Sáng 1/7, đông đảo người dân đã đến các chùa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mới để lắng nghe ba hồi chuông trống bát nhã, một nghi lễ tâm linh đặc biệt được tổ chức đồng loạt trên cả nước, cầu nguyện quốc thái dân an nhân dịp vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Khoảng 5 giờ 30, chùa Vĩnh Nghiêm đã có đông người dân đến chờ nghe tiếng chuông bát nhã.
Tăng ni, phật tử, người dân TP Hồ Chí Minh (mới) đến chùa Vĩnh Nghiêm chờ đến giờ nghe đánh chuông cầu an.
Ghi nhận của phóng viên tại các chùa lớn của TP Hồ Chí Minh (mới) như tu viện Khánh An, chùa Viên Giác, chùa Việt Nam Quốc Tự, chùa Vĩnh Nghiêm... người dân đã đến từ sớm, hòa mình trong không gian thanh tịnh, trang nghiêm.
Những vị cao tăng, trụ trì tại các chùa bắt đầu buổi cầu nguyện cầu cho đất nước phát triển, sống trong hòa bình, tiến bộ.
Thầy Thích Lệ Trang, Trụ trì chùa Việt Nam Quốc Tự cho biết, sáng 1/7, cùng hàng chục nghìn cơ sở tự viện trên cả nước, chùa cũng đã trang nghiêm thỉnh ba hồi chuông bát nhã. Đây không chỉ là nghi thức cầu quốc thái dân an, mà còn là sự đồng hành của đạo Phật với một bước ngoặt trọng đại của đất nước, ngày toàn bộ bộ máy hành chính chính thức vận hành theo mô hình mới, tinh gọn và hiện đại.
Theo thầy Thích Lệ Trang, Phật giáo luôn lấy tinh thần hòa hợp và đồng hành cùng dân tộc làm cốt lõi, do đó, việc các tùng lâm, tu viện đồng loạt thỉnh chuông vào sáng nay cũng là cách để thỉnh Phật chứng minh, tiếp năng lượng an lành cho sự kiện quan trọng này, mở ra một kỷ nguyên mới của hòa bình, phát triển và tiến bộ dân tộc.
Bên trong chánh điện, người dân đã đến khá đông để cùng cầu nguyện cho quốc thái dân an trong sáng 1/7.
Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện chủ Tu viện Khánh An cho biết, chuông trống bát nhã có vai trò rất đặc biệt trong đời sống tâm linh của Phật giáo đại thừa. Trong đó, chuông lớn nhất trong chùa gọi là đại hồng chung, đặt bên trái, tượng trưng cho sự tỉnh thức. Trống bát nhã đặt bên phải, biểu trưng cho trí tuệ. Khi chuông và trống được thỉnh cùng nhau, đó không chỉ là âm thanh mà còn là thông điệp giác ngộ và từ bi lan tỏa khắp pháp giới.
“Tiếng chuông là tiếng của tỉnh thức, nhắc nhở mỗi con người tu tập. Tiếng trống là trí tuệ cứu vớt chúng sinh. Khi được thỉnh cùng nhau, chuông trống bát nhã mang hàm nghĩa tuệ giác Phật giáo, dẫn dắt con người đến với sự an lạc và giác ngộ”, Thượng tọa nói.
Tiếng gõ mõ vang lên trong không gian tĩnh lặng để người dân hòa mình vào thời khắc lịch sử của đất nước.
Theo Thượng tọa Thích Trí Chơn, trong Phật giáo, chuông trống bát nhã chỉ được cử trong những dịp lễ hội lớn như rằm, mùng 1, lễ Phật đản, Vu lan, hoặc các kỳ trai đàn, giới đàn trang nghiêm. Riêng trong lễ Phật đản, nghi thức thỉnh chuông trống bát nhã chỉ thực hiện vào giây phút rước lễ sinh thần, thời khắc thiêng liêng tượng trưng cho sự xuất hiện của Đức Phật trên cõi đời.
Khoảng 6 giờ, những tiếng chuông chùa bắt đầu vang lên tại chùa Việt Nam quốc tự.
Trong không khí lắng đọng sáng nay, khi tiếng chuông đầu tiên ngân lên, nhiều người khép mắt niệm Phật, thành tâm hướng vọng. “Vị thỉnh chuông trống không chỉ đánh bằng tay mà bằng cả sự chánh niệm, tâm lực và lòng thành. Mỗi tiếng vang lên là sự kết nối giữa tâm linh và hiện thực, giữa người tu hành và xã hội, giữa Đạo pháp và Dân tộc”, viện chủ tu viện Khánh An nói.
Tại chùa Vĩnh Nghiêm, tiếng chuông chùa cũng vang lên trong lời nguyện cầu từ tâm của người dân, tăng ni, phật tử.
Trước đó, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã ký văn bản gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố về việc tổ chức nghi thức này trên toàn quốc vào đúng ngày 1/7 - ngày chính thức vận hành chính quyền hai cấp. Văn bản nêu rõ: “Với truyền thống Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong mọi chặng đường lịch sử, Giáo hội đề nghị các chùa, tự viện tổ chức ba hồi chuông trống bát nhã, tụng kinh, cầu an nhằm khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc, hồn thiêng sông núi đất nước Việt Nam”.
Tại chùa Vĩnh Nghiêm, ông Nguyễn Văn Được, tân Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh mới cũng có mặt và đánh những tiếng chuông để cầu cho đất nước quốc thái dân an.
Ngoài tiếng chuông, tiếng trống bát nhã cũng được các sư thầy thỉnh vào sáng 1/7.
Trong sáng 1/7, ngoài tiếng chuông bát nhã, tiếng trống bát nhã còn thể hiện rõ tinh thần nhập thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Người dân TP Hồ Chí Minh mới luôn mong muốn được sống yên bình, hạnh phúc và tâm an.