08:09 16/08/2019

TP Hồ Chí Minh sẵn sàng cho năm học mới - Bài 2: Đảm bảo nguồn giáo viên

Đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong điều kiện số học sinh mỗi năm tăng lên hàng chục ngàn em, nhu cầu tuyển dụng giáo viên các cấp tại TP Hồ Chí Minh mỗi năm là không ít.

Với chủ trương bỏ yêu cầu hộ khẩu tại thành phố đã giúp TP Hồ Chí Minh đa dạng nguồn tuyển giáo viên. Tuy nhiên, nhiều năm qua công tác tuyển dụng vẫn tồn tại nghịch lý vừa thừa vừa thiếu nguồn tuyển giáo viên giữa các bậc học, môn học.

Cụ thể, trong khi các ứng viên dự thi vào các vị trí giáo viên bậc Trung học phổ thông và một số môn như Toán, Vật lý, Hóa học… phải cạnh tranh gay gắt thì bậc Mầm non, Tiểu học vẫn đỏ mắt tìm giáo viên, nhất là ở một số môn như Âm nhạc, Mỹ thuật.

Chú thích ảnh
Nhu cầu tuyển dụng giáo viên các cấp tại TP Hồ Chí Minh mỗi năm là không ít. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Cạnh tranh gay gắt ở bậc Trung học phổ thông

Đây là năm học thứ hai ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh thực hiện chủ trương tuyển dụng không yêu cầu hộ khẩu tại thành phố, qua đó ngành có thêm điều kiện tuyển được giáo viên chất lượng từ nhiều địa phương trong cả nước.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, có khoảng 45% giáo viên được tuyển dụng đến từ các tỉnh khác và một số môn học trước đây không có ứng viên thì nay đã có thể đáp ứng nhu cầu của các trường.

Từ đầu tháng 7/2019, kỳ tuyển giáo viên vào bậc Trung học phổ thông năm học 2019-2020 diễn ra khá căng thẳng khi có khoảng 1.700 ứng viên đến từ nhiều địa phương dự tuyển 443 giáo viên ở 19 môn và 88 viên chức ngành  giáo dục.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ "chọi" vào các vị trí giáo viên khá cao, nhất là một số như môn Toán học (303 ứng viên/54 chỉ tiêu), môn Hóa học (205 ứng viên/27chỉ tiêu), môn Vật lý (176 ứng viên/18 chỉ tiêu), Ngữ văn (121 ứng viên/61 chỉ tiêu)...

Tuy nhiên, một số môn lại có nguồn tuyển khá ít như môn tiếng Pháp (3 ứng viên/2 chỉ tiêu), môn Tin học (27 ứng viên/28 chỉ tiêu), môn Mỹ thuật (1 ứng viên/1 chỉ tiêu)...

Vừa tốt nghiệp ngành Ngữ văn trường Đại học Đồng Nai, chị Huyền Như đã đăng ký dự tuyển vào vị trí giáo viên Ngữ văn tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài kiến thức chuyên môn, chị Huyền Như chủ động trau dồi kiến thức, kỹ năng ngoại ngữ và tin học, bởi theo chị trong xu thế hội nhập yêu cầu phương pháp giáo dục luôn phải đổi mới, giáo viên không chỉ giỏi chuyên môn, vững kỹ năng sư phạm mà phải có kiến thức ngoại ngữ, tin học mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. “Số lượng tuyển giáo viên ở Đồng Nai khá ít nên tôi muốn tìm cơ hội tại TP Hồ Chí Minh” - chị Huyền Như chia sẻ.

“Đỏ mắt” tìm giáo viên ở nhiều môn

Trái ngược với tình trạng cạnh tranh gay gắt như bậc Trung học phổ thông, việc tuyển dụng giáo viên các bậc Mầm non đến Trung học cơ sở được các quận, huyện thực hiện nhiều lần trong năm nhưng vẫn không đủ số lượng.

Thực trạng này gây khó cho các địa phương trong việc đảm bảo chất lượng giảng dạy, nhất là để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ giáo viên/lớp (1,5 giáo viên/lớp) đối với bậc Tiểu học khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học sau.

Với số lượng học sinh tăng cao mỗi năm, quận Bình Tân có nhu cầu tuyển nhiều giáo viên. Thống kê 3 năm học trở lại đây, trung bình mỗi năm quận tăng hơn 6.500 học sinh bậc Tiểu học, Trung học cơ sở, đòi hỏi phải xây hơn 100 phòng học mới.

Năm học vừa qua, quận có chỉ tiêu tuyển 299 giáo viên cho cả 3 bậc học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở nhưng kết quả chỉ tuyển được 230 giáo viên dù đã tuyển dụng nhiều lần trong năm. Số giáo viên còn thiếu chủ yếu ở các môn Kỹ thuật, Mỹ thuật, Âm nhạc và Công nghệ.

Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho biết, năm học 2019-2020, quận tiếp tục có nhu cầu tuyển hơn 400 giáo viên các bậc học và giáo viên chuyên biệt, đến tháng 11/2019 công tác tuyển dụng mới được hoàn tất.

Mặc dù nhiều năm nay quận đã thực hiện mở rộng đối tượng tuyển dụng, không yêu cầu ứng viên phải có hộ khẩu tại thành phố, tuy nhiên tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn vẫn khá phổ biến.

Bên cạnh chính sách đãi ngộ khó thu hút được giáo viên từ các địa phương đến, thiếu giáo viên còn do nguồn tuyển quá ít. Thực tế, tại các trường đào tạo giáo viên, số sinh viên chọn những ngành này rất ít, không đủ đáp ứng nhu cầu của các trường.

Thực tế của quận Bình Tân cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương, nhất là các quận có số học sinh tăng cơ học cao như Quận 12, Tân Bình, Quận 9, Thủ Đức… Giải pháp tình thế để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên được một số địa phương thực hiện trong thời gian qua là mời giáo viên thỉnh giảng ở các đơn vị khác đến làm giáo viên hợp đồng thời vụ.

Kế hoạch tuyển dụng giáo viên hàng năm tại một số quận, huyện chậm so với yêu cầu cho năm học mới cũng gây không ít khó khăn cho ngành giáo dục địa phương. Cụ thể, trong khi đầu tháng 9 các trường đã chính thức bước vào năm học mới, tuy nhiên theo kế hoạch phải đến tháng 11 các quận, huyện mới tuyển được giáo viên.

Cùng với yêu cầu về số lượng, nâng cao chất lượng của đội ngũ quản lý, giáo viên được ngành giáo dục thành phố đặc biệt chú trọng, nhất là khi năm học 2019 - 2020 được coi là năm học “bản lề” để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm sau.

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để đáp ứng yêu cầu, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Sở đã xây dựng lực lượng cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, nhất là ở cấp Tiểu học để tham gia các chương trình, các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Từ đó, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, các chuyên đề nhằm thực hiện việc bồi dưỡng, tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông mới cho toàn ngành; chủ động phối hợp với các trường đại học, các cơ sở bồi dưỡng giáo viên xây dựng các chuyên đề về chương trình giáo dục phổ thông mới để triển khai cho các đơn vị.

T.Hoài (TTXVN)