12:20 02/12/2021

TP Hồ Chí Minh: Năm 2022, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 6 - 6,5%

Chiều 2/12, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã họp phiên bế mạc.

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu bế mạc Hội nghị. 

Phát biểu kết luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, thành phố phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6% - 6,5%.

Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Hội nghị cơ bản đồng tình chủ đề của thành phố năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, đồng thời thống nhất mục tiêu tổng quát, 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, cùng với 7 nhóm giải pháp và 21 nhiệm vụ cụ thể. 

“Toàn hệ thống chính trị sẽ tập trung nỗ lực cao nhất phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6% - 6,5%. Đây là mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu có cơ sở và niềm tin khi sự đồng tâm, hiệp lực rất mạnh, sự khát khao hồi phục và phát triển rất lớn”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh. 

Trong Tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND TP Hồ Chí Minh, trong năm 2022, ngoài tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6 - 6,5%, Thành phố đề ra nhiều chỉ tiêu quan trong như: Duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 0,75%/GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tạo việc làm mới cho 140.000 lao động…

Trong các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra cho năm 2022, Hội nghị xác định vẫn tập trung ưu tiên trước hết cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19; kiên trì, chủ động, nhất quán với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả; từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt chú trọng triển khai Đề án phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; cần nhận thức đây là cơ hội lớn mà TP Hồ Chí Minh phải tận dụng một cách hiệu quả nhất. 

Về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Hội nghị đã thảo luận, cơ bản thống nhất các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, với tinh thần “không thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đề ra”, trên cơ sở điều chỉnh một số nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên phù hợp với yêu cầu tình hình mới.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung phát triển kinh tế số, chú trọng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động; sớm hoàn thành phê duyệt và tổ chức triển khai các đề án, chương trình đột phá, trọng điểm của thành phố đã bị chậm lại do dịch bệnh. 

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trao đổi với phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí về một số nội dung của Hội nghị. 

Trao đổi với báo chí sau Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu điều chỉnh chỉ tiêu để hoàn thành thì không cần thiết, nên Thành phố xác định giữ lại để phấn đấu, được mức nào tính mức đó.

“Khả năng sẽ không hoàn thành nếu tình hình dịch bệnh vẫn xấu. Còn với sức bật, khí thế này, với khát khao, ý chí này, nếu dịch bệnh sớm ổn định, thì chắc chắn tốc độ phát triển sẽ mạnh hơn và sẽ hoàn thành. Mọi việc phải nỗ lực hết mình, mục đích của chúng ta là chiến đấu hết sức với 200%”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Hội nghị đã thống nhất rút ra một số bài học rất quan trọng, đặc biệt là phải tập trung bảo vệ hệ thống y tế và đội ngũ tuyến đầu, trước hết là y tế cơ sở, y tế cộng đồng; huy động tối đa năng lực y tế thành phố; phát huy y tế tư nhân, quân y, đông y để chung sức với hệ thống y tế, bằng mọi cách không để quá tải. 

Thành phố cũng quan tâm công tác giáo dục và đào tạo, giữ vững chất lượng dạy và học; trước mắt cần thí điểm dạy học tập trung trong điều kiện “bình thường mới” đối với lớp 9, 12. Tăng cường củng cố hệ thống an sinh, bảo trợ xã hội, chăm lo các đối tượng đặc biệt, nhất là các cháu mồ côi cha mẹ, người già neo đơn, không nơi nương tựa, người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Chia sẻ bên lề, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, lúc đầu Thành phố có tính (thí điểm cho học sinh lớp 1, 9, 12 học trực tiếp), nhưng khi lấy ý kiến gia đình, phụ huynh rất quan ngại, sự ủng hộ không cao. Hiện nay cũng chưa biết mức độ, tính chất của sự lây nhiễm biến chủng Omicron như thế nào. Do số học sinh lớn (lớp 9 và 12) có thể quản lý được, nên sẽ thí điểm trước. “Trong bối cảnh hiện nay phải làm như thế thôi. Mình làm sớm mà không kiểm soát được hoặc có vấn đề gì đó sẽ tạo sự bất an với hàng ngàn gia đình”, đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ. 

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng thống nhất với Tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND thành phố về quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và các nội dung quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cơ bản thống nhất chủ đề về công tác xây dựng Đảng năm 2022 là “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy tính tiền phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên”, với 8 nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp chủ yếu.

Tin, ảnh: Tiến Lực (TTXVN)