04:18 29/04/2017

TP Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch - Bài 1

Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, hiện nay nhân lực hoạt động trong ngành này còn thiếu và chưa chuyên nghiệp.

Công tác đào tạo nhân lực cho ngành du lịch cũng còn một số tồn tại, bất cập. Để có nguồn nhân lực du lịch đạt chất lượng cao, Thành phố Hồ Chí Minh cần có bước đột phá trong xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các trường đang tham gia đào tạo nghiệp vụ du lịch trên địa bàn thành phố.


Bài 1: Công tác đào tạo còn nhiều bất cập

Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 50 trường tham gia đào tạo ngành du lịch, trong đó có những trường đã đào tạo các chuyên ngành quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành như: Đại học Ngoại ngữ và tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Hoa sen… Thế nhưng nguồn nhân lực du lịch thành phố hiện tại vẫn chỉ đáp ứng được 60% so với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Sở dĩ có tình trạng trên vì cho đến nay nhiều trường đào tạo du lịch vẫn còn gặp nhiều vướng mắc từ việc mở mã ngành cho đến thiếu đội ngũ giáo viên có năng lực. 

Học thực hành “Kỹ thuật chế biến món ăn” tại trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Nhân lực chưa chuyên nghiệp 

Tình trạng phổ biến hiện nay là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn thiếu lao động lành nghề, nhưng sau khi tuyển dụng học sinh, sinh viên vừa tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo, nhiều doanh nghiệp phải tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại. Thiếu kỹ năng, nghiệp vụ và ngoại ngữ là những hạn chế của nhiều người làm du lịch hiện nay. 

Ông Nguyễn Hải Linh, chủ đầu tư Tàu nhà hàng Elisa (Top 5 nhà hàng đạt chuẩn hàng đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Thực tế doanh nghiệp trong ngành du lịch đang rất "khát" nhân lực, trong khi đó hầu hết sinh viên ra trường kỹ năng làm việc còn rất yếu. Các em nắm lý thuyết rất giỏi, nhưng lại chưa có hiểu biết về thực tiễn. Thực trạng này dẫn đến tình trạng nhiều nhà hàng, khách sạn do không tuyển được nhân viên đã chấp nhận sử dụng lao động chưa qua đào tạo, nhưng lại có kinh nghiệm và đã thạo việc. 

Còn theo bà Thanh Nga, chủ đầu tư chuỗi Khách sạn Cathay tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sở dĩ còn nhiều khách sạn có tình trạng đối phó về nhân viên khi có đoàn kiểm tra đến, là do việc tuyển dụng nhân viên có bằng cấp quá khó. Chẳng hạn, chuỗi Khách sạn Cathay khai trương chi nhánh ở quận 9 mới hơn một năm đã tuyển đến 15 lần vẫn không có đủ nhân viên. Nhiều nhân viên có bằng cấp được tuyển vào, nhưng trong quá trình làm việc lại chưa có thái độ phục vụ khách hàng lịch sự... Không chỉ vậy, hiện chuỗi khách sạn của Cathay có đến 40% là du khách quốc tế, do đó đòi hỏi nhân viên phải giỏi ngoại ngữ. Để đáp ứng yêu cầu công việc, thay vì tuyển nhân viên có bằng cấp, khách sạn đành tuyển những nhân viên không có bằng cấp nhưng lại làm được việc. 

Theo một số chuyên gia, hiện các đơn vị đào tạo nghiệp vụ du lịch mới chỉ chú trọng đào tạo nhân sự, nhân viên du lịch mà "quên" việc đào tạo các nghệ nhân, giám đốc, cùng những chức danh quản lý cao cấp khác. Do vậy, đội ngũ quản lý cấp cao về du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh còn rất yếu. Hầu hết các doanh nghiệp phải tự đào tạo đội ngũ này bằng cách gửi ra nước ngoài học. 

Khâu đào tạo chưa chuẩn 

Sở dĩ nhân lực ngành du lịch vừa thiếu vừa yếu như hiện nay là do việc đào tạo du lịch chưa thật sự quy củ. Tuy có nhiều đơn vị đào tạo du lịch nhưng không phải trường nào cũng mở được các mã ngành thuộc khối du lịch. Không chỉ vậy, do chưa có giáo trình thống nhất cho các trường nên hoạt động đào tạo ngành du lịch của các trường chưa thật sự đồng bộ. 

Theo ông Nguyễn Quốc Thắng, Trưởng khoa Du lịch - Khách sạn, Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh: Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở 3 mã ngành đào tạo du lịch: Quản lý khách sạn, quản trị nhà hàng - dịch vụ ăn uống, quản trị du lịch và dịch vụ lữ hành. Mặc dù vậy, không phải trường nào cũng mở được những mã ngành này. Bởi vì, để mở được mã ngành yêu cầu phải có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ đúng chuyên ngành. Nhưng hiện nay ở Việt Nam mới có duy nhất một trường có đào tạo trình độ thạc sĩ du lịch là Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khóa đầu tiên phải đến 4 tháng nữa mới bắt đầu tốt nghiệp, do đó hiện nay sẽ chưa có đội ngũ giáo viên để các trường mở chuyên ngành. Do không đủ đội ngũ giáo viên để mở các chuyên ngành đào tạo du lịch nên nhiều trường đã để ngành học này nằm giữa ngành Quản trị kinh doanh và ngành Việt Nam học. Điều này gây thiệt thòi cho người học vì nếu mở mã ngành, các trường sẽ được thẩm định về cơ sở vật chất hay giáo trình giảng dạy, qua đó người học sẽ được tiếp cận hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại và đầy đủ... 

Tiến sĩ Mai Hà Phương, Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Có thể nói hiện nay chương trình đào tạo du lịch ở các cơ sở đào tạo rất khác nhau. Có trường quá thiên về trang bị kỹ năng mà không quan tâm đến trang bị kiến thức nền, do đó chỉ tạo nên đội ngũ “thợ” chứ không thể tạo ra đội ngũ quản lý giỏi. Ngược lại có trường lại có tỷ lệ dạy thực hành thấp dẫn, đến kỹ năng nghề của sinh viên yếu. Kết cấu của chương trình khung giữa các cơ sở đào tạo cũng rất khác nhau về tỷ lệ giữa khối kiến thức đại cương với khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành. 

“Ngoài ra, ngành du lịch còn thiếu hệ thống giáo trình cốt lõi của các ngành, chuyên ngành. Hiện nay, việc biên soạn giáo trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa được các cơ sở đào tạo thực hiện nghiêm túc. Tài liệu tham khảo trong lĩnh vực du lịch tuy khá phong phú, nhưng phần lớn có chất lượng hạn chế và tên gọi rất khác nhau. Việc biên soạn đầy đủ các giáo trình của các cơ sở đào tạo dường như là bất khả thi do kinh phí, trình độ của đội ngũ hạn chế và do chính cơ chế quản lý của các cơ sở đào tạo. Trong khi đó, một số giáo trình nước ngoài lại không thể sử dụng làm giáo trình chính thức của các cơ sở đào tạo vì nội dung, tên môn học, hệ số tín chỉ,… rất khác với chương trình của các trường và kinh phí mua bản quyền tốn kém. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng đào tạo nhân lực du lịch rất khác nhau và chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.” – Tiến sĩ Mai Hà Phương cho biết thêm. 

(còn tiếp)
Lan Phương/TTXVN