04:00 09/04/2012

TP Hồ Chí Minh nâng cao năng lực y tế cơ sở để giảm tải cho tuyến trên

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, mỗi ngày các bệnh viện chuyên khoa hoặc tuyến cuối tại TP.HCM đều phải nhận bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú vượt từ 2.000- 3.000 lượt/ngày. Đây là những bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, các bệnh viện đa khoa hạng 1 có sự phát triển chuyên khoa sâu và kỹ thuật cao.

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, mỗi ngày các bệnh viện chuyên khoa hoặc tuyến cuối tại TP.HCM đều phải nhận bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú vượt từ 2.000- 3.000 lượt/ngày. Đây là những bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, các bệnh viện đa khoa hạng 1 có sự phát triển chuyên khoa sâu và kỹ thuật cao.

Chẳng hạn, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM được đầu tư 1.300 giường bệnh nhưng vì diện tích nhỏ, chưa thể nâng cấp nên chỉ có 631 giường bệnh với công suất sử dụng là 247%. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 5.000 lượt bệnh nhi. Riêng Bệnh viện Nhi đồng 1, có 1.400 giường, hoạt động với công suất 123% nhưng vẫn còn 322 bệnh nhân phải nằm giường đôi hoặc ghế bố. Mặc dù đã quá tải, diện tích không thể mở rộng, nhưng hàng năm tổng số bệnh nhân khám và chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng từ 5 - 10%. Vì thế, hiện tại bệnh viện đã quá tải càng quá tải thêm.

Nhiều người dân phản ánh, tình trạng bệnh viện quá tải hiện nay khiến người dân cảm thấy mệt mỏi, khổ sở khi phải đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện trong khu vực trung tâm TP.HCM. Bác Nguyễn Thu Nga (quận 12) cho biết: “Tôi là người dân thành phố, nhưng muốn đi khám bệnh ở các bệnh viện chuyên khoa phải đi từ rất sớm, có khi từ 3-4 giờ sáng để xếp hàng chờ lấy số thứ tự. Sau đó phải chờ đến lượt khám, làm các xét nghiệm và lấy thuốc thì có khi đến 12 giờ trưa mới xong. Tôi hi vọng tình trạng này sớm cải thiện để người dân được thuận lợi chăm sóc sức khỏe hơn”.

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng thừa nhận rằng, việc phát triển dân số quá nhanh của thành phố nên cơ sở khám chữa bệnh không đáp ứng kịp nhu cầu. Bên cạnh đó, thành phố cũng thu hút khá đông bệnh nhân từ các tỉnh, thành lân cận đổ về chữa bệnh và chiếm đến 50% lượng bệnh nhân ở các bệnh viện.

“Vấn đề giảm tải bệnh viện phải thực hiện quyết liệt, bằng cách xây dựng đồng bộ về nguồn nhân lực, trang thiết bị và “thương hiệu”. Không có lý gì người dân lặn lội 2-3 giờ sáng lên tuyến trên khám bệnh khi tuyến dưới làm tốt. Việc phát triển y tế cơ sở, triển khai mô hình bác sĩ gia đình, cùng nhiều giải pháp của thành phố trong việc tăng giường bệnh bằng việc xây dựng các bệnh viện vệ tinh thì khả năng đến năm 2015 các bệnh viện tuyến trên sẽ giảm tải được 70-75% so với hiện nay” - ông Hứa Ngọc Thuận “cam kết” trong chương trình “Lắng nghe và Trao đổi” do Đài Truyền hình TP.HCM thực hiện ngày 8/4.

M.Thuyết- Đ.Phương