08:11 29/08/2019

TP Hồ Chí Minh phát triển vận tải hành khách công cộng-Bài 1

Lượng người dân đi lại bằng xe buýt tiếp tục gia tăng khi cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh đầu tư, các tuyến xe buýt mới được đưa vào hoạt động… Đây là tín hiệu đáng mừng đối với ngành vận tải hành khách công cộng của TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Bài 1: Người dân ngày càng hài lòng với xe buýt

Trước đây, đa số người dân có tâm lý đi xe buýt rất tốn thời gian, bất tiện, thậm chí e ngại và nghĩ xe buýt chỉ dành cho đối tượng là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên tâm lý này dần được thay đổi khi lượng người đi xe buýt là công nhân, viên chức ngày càng nhiều hơn.

Gắn bó với xe buýt hơn 10 năm

Là người đi xe buýt hơn 10 năm nay, chị Nguyễn Thị Phương, ngụ tại quận Thủ Đức cảm thấy ngày càng hài lòng với chất lượng phục vụ của xe buýt. Hàng ngày chị Phương bắt xe buýt số 52 từ quận Thủ Đức lên quận 3 để làm việc. Nhà chị Phương cách trạm xe buýt gần một cây số nhưng chị Phương lại thích thú với việc chọn phương tiện đi lại công cộng.

Chú thích ảnh
Lượng phương tiện cá nhân "quá tải" khiến hệ thống xe buýt khó phát triển tại TP Hồ Chí Minh.

Chị Phương cho biết: “ Sau một thời gian đi xe buýt, tôi thấy việc đi xe buýt rất thoải mái vừa có thời gian ngắm phố phường, nghe nhạc, đọc sách báo… Không chỉ tôi đi làm bằng xe buýt mà tôi còn vận động cả chồng tôi (làm việc tại quận 1) cùng tôi chọn xe buýt làm phương tiện đồng hành khi đi làm”.

Theo chị Phương, sau nhiều năm chuyển từ xe máy qua xe buýt từ quận Thủ Đức lên quận 3, chị Phương cảm thấy cái lợi lớn nhất là việc đi làm thảnh thơi hơn, không phải căng thẳng khi lái xe máy giữa dòng người đông đúc vào mỗi buổi sáng hay buổi chiều, không phải hút khói bụi mỗi ngày trên đường, nắng hay mưa cũng không còn là nỗi lo khi ra đường…

Anh Lê Thành Trai, một Việt kiều Singapore, ngụ tại quận Tân Bình và làm việc tại một công ty nước ngoài tại quận 1, với hành trình này, anh thường xuyên chọn xe buýt để đi làm. Anh Trai cho biết, ở nước ngoài người dân đa số sử dụng các phương tiện công cộng để đi làm, gặp đối tác, mua sắm ở siêu thị hay thăm người thân nằm viện và đến các địa điểm vui chơi… Khi về Việt Nam, anh cũng chọn xe buýt làm phương tiện đi làm thay cho xe máy và cảm thấy khá hài lòng với tuyến xe buýt 152 từ trung tâm thành phố đi lên quận Tân Bình.

“Đi xe buýt hiện nay vừa an toàn, giá vé lại rất rẻ chỉ (6.000 -10.000 đồng/vé) và không phải chen lấn gửi xe. Ngoài ra với tiện ích phần mềm cài trên điện thoại, tôi có thể dễ dàng tối ưu hành trình đi lại, nhờ biết được cụ thể lộ trình, biểu đồ thời gian để chọn xe, thời gian cụ thể xe tới trạm… Tuy nhiên, tôi thấy hiện nay nhiều người vẫn còn tâm lý hoài nghi, kỳ thị xe buýt. Họ xem xe buýt chỉ là phương tiện dành cho những người nghèo, thu nhập thấp, người lớn tuổi, hoặc học sinh, sinh viên chưa có đủ tiền mua xe máy”, anh Trai nói.

Chị Lê Thị Trinh, ngụ quận Bình Thạnh cho biết, sở dĩ chị chọn xe buýt là phương tiện di chuyển là xe buýt có giá rẻ hơn các phương tiện khác hàng chục lần. Nếu đi xe ôm từ bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) về ngã tư Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) thường tốn 35.000 ngàn đồng/chuyến, tuy nhiên khi đi xe buýt hành khách chỉ tốn khoảng 6.000 đồng/chuyến. Hoặc đi từ ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) tới làng Đại học Thủ Đức nếu chọn xe ôm hành khách tốn khoảng 90.000 đồng/chuyến nhưng nếu chọn xe buýt hành khách chỉ mất khoảng 6.000 đồng/chuyến.

Thay đổi quan niệm cũ

Có thể thấy, người dân nếu có thói quen hạn chế xe cá nhân và chọn đi lại bằng xe buýt nhiều hơn sẽ góp phần giảm tai nạn giao thông, giảm kẹt xe và ô nhiễm môi trường và khiến cho xe buýt ngày càng phát triển hiện đại, văn minh hơn. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận, thực tế hiện nay vẫn còn những tồn tại rào cản cho người đi xe buýt như: xe buýt di chuyển khá chậm vào khung giờ cao điểm, tuyến xe chưa được phủ rộng khắp thành phố, hành khách phải đi nhiều chuyến xe buýt mới có điểm dừng, vỉa hè nhiều nơi bị chiếm dụng nên gây khó cho người đi bộ...

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh vừa đưa vào hoạt động 19 xe buýt mới trên tuyến số 69 có trợ giá (Bến xe buýt Sài Gòn - Bến xe buýt Tân Phú).

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố cho biết, gần đây lượng hành khách đi xe buýt ngày càng tăng, nếu mỗi ngày có thêm vài trăm người chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển thì thành phố cũng giảm vài trăm người đi xe máy ra đường. Mặt khác, xe buýt hiện tại bất tiện di chuyển chậm cũng một phần do xe máy quá nhiều, đường không thông thoáng, nhất là vào giờ cao điểm. Nếu có thêm nhiều hành khách, lượng phương tiện cá nhân giảm, xe buýt sẽ càng di chuyển thuận tiện hơn.

Theo ông Trung, trung bình hệ thống buýt vận chuyển hơn 855.000 đến 1 triệu lượt hành khách/ngày. Đây được xem là tín hiệu rất khả quan đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng sau nhiều năm nỗ lực “kéo” người dân đi lại bằng xe buýt. Sở dĩ người dân bắt đầu quay trở lại với xe buýt do ngành đã có nhiều nỗ lực trong cải tiến phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ. Cụ thể, đơn vị đã điều chỉnh 20 đoạn lộ trình của 18 tuyến xe buýt để phù hợp với nhu cầu phân luồng giao thông và mạng lưới tuyến xe buýt; điều chỉnh 505 biểu đồ chạy xe của 105 tuyến xe buýt có trợ giá để phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân.

Ông Trung cho biết, nhằm tiếp tục duy trì lượng hành khách và kéo thêm nhiều hành khách đến với xe buýt, đơn vị sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, trong đó có việc thực hiện quy hoạch và sắp xếp lại mạng lưới tuyến cho phù hợp với đặc tính đô thị và thân thiện môi trường; thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng như: hoàn thiện đầu tư hệ thống vé điện tử xe buýt; triển khai dự án thẻ học đường trong quản lý hoạt động đưa, đón học sinh…áp dụng bán vé bằng máy in trực tiếp trên các tuyến xe buýt có trợ giá. Ngoài ra, các phương tiện được lắp đặt camera, thiết bị rao trạm và truyền dữ liệu về trung tâm để thông báo các tuyến trạm… Ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển vận tải hành khách công cộng; đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến tàu điện ngầm và xe buýt nhanh (BRT), kết hợp với triển khai phương án kết nối giao thông tại các nhà ga metro, dọc tuyến BRT vào các tuyến giao thông hiện hữu.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, để cải thiện tính hấp dẫn cho phương tiện vận tải công cộng và kéo người dân đi xe buýt nhiều hơn, trước mắt TP Hồ Chí Minh cần nâng cao chất lượng phương tiện xe buýt từ việc trang bị các thiết bị hiện đại, cải thiện môi trường trong xe buýt thông thoáng, các điểm, trạm dừng chân sạch sẽ, mát mẻ, cải thiện thái độ phục vụ của nhân viên phục vụ... Đặc biệt, cần tuyên truyền thay đổi quan niệm của người dân về xe buýt theo hướng ai cũng có thể đi buýt chứ không nên nghĩ xe buýt là phương tiện dành cho những người nghèo, người thu nhập thấp, người lớn tuổi, hoặc học sinh, sinh viên chưa có đủ tiền mua xe máy. Thực tế ở các nước phát triển người dân chủ yếu đi lại bằng phương tiện công cộng, nếu cần đi xa thì họ sử dụng tàu điện, nếu đi gần thì đi xe buýt, người giàu cũng đi xe buýt, đặc biệt cán bộ, công chức đa số sử dụng xe buýt.

 

Bài và ảnh: Hoàng Quân/Báo Tin tức