thì cũng khó yên tâm”.
Không thể bán bằng “niềm tin"
Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, an toàn thực phẩm trở thành vấn đề then chốt với thị trường bánh trung thu, đặc biệt là phân khúc sản phẩm thủ công. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho biết: “Người tiêu dùng thường tin rằng bánh nhà làm ít hóa chất hơn, nhưng thực tế nếu không kiểm soát, đây lại là nhóm có nguy cơ cao nhiễm khuẩn, lẫn tạp chất do quy trình sản xuất sơ sài, không đảm bảo vệ sinh”.
Theo bà Minh, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn sử dụng các chất tạo màu, tạo mùi không rõ nguồn gốc, hoặc thậm chí dùng hàn the trong nhân bánh. “Làm thực phẩm để bán, dù quy mô nhỏ cũng phải tuân thủ tối thiểu ba yếu tố: Vệ sinh, bảo quản, truy xuất nguồn gốc. Không thể bán bằng niềm tin mãi được”, bà Hồng Minh nhấn mạnh.
Ngoài ra, Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 15/2018 không yêu cầu hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải có giấy phép riêng, nhưng vẫn quy định bắt buộc tuân thủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nhận thức của người bán chưa đồng đều, trong khi việc giám sát từ các nền tảng thương mại điện tử chỉ mang tính lọc bề mặt, khó kiểm chứng toàn bộ quá trình sản xuất.
Trong khi đó, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã có kế hoạch kiểm tra bánh trung thu từ sớm, dù chưa có chỉ đạo chung trên toàn quốc. “Chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, đặc biệt chú trọng nhóm bánh trung thu nhỏ lẻ và nhà làm. Đây là nhóm có nguy cơ cao vì không công bố thông tin, không có giấy khám sức khỏe, không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu, quy trình bảo quản cũng không đảm bảo”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói.
Các loại bánh trung thu nhà làm được các cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên.
Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, dù là nhà làm hay sản xuất công nghiệp, người làm bánh đều phải tự công bố sản phẩm, đảm bảo nguyên liệu có hóa đơn rõ ràng, người chế biến không mắc bệnh truyền nhiễm… Nếu kiểm tra không đạt yêu cầu, cơ quan chức năng sẽ xử lý và cấm hoạt động như các trường hợp vi phạm khác. Vì vậy, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức lựa chọn thực phẩm an toàn, nơi có giấy phép hợp lệ. Khi thấy có dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ sản phẩm, người dân có thể phản ánh để Ban Quản lý An toàn thực phẩm có thêm căn cứ xử lý. Với thị trường bánh trung thu đa dạng như hiện nay, sự giám sát của cộng đồng là rất quan trọng.
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, bánh trung thu là mặt hàng có tính thời vụ cao, sức tiêu thụ lớn trong thời gian ngắn nên việc kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn được đặc biệt lưu tâm. Sở đang phối hợp với các lực lượng liên ngành để tăng cường kiểm tra, giám sát từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông trên thị trường, nhất là với các sản phẩm không rõ nguồn gốc được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Ngoài ra, Sở cũng khuyến khích người dân ưu tiên lựa chọn các sản phẩm từ doanh nghiệp uy tín, có công bố chất lượng, nguồn gốc rõ ràng và tuân thủ quy định an toàn thực phẩm. Song song đó, Sở cũng sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo đảm thị trường bánh trung thu diễn ra an toàn, lành mạnh, đúng với ý nghĩa của một mùa lễ truyền thống.