01:10 20/01/2021

TP Hồ Chí Minh siết chặt quản lý an toàn thực phẩm Tết

Càng gần đến Tết Nguyên đán 2021, thị trường Tết ngày càng sôi động và nhộn nhịp. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các mặt hàng giả, kém chất lượng được tung ra bày bán nhiều.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Tân Sửu 2021, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đang ráo riết dồn lực lượng tăng cường thanh, kiểm tra từ các cơ sở sản xuất đến các kênh phân phối nhỏ lẻ.

Thiết lập mạng lưới thanh kiểm tra dày đặc

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý  An toàn thực phẩm (BQLATTP) TP Hồ Chí Minh cho biết, lượng hàng hóa phục vụ cho Tết tân Sửu 2021 về TP Hồ Chí Minh đang rất dồi dào. Hiện nay, các lực lượng chức năng đang làm hết công suất để thực phẩm đến tay người tiêu dùng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chú thích ảnh
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh lấy mẫu Test nhanh thực phẩm tại tổng kho đông lạnh Bách Hóa Xanh. 

Theo BQLATTP TP Hồ Chí Minh, để đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán 2021, BQL đã thành lập 20 đoàn kiểm tra với hơn 300 thanh tra viên để tăng cường kiểm tra việc phân phối, kinh doanh, tiêu thụ những mặt hàng thực phẩm Tết như: rượu bia, bánh mứt, rau củ quả, trái cây, các loại thịt dùng để chế biến thực phẩm, các kho lạnh tích trữ thực phẩm...

“Ngoài ra, chúng tôi kết hợp với quản lý thị trường, công an kinh tế và lực lượng kiểm tra liên ngành ở các quận, huyện tăng cường kiểm tra giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Có thể nói, đây là một mạng lưới dày đặc thanh kiểm tra. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải nghiên cứu làm sao để để không ảnh hưởng quá đến người hành nghề, tránh làm phiền doanh nghiệp”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Chú thích ảnh
Đoàn thanh tra an toàn thực phẩm kiểm tra thực phẩm và lấy mẫu test nhanh tại chợ đầu mối Bình Điền.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, trước đó 2 tháng, BQLATTP Thành phố đã tiến hành thanh kiểm tra ở các cơ sở sản xuất, chế biến, đặc biệt kiểm tra ở các kho nguyên liệu trên địa bàn quận Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh… Qua quá trình kiểm tra, đơn vị phát hiện 10% các cơ sở được kiểm tra vi phạm an toàn thực phẩm và bị xử phạt hành chính.

“Mới đây nhất, đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận đã phát hiện một kho lạnh ở quận Bình Tân chứa gần 6 tấn thực phẩm, sản phẩm động vật không có nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, Đoàn kiểm tra đã tiến hành tịch thu, tiêu hủy và xử phạt 90 triệu đồng với cơ sở trên”, bà Lan thông tin thêm.

Bên cạnh kiểm tra thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ đầu mối, BQLATTP cũng tiến hành kiểm tra và lấy mẫu nhanh tại các chợ lẻ và cửa hàng. Bà Phong Lan cho biết tại các chợ truyền thống, bên cạnh những sản phẩm bánh mứt, kẹo được bao gói nguồn gốc rõ ràng thì xuất hiện hiện tượng những sản phẩm bánh kẹo được để chung trong một bao bì rất lớn nhưng được tiểu thương chia ra từng bao bì nhỏ để bán cho khách.

Khó quản lý thực phẩm bán trên " chợ mạng"

Thị trường hàng Tết không chỉ sôi động  ở các kênh bán hàng truyền thống mà còn nhộn nhịp hơn ở các trang mạng xã hội. Chỉ cần lướt và click chuột trên các trang zalo, Facebook hoặc các trang thương mại điện tử… người tiêu dùng có thể tiếp cận được các sản phẩm được quản cáo rất hấp dẫn như: hàng siêu sạch từ quê, mứt tết, bánh chưng, xúc xích… nhà làm đảm bảo không hóa chất, không chất phụ gia…

Chú thích ảnh
Với những thực phẩm kinh doanh trên "chợ mạng", người tiêu dùng phụ thuộc vào may rủi còn cơ quan chức năng thì khó quản lý. 

Tuy nhiên việc mua bán thực phẩm trên mạng chỉ dựa vào lòng tin và  may rủi. Chị Nguyễn Thị Oanh (TP Thủ Đức) cho biết: " Do có con nhỏ nên tôi không đi chợ được. Vì thế, tôi thường đặt mua thực phẩm ở trên mạng trong nhóm của chung cư. Khi mua, tôi cũng không quan tâm đến hàng đó có được đăng ký đảm bảo an toàn thực phẩm không mà chủ yếu tin vào người bán".

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, loại hình kinh doanh qua mạng là một “cứu cánh” cho doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh COVID-19 và làm giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh. Hiện nay, ngành công thương cũng đang có chính sách dành cho những đơn vị kinh doanh qua mạng. BQLATTP cũng đưa kinh doanh qua mạng là đối tượng để lấy mẫu kiểm nghiệm và thanh kiểm tra trong đợt Tết. Theo đó, các sản phẩm nhà làm được bán trên mạng vẫn phải đáp ứng tiêu tiêu chí về chất lượng. Nếu là thực phẩm chế biến sẵn, cần phải có thủ tục tự công bố về hàm lượng, cam kết không có chất cấm, có hạn sử dụng; nếu thực phẩm tươi sống thì phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… để người tiêu dùng và cơ quan nhà nước kiểm soát.

“Tuy nhiên, chỉ những đơn vi kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử lớn, có địa chỉ kinh doanh và sản xuất rõ ràng, BQLATTP mới có thể kiểm soát được. Đối với những trường hợp bán qua mạng xã hội… vẫn khó có thể kiểm soát”, bà Lan chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, các đối tượng tiến hành giao dịch mua bán trên trang thương mại điện tử, các nền tảng ứng dụng như website tự lập, Zalo, Facebook, Youtube... đăng ký thông tin không chính xác đã góp phần đưa tình hình kinh doanh hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm càng thêm phức tạp.

Trước thực trạng trên, bà Phạm Khánh Phong Lan đề xuất, trong thời gian tới cần phải có cơ chế rõ ràng và cần siết chặt hơn nữa đối với những sản phẩm thực phẩm kinh doanh qua mạng. "Trong thời gian chờ đợi cơ chế quản lý của nhà nước, người tiêu dùng nên lựa chọn mua những thực phẩm ở địa chỉ uy tín, có thủ tục hợp pháp, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng", bà Lan khuyến cáo.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức