07:10 20/07/2021

TP Hồ Chí Minh: Rau củ đã dồi dào, doanh nghiệp sản xuất vẫn tăng nguồn cung

Sau những ngày thiếu hụt, các mặt hàng rau củ, quả và thịt, cá... tại các siêu thị TP Hồ Chí Minh đã tăng nguồn cung trở lại; các doanh nghiệp cung ứng cũng đã tăng công suất để đảm bảo nhu cầu của người dân.

Rau củ đã phong phú, đầy quầy kệ

Ghi nhận của phóng viên Báo tin tức tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Vinmart (thành phố Thủ Đức), MM Mega Market An Phú… đã không còn cảnh người dân đông nghịt, xếp hàng dài để chờ mua hàng. Tuy nhiên, người đi siêu thị vẫn phải xếp hàng, giữ khoảng cách và chờ đến lượt vào mua sắm.

Chú thích ảnh
Các mặt hàng rau xanh, củ quả trong các siêu thị đã khá phong phú, dồi dào trong ngày 19/7.

Tại siêu thị Co.opXtra trong Trung tâm thương mại GigaMall (thành phố Thủ Đức) lượng người đi mua hàng không đông như các ngày trước.

Ngay từ cổng vào, các bảo vệ yêu cầu khách thực hiện sát khuẩn tay, đo thân nhiệt và giới hạn 2 người sử dụng 1 tháng máy để lên thẳng khu vực mua sắm của siêu thị.

Hàng hóa tại đây cũng khá dồi dào, riêng các mặt hàng như rau, cải bắp, cà chua, khoai lang, bưởi, cam… đa dạng và phong phú. Quầy thịt gia cầm, gia súc; thịt tươi, thịt đông lạnh cũng đầy ắp trên các kệ.

Khu vực rau củ, quả và quầy thịt, cá, hải sản được siêu thị bố trí một làn đi riêng và sau khi mua xong, người dân được hướng dẫn đi ra một lối khác để tránh tụ tập đông người ở các cổng ra, vào siêu thị.

Chú thích ảnh
Khu vực trái cây có khá nhiều loại.

Bà Bùi Thị Giáng Thu, Giám đốc siêu thị Co.opmart Chu Văn An (quận Bình Thạnh) cho biết, gần đây, siêu thị đã chủ động phát phiếu hẹn giờ cho khách để hạn chế tối đa việc người dân dồn về siêu thị cùng lúc. Song song đó, để điều phối lưu lượng khách bên trong hợp lý, siêu thị bố trí chỗ ngồi và mời mỗi lượt 10 khách vào mua sắm; đồng thời quy định mỗi lượt khách chỉ mua sắm từ 20 - 40 phút để nhường cho lượt khách kế tiếp.

Chú thích ảnh
Tại các siêu thị không còn cảnh xếp hàng dài. 

“Khi nhận được phiếu, khách chỉ cần đến đúng giờ sẽ được siêu thị ưu tiên vào mua hàng. Ở một số khung giờ thấp điểm, ít khách, siêu thị sẽ linh động giải quyết cho khách vãng lai chưa có phiếu”, bà Bùi Thị Giáng Thu cho biết thêm.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, với việc nâng tần suất cung ứng hàng lên 2 - 3 lần/ngày nên luôn có hàng mới được bổ sung lên quầy kệ, người dân không lo thiếu hàng. Hiện giá các mặt hàng trong hệ thống cũng được niêm yết rõ ràng và được bình ổn giá theo chương trình bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Nhân viên siêu thị lựa chọn thực phẩm cho người dân khi đặt hàng qua điện thoại. 

Tương tự, ông Đinh Quang Khôi, đại diện hệ thống MM Mega Market cho biết, hệ thống này đã tăng sản lượng lên 2 - 3 lần; lượng hàng dự trữ có thể sử dụng đến 60 ngày đối với các sản phẩm thiết yếu, thậm chí một số mặt hàng lên đến 90 ngày nếu lượng khách đến siêu thị tăng đột biến.

Ngoài ra, hệ thống các siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định sẽ tăng thời gian mở cửa từ 6 - 21 giờ lên từ 6 - 23 giờ, thậm chí sẽ mở cửa 24/24 nếu được cơ quan quản lý tạo điều kiện về nhân lực.

Chú thích ảnh
Tại siêu thị Saigon Co.op Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh), mặt hàng rau xanh cũng còn nhiều trên các quầy kệ. 

Ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc Bách Hóa Xanh cho biết, khó khăn nhất hiện nay là việc cung cấp đủ hàng tươi sống như thịt, cá, rau củ, quả cho người dân. Theo đó, bình thường mỗi ngày, Bách Hoá Xanh cung cấp 500-600 tấn rau, nhưng gần đây đơn vị đã nâng lên 2.100- 2.500 tấn và đang nỗ lực đẩy lên 3.000 tấn để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Doanh nghiệp tăng công suất

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, nguồn cung hàng hóa thực phẩm đang khá dồi dào. Đối với nhóm mì ăn liền, các doanh nghiệp cam kết tăng từ 50-70% sản lượng để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. 

Cụ thể, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẳng định năng lực sản xuất của công ty có thể tăng lên 50% so với bình thường. Hiện nay, công ty sản xuất ổn định khoảng 3 tỷ gói mì, đủ cung ứng cho thị trường đến cuối năm và có thể tăng lên 4,5 tỷ gói nếu nhu cầu sử dụng tăng cao thời gian tới. Dù không phải là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn nhưng doanh nghiệp cam kết sẽ không tăng giá nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Chú thích ảnh
Tất cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đang được các doanh nghiệp bình ổn giữ giá trong mùa dịch.

Đối với nhóm mặt hàng thịt và trứng gia cầm, các doanh nghiệp trong Hiệp hội cũng khẳng định nguồn cung rất dồi dào, phong phú; giá bán tiếp tục được bình ổn. Cụ thể, Công ty cổ phần Ba Huân cam kết cung ứng đầy đủ, tăng độ phủ trên diện rộng. Trong đó, mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt gia cầm sẽ đảm bảo đủ cung ứng và giữ giá bình ổn trong 3 tháng tới. Với nhóm thịt lợn tươi sống, các doanh nghiệp cũng khẳng định cung ứng đầy đủ.

Đại diện Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, các sản phẩm như đồ hộp, xúc xích tiệt trùng, sản lượng dự trữ đủ cung ứng trong 3 tháng. Các mặt hàng thực phẩm chế biến khác đảm bảo cung ứng đủ cho thị trường 15-30 ngày. Với mặt hàng gạo, dù giá lúa gạo đang cao, nhưng các doanh nghiệp vẫn duy trì lượng tồn kho lớn, sản lượng gạo dự trữ đảm bảo cung ứng đến cuối năm và giữ giá bán theo mức hiện tại cho người tiêu dùng.

Chú thích ảnh
Thịt lợn được nhập về liên tục để phục vụ nhu cầu tăng cao của người dân.

Tương tự, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, đơn vị đã tăng lượng giết mổ lợn, bò lên mức 1.200 - 1.300 con/ngày, gấp đôi bình thường. Trường hợp thị trường cần tăng nguồn cung, đơn vị có thể tăng thêm lượng giết mổ và thực tế doanh nghiệp đã tăng thêm lượng giết mổ để dự trữ cho những ngày tới.

“Với các sản phẩm chế biến, do chủ động sản xuất từ trước nên doanh nghiệp cũng đã tăng mạnh lượng hàng trên các quầy kệ so với bình thường. Việc hết hàng trên quầy kệ là do sức mua tăng cao vào thời điểm nhất định, nhân viên chưa kịp bổ sung hàng, còn cơ bản không thiếu hàng”, ông Trương Chí Thiện nói.

Chú thích ảnh
Người dân đi mua sắm tại siêu thị Co.opXtra.

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 3.001 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi được phân bổ rộng khắp địa bàn các quận, huyện và thành phố Thủ Đức; đồng thời danh sách và địa chỉ cụ thể của các điểm bán đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Thành phố.

Ngoài ra, để gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa cho người dân thành phố, giúp người dân được tiếp cận nhiều hơn các điểm bán phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, Sở Công Thương đã tổ chức huy động nhiều nguồn lực, kết nối các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics có đủ năng lực và điều kiện cùng tham gia vào chuỗi cung ứng.

Chú thích ảnh
Khu vực thực phẩm khô tại siêu thị Co.op Xtra (thành phố Thủ Đức). 

Đối với nguồn cung hàng hóa, các doanh nghiệp bình ổn giá và một số đơn vị của Thành phố cũng đã dự trữ gấp 3 lần so với điều kiện bình thường, ở mức hơn 120.000 tấn hàng, trong khi nhu cầu thực tế trên địa bàn chỉ khoảng 5.000 - 6.000 tấn/ngày.

"Việc thiếu hàng trong những ngày đầu giãn cách theo Chỉ thị 16 ở các kệ, sạp chủ yếu rơi vào nhóm hàng tươi sống, theo thời điểm trong ngày; nhóm hàng thực phẩm khô, thực phẩm chế biến sẵn vẫn rất dồi dào. Ngoài ra, vừa qua, vẫn có một số chợ truyền thống tăng giá bán từ 10 - 15% do tình trạng khan hàng, thiếu hàng cục bộ”, đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức