04:07 30/04/2017

TP Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch - Bài 2

Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành du lịch, trước hết các cơ sở đào tạo cần có đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, hệ thống cơ sở vật chất của các trường cần hiện đại, chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu xã hội.

Muốn làm được điều này không chỉ cần sự nỗ lực của các trường mà còn cần vai trò định hướng của Nhà nước, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Chuẩn hóa từ ngành học đến đội ngũ giáo viên

Xây dựng chương trình học phù hợp và các cơ sở đào tạo nhân lực ngành du lịch phải có kế hoạch nâng cao đội ngũ giảng viên, được xem là “chìa khóa” cốt lõi nhằm nâng cao chất lượng nhân lực du lịch.

Một tiết học thực hành nghiệp vụ buồng phòng (Housekeeping) tại Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Trang, Giảng viên Trường Đại học Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh), các cơ sở đào tạo cần xây dựng chiến lược dài hạn về phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu, có các chính sách cụ thể đào tạo, thu hút đội ngũ giảng viên dựa trên cơ sở số lượng, chất lượng hiện có. Ngoài ra, các trường cần bắt buộc các giảng viên nâng cao trình độ bằng cách nghiên cứu khoa học thật sự nghiêm túc chứ không phải để đối phó mang tính hình thức.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng nên có chính sách mời các thạc sĩ, tiến sĩ đang làm việc tại các doanh nghiệp làm giảng viên dạy phần thực hành các môn học kỹ thuật nghiệp vụ, đòi hỏi số giờ thực hành nhiều như Quản trị kinh doanh lữ hành, Quản trị nhà hành khách sạn… Làm được điều này, giảng viên dạy lý thuyết sẽ có thêm thời gian để đầu tư chiều sâu cho môn học mình giảng dạy, trong khi đó nhà trường có thể tận dụng những kinh nghiệm thực tiễn của các thạc sĩ, tiến sĩ ở các doanh nghiệp đã tích lũy trong nhiều năm, mang lại cho sinh viên những kiến thức thực tế bổ ích.
 
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để tạo ra bước đột phá về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh nên có trường chuyên về đào tạo du lịch. Các trường nên có nhiều tiết bố trí cho học sinh thực tập tại các doanh nghiệp du lịch để hiểu biết thực tiễn.

"Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng một trung tâm kinh tế lớn như Thành phố Hồ Chí Minh lại không có trường đại học du lịch. Thành phố Hồ Chí Minh nên thành lập đại học du lịch và mời các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước rà soát chương trình giảng dạy, xây dựng giáo trình phù hợp với doanh nghiệp và xu thế hội nhập để phục vụ thật tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch", ông Nguyễn Hải Linh, chủ đầu tư Tàu nhà hàng Elisa (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Cần có sự liên kết

Doanh nghiệp liên kết với nhà trường trong đào tạo và Nhà nước có các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch là những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch. Một số trường đào tạo du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động kết nối với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên có thêm giờ học thực tế, hay mời các doanh nghiệp tham gia thiết kế chương trình học phù hợp với yêu cầu công việc.

Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn triển khai “Học kỳ doanh nghiệp”. Theo đó, khi các em về doanh nghiệp học sẽ được trừ môn ở trường. Chẳng hạn, các em đến nhà hàng học sẽ được miễn học môn nghiệp vụ nhà hàng ở trường… Cách học này mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên, nhưng không phải trường nào cũng làm được.

"Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên hệ với các trường đại học, cao đẳng đề xuất việc hợp tác đưa sinh viên vào thực tập có trả lương, sinh viên nào làm tốt sẽ được nhận vào làm khi ra trường. Thế nhưng, đáp lại "nhiệt tình" của doanh nghiệp là sự "thờ ơ" của một số trường đại học và cao đẳng khiến chương trình bị hủy bỏ.
 
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chỉ biết tuyển chọn những sinh viên có năng lực tốt, đoạt giải trong các hội thi nghiệp vụ mà không có sự hỗ trợ nào cho các hoạt động chuyên môn của các cơ sở đào tạo", Tiến sĩ Mai Hà Phương, Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.

Để việc phối hợp giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực du lịch đi vào thực chất rất cần sự kết nối của các sở, ban, ngành thành phố. Theo ông Nguyễn Quốc Thắng, Trưởng khoa Du Lịch - Khách sạn Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, thành phố nên có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh nên cùng doanh nghiệp và các trường thành lập ban xúc tiến nguồn nhân lực du lịch. Theo đó, ban này sẽ tư vấn, định hướng những giải pháp để phát triển ngành du lịch của thành phố, trong đó có đào tạo nhân lực du lịch. Thành phố cũng nên hỗ trợ các trường nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên hiện tại bằng cách tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn ở trong nước hay đưa ra nước ngoài học.

Trong các chương trình đào tạo tiến sĩ của thành phố nên ưu tiên cho đào tạo tiến sĩ các ngành, chuyên ngành du lịch. Ngoài ra, chương trình đào tạo là do Bộ giáo dục và Đào tạo quy định, tuy nhiên để thống nhất chương trình đào tạo, các trường trên địa bàn thành phố có thể xây dựng một vài chương trình mẫu để các trường tham khảo, như vậy sẽ tạo mặt bằng chung về khung chương trình của các trường.

Lan Phương (TTXVN)