09:10 10/09/2021

TP Hồ Chí Minh nỗ lực giảm số ca tử vong do COVID-19

Về kết quả triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, số ca tử vong tại thành phố có giảm nhưng còn chậm. Thành phố đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục giảm tỷ lệ này.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: TTXVN phát

Theo Sở Y tế, tính đến nay, Thành phố có 80.585 trường hợp F0 cách ly tại nhà; 35.176 trường hợp F0 cách ly tại cơ sở cách ly quận, huyện, phường, xã; 40.762 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện. Tổng số ca đang cách ly và điều trị, số ca mắc mới trong ngày, số ca nhập viện và xuất viện trong ngày đều có xu hướng tăng. Số ca tử vong ngày 22/8 là 340 ca, đến ngày 8/9 giảm còn 203 ca. Điều này phù hợp với việc Thành phố đang đẩy mạnh công tác xét nghiệm trên diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Hiện số ca F0 cần nhập viện vẫn còn cao hơn số ca xuất viện nhưng khoảng cách này đang thu hẹp dẩn. Dự báo thời gian tới, số ca xuất viện sẽ bằng hoặc cao hơn số ca nhập viện.

Hiện nay, số lượng ca F0 cách ly tại nhà có xu hướng tăng nhanh do thành phố đẩy mạnh triển khai chăm sóc và theo dõi F0 tại nhà. Tỷ lệ F0 cách ly tại nhà cần nhập viện có xu hướng giảm, có thể liên quan tới triển khai các Trạm y tế lưu động tại địa bàn phường, xã, thị trấn và gói thuốc điều trị tại nhà. Sở Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 tuy nhiên công tác triển khai thực tế còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Số trường hợp nhập viện với tình trạng nặng cần hỗ trợ hô hấp vẫn còn cao, tương ứng số ca tử vong ở mức cao. Theo Sở Y tế, bên cạnh một số địa phương triển khai hiệu quả việc chăm sóc F0 tại nhà, vẫn còn một số phường xã, thị trần chưa thực hiện đúng hướng dẫn của Sở Y tế, ảnh hưởng đến hiệu quả chăm sóc và điều trị.

Để tiện cho việc chuyển bệnh nhân 2 chiều giữa các bệnh viện, Sở Y tế đã phân công các bệnh viện tuyến trên (tầng 3) hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tầng dưới (tầng 2) để tăng cường hội chẩn chuyên môn và chuyển viện điều trị kịp thời. Cùng với đó, Sở thành lập Tổ điều phối chuyển viện để tiếp nhận cuộc gọi và hỗ trợ chuyển bệnh nhân COVID-19 nặng ở các bệnh viện do vượt quá khả năng chuyên môn điều trị. Sở Y tế cũng chỉ đạo Tổ điều trị COVID-19 phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để giám sát sự tuân thủ phác đồ điều trị tại các bệnh viện nhằm hỗ trợ kịp thời các bệnh viện tuyến dưới.

Về trang thiết bị phục vụ công tác điều trị, đến nay, Sở Y tế đã tiếp nhận tài trợ và phân bổ các trang thiết bị cho các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Cụ thể, có 560 máy thở chức năng cao; 620 máy thở xâm nhập, không xâm nhập; 2.400 hệ thống oxy dòng cao (HFNC); 39 máy lọc máu liên tục; 3 hệ thống ECMO; 11 máy X-quang di động; 4 hệ thống  PCR tự động; 7 hệ thống PCR bán tự động; máy đo SpO2; máy đo huyết áp; máy tạo oxy… Sở Y tế đã lắp đặt 7.799 giường có oxy, 113 bồn oxy tại các bệnh viện.

Tính đến đầu tháng 9, Thành phố có 191 cơ sở cách ly tập trung với 35.369 giường, 81 bệnh viện tầng 2 với 64.400 giường và 10 bệnh viện, trung tâm hồi sức chuyên sâu ở tầng 3 với 4.600 giường. Ngoài ra, hiện có 9 bệnh viện đa khoa và 1 bệnh viện chuyên khoa tư nhân đã tham gia tiếp nhận điều trị COVID-19 với 1.085 giường. Thành phố đã thành lập 520 Trạm y tế lưu động tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để chăm sóc và quản lý F0 đang cách ly tại nhà.

TP Hồ Chí Minh cũng đã thành lập tổng đài 115 tại Công viên phần mềm Quang Trung với 40 đường truyền hoạt động và 20 đường truyền dự phòng, đến nay đã đáp ứng 100% cuộc gọi của người dân vào đầu số 115; thành lập 5 trạm vệ tinh 115 dã chiến, đã hỗ trợ tiếp cận người bệnh cần cấp cứu lại các khu vực hiệu quả.

Đến ngày 9/9, có 278.703 trường hợp mắc COVID-19 phát hiện tại TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố. Tổng số người được xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 140.324 người.

Tiến Lực (TTXVN)