07:11 05/07/2022

TP Hồ Chí Minh: Muôn kiểu lừa đảo qua điện thoại

Nhiều người dân TP Hồ Chí Minh bỗng dưng nhận được những cuộc gọi điện thoại tự xưng là cảnh sát giao thông, cán bộ hải quan... thông báo về vi phạm giao thông, nhập hàng không hóa đơn nguồn gốc... Tuy nhiên, theo Công an TP Hồ Chí Minh, tất cả hành động trên là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản nên người dân cần hết sức cảnh giác.

Vi phạm luật giao thông ở Đà Nẵng

Ngày 1/7, anh L.D.T, ngụ ở thành phố Thủ Đức bất ngờ nhận được điện thoại từ số máy lạ 093... gọi đến xưng là người của Cục CSGT (Bộ Công an). Người này thông báo anh bị xử lý "phạt nguội" lỗi vi phạm giao thông ở Đà Nẵng và yêu cầu anh S. cung cấp tên, tuổi, số CMND/CCCD để kiểm tra trên hệ thống của Cục CSGT là lỗi gì, số tiền phạt, biện pháp xử lý. Chỉ đến khi anh S. khẳng định mình không ở Đà Nẵng và không cho ai mượn xe vào thời điểm đó thì người gọi điện thoại bên kia mới cúp máy. 

Chú thích ảnh
Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương và không yêu cầu người dân cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Điểm chú ý là có khá nhiều cuộc gọi thông báo phạt nguội được những kẻ lừa đảo "phát đi từ Đà Nẵng" dù người dân sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Chị N.H.T.N, ngụ huyện Bình Chánh cho biết, ngày 30/6 có số điện thoại lạ gọi cho chị N. và xưng danh là công an Phòng CSGT thành phố Đà Nẵng để thông báo chị N. có 1 vi phạm giao thông đang chờ xử lý.

“Cụ thể, anh cảnh sát giả mạo này thông báo vào lúc 23g10 phút ngày 19/6, chiếc Toyota màu trắng biển số... do tôi đứng tên đã gây tai nạn, tài xế đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Nếu tôi không lái chiếc xe đó, tôi vui lòng cung cấp số CMND để anh cảnh sát giả mạo kia kiểm tra, xác minh hồ sơ để làm rõ cho tôi. Sau một hồi nói chuyện, anh cảnh sát “giả” ở đầu dây bên kia yêu cầu tôi chuyển khoảng 20 triệu đồng vào số tài khoản của công an giả mạo để xác minh vụ việc. Rất may tôi đã cảnh giác vì tôi không có xe ô tô nên tôi không bị mắc bẫy chuyển tiền trên”, chị N.H.T.N nói.

Không chỉ lừa đảo bằng tình huống vi phạm luật giao thông, nhiều trường hợp lừa đảo còn tự xưng là cán bộ Hải quan thông báo về tình trạng nhập hàng từ nước ngoài về không có chứng từ, hóa đơn, xuất xứ nguồn gốc.... Cụ thể, ngày 4/7, chị N.T.H.Y, ngụ ở thành phố Thủ Đức đã nhận được một cuộc điện thoại của người tên Lê Văn Hà, xưng danh là cán bộ Hải quan với đầu số điện thoại 03868... gọi điện thoại thông báo chị Y. có nhập lô hàng y tế không rõ nguồn gốc, cần xác minh lại số điện thoại, chứng minh nhân dân…

Chị Y. cho biết: "Do trong cuộc họp, tiếng hơi ồn nên cán bộ "giả" này nói tôi bật tiếng ti vi nhỏ lại để trao đổi rõ hơn. Tuy nhiên, tôi nói đang bận họp, không thể ra ngoài nói chuyện được thì đối tượng này rất “lịch sự” bảo với tôi khi nào xong việc sẽ gọi lại. Tôi nhận thấy có giấu hiệu lừa đảo nên đã nhờ người quen hỏi xác minh số điện thoại gọi cho tôi có phải từ phòng xuất nhập cảnh hay không, tuy nhiên đó lại là sim rác...".

Ngoài chiêu trò giả danh cán bộ, công an, hải quan, các đối tượng lừa đảo qua điện thoại còn sử dụng chiêu trò "chuyển tiền nhầm". Còn nhớ vào sáng 20/6, anh N.H.M, ngụ quận Gò Vấp nhận được một khoản tiền không rõ người chuyển. Anh N.H.M cho biết: "Bỗng nhiên một ngày tôi nhận được 30 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng với nội dung đính kèm rất khó hiểu. Đến chiều cùng ngày, một tài khoản zalo lạ kết bạn với tôi và nói rằng, công ty tài chính đã giải ngân số tiền của tôi mới vay. Điều này đồng nghĩa, tôi bỗng dưng trở thành một con nợ với lãi suất và khoản tiền vay từ trên trời rơi xuống. Ngay sau khi biết được mình bị lừa, tôi đến cơ quan công an gần nhà để trình báo và được ngành công an, ngân hàng hỗ trợ giải quyết thỏa đáng và thoát được khoản nợ trên".

Chú thích ảnh
Các nhà mạng thường xuyên phát đi thông báo về cảnh báo các cuộc gọi lừa đảo phát sinh cước quốc tế. Ảnh: XM/Báo Tin tức

Cũng với chiêu trò "chuyển tiền nhầm", các đối tượng lừa đảo gửi đến điện thoại của người dân có nội dung "chuyển nhầm tiền" kèm đường link việc yêu cầu người nhận tiền nhầm đăng nhập gửi trả lại tiền. Chỉ cần người nhận tin nhắn điền các thông tin theo yêu cầu, toàn bộ số tiền của nạn nhân trong tài khoản sẽ bị chiếm đoạt. 

Cảnh giác cao, bình tĩnh

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay lực lượng CSGT đang thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông qua 2 hình thức: Thứ nhất, trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm; thứ hai, xử phạt qua hình ảnh thu từ hệ thống camera giám sát của giao thông, ghi hình trực tiếp của CSGT hoặc hình ảnh người dân cung cấp…

Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương và không yêu cầu người dân cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Theo đó, ông Lê Mạnh Hà cũng lưu ý người dân cần nắm rõ thông tin là cảnh sát giao thông không gửi biên bản xử phạt qua mail hoặc điện thoại. Cụ thể, CSGT khi xử phạt sẽ có giấy thông báo, kèm theo hình ảnh vi phạm gửi đến người vi phạm. Việc gửi thông tin qua địa chỉ mail hoặc điện thoại là thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường thực hiện để tiếp cận người dân và chiếm đoạt tài sản.

Lý giải nguyên nhân của các hành vi lừa đảo qua điện thoại đang nở rộ, ông Lê Mạnh Hà cho biết, hiện nay điện thoại di động trở thành vật dụng thiết yếu và phổ biến của mọi người dân để thực hiện các hoạt động giải trí, trao đổi thông tin, công việc, tài chính… Vì vậy, các đối tượng lừa đảo đã nắm bắt điều này để thực hiện hành vi lừa đảo qua điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản với nhiều chiêu trò, thủ đoạn khác nhau.

Chú thích ảnh
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các số điện thoại lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. 

Qua phản ánh của người dân, có thể điểm mặt một số chiêu trò lừa đảo phổ biến hiện nay để người dân chủ động phòng tránh. Thứ nhất, hành vi giả mạo Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang. Theo đó, chỉ với các đầu số giả mạo, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng cho nhiều kịch bản khác nhau như: giả làm Cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn… liên hệ với nạn nhân để khai thác thông tin cá nhân. Tiếp đó, chúng sẽ sử dụng các thông tin này để làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan Công an để đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ điều tra.

Thứ hai, giả danh ngân hàng để gọi điện, gửi tin nhắn, email… mời chào, cung cấp các khoản vay online từ ngân hàng. Hành vi lừa đảo được chúng thực hiện bằng cách hướng dẫn nạn nhân làm các thủ tục vay, mở tài khoản online, sau đó gửi yêu cầu xác nhận phê duyệt khoản vay và yêu cầu nộp các khoản tiền lệ phí, tiền trả góp… để chiếm đoạt.

Thứ ba, giả danh nhân viên cửa hàng, công ty xổ số... gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao của một chương trình nào đó. Để nhận phần thưởng này, nạn nhân phải mua một sản phẩm của đối tượng có giá trị cao hơn giá trị ngoài thị trường hoặc chuyển trước một số tiền đóng thuế để nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt.

Thứ tư, tự giới là người nước ngoài, liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân, sau đó đối tượng lừa đảo sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên, người bị hại/người bị lừa đảo phải nộp các khoản tiền như thuế, phí, cước vận chuyển… vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để nhận quà.

“Vì vậy, người dân khi nhận được những cuộc điện thoại với các tình huống như trên cần bình tĩnh, không nên hoang mang, lo sợ và phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo, không làm theo hướng dẫn chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo", ông Lê Mạnh Hà cho biết thêm.

Theo luật sư Nguyễn Văn Thành, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, việc xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác được xác định là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu hình phạt tương ứng với mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội. Cụ thể, các đối tượng xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác có thể bị xử lý vi phạm hành chính với trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị đinh 144/2021/NĐ-CP). 

Còn để truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sử dụng thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên đến 500 triệu có thể bị phạt từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài hình phạt chính hành chính và hình sự như trên, người thực hiện hành vi phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Vì vậy, luật sư Nguyễn Văn Thành cũng khuyến cáo, người dân cần đề cao cảnh giác bọn lừa đảo tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo vi phạm. Người dân không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó; đặc biệt, không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức