Trên hành trình hướng tới mô hình công nghiệp mới, TP Hồ Chí Minh mới đang sở hữu nền tảng thuận lợi với không gian phát triển mở rộng và chiến lược định vị rõ ràng. Sự kết hợp giữa công nghệ, tài chính, quy hoạch vùng và đào tạo nhân lực được kỳ vọng sẽ giúp thành phố bứt phá, trở thành trung tâm sản xuất xanh và thông minh, đóng vai trò dẫn dắt công nghiệp quốc gia trong giai đoạn phát triển bền vững.
TP Hồ Chí Minh mới sẽ là trung tâm công nghiệp mới của vùng Đông Nam bộ.
Bài 1: Đổi mới, tái cấu trúc ngành công nghiệp
Với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp thông minh của khu vực, TP Hồ Chí Minh mới không chỉ chuyển đổi mô hình khu công nghiệp mà còn chú trọng kết nối liên vùng, phát triển logistics, công nghệ cao và tiêu chuẩn ESG, tạo nền tảng vững chắc cho hành trình tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Định hình lại nền sản xuất
Sau sáp nhập địa giới hành chính, TP Hồ Chí Minh đứng trước yêu cầu định hình lại chiến lược phát triển công nghiệp theo hướng thông minh và bền vững. Thay vì tiếp tục mô hình khu công nghiệp truyền thống, thành phố cần chuyển sang phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới, nơi sản xuất dựa trên tri thức, công nghệ cao và chuyển đổi số. Đây không chỉ là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0, mà còn là bước chuẩn bị dài hạn để TP Hồ Chí Minh vươn lên thành siêu đô thị tầm quốc tế, đóng vai trò đầu mối trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Võ Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HBA) cho rằng, hai Nghị quyết 57 và 68 của Trung ương về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy kinh tế tư nhân chính là đòn bẩy quan trọng để ngành công nghiệp cả nước chuyển mình, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Theo ông Thân, đây là thời điểm doanh nghiệp cần nhận diện rõ xu thế và tận dụng chính sách để chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng công nghiệp xanh, thông minh và bền vững.
Các khu công nghiệp mới hình thành được định hướng phát triển theo hướng công nghiệp xanh.
Hiện TP Hồ Chí Minh có hơn 60 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao đang hoạt động. Trong đó, phần lớn các khu công nghiệp truyền thống bộc lộ những điểm yếu như hạ tầng lạc hậu, hiệu suất sử dụng đất thấp và hạn chế trong thu hút đầu tư chất lượng cao. Việc chuyển đổi các khu này sang mô hình tích hợp bao gồm sản xuất, đô thị, dịch vụ, logistics… là hướng đi tất yếu để giải bài toán phát triển bền vững dài hạn.
Theo ông Chế Văn Trung, Giám đốc Khu công nghiệp Cát Lái, việc xây dựng một mô hình khu công nghiệp thông minh mới sau khi sáp nhập 3 tỉnh không chỉ giúp giải quyết các hạn chế cũ mà còn giúp thành phố đáp ứng tiêu chuẩn phát triển hiện đại như ESG (môi trường – xã hội – quản trị), kinh tế tuần hoàn và hiệu quả năng lượng. Việc TP Hồ Chí Minh ưu tiên phát triển hạ tầng khu công nghiệp gắn với sản xuất thông minh là xu thế phù hợp toàn cầu. Khi sản xuất kết hợp dữ liệu, AI và kết nối số, doanh nghiệp có thể nâng cao năng suất, giảm chi phí và tối ưu toàn bộ chuỗi giá trị, từ đó nâng vị thế trong mạng lưới công nghiệp quốc tế.
Trong bối cảnh đó, việc TP Hồ Chí Minh sáp nhập hai địa phương công nghiệp trọng điểm là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo thêm dư địa cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp gắn với chuyển đổi xanh - số. TS. Trần Duy Hưng,chuyên gia kinh tế vùng và đô thị Nam bộ nhận định, mở rộng không gian địa lý sau sáp nhập là cơ hội vàng để thành phố tái cấu trúc ngành công nghiệp theo hướng hiện đại. Nếu tận dụng tốt hạ tầng sẵn có tại hai tỉnh, TP Hồ Chí Minh có thể hình thành trục công nghiệp xanh liên vùng, thu hút đầu tư công nghệ cao và tạo bước chuyển chiến lược trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cần chiến lược dài hạn
Theo các chuyên gia kinh tế, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất thông minh của khu vực, TP Hồ Chí Minh chọn cách tiếp cận dựa trên sự bền vững và năng lực nội sinh. Điều này thể hiện rõ trong định hướng tái cấu trúc ngành công nghiệp, không chạy theo phong trào “xanh hóa công xưởng” mà là hoạch định chiến lược nhằm xác lập lại vai trò của thành phố trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, một trong những động thái mang tính bước ngoặt là việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực nội đô, nơi quỹ đất eo hẹp và áp lực môi trường lớn, sang các khu công nghiệp thế hệ mới có hạ tầng đồng bộ, công nghệ cao và tiêu chuẩn quản lý tập trung. Đây là cách để vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đến đô thị, vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào dây chuyền hiện đại, ứng dụng công nghệ số và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
TS Nguyễn Thu Hằng, Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển bền vững cho biết, chuyển đổi công nghiệp sang xanh không còn là xu hướng mà là yêu cầu bắt buộc nếu TP Hồ Chí Minh muốn giữ vai trò đầu tàu kinh tế trong giai đoạn mới. Sau khi hợp nhất thêm hai tỉnh năng động về công nghiệp, Thành phố có điều kiện hình thành các "hệ sinh thái công nghiệp tuần hoàn", nơi doanh nghiệp tái sử dụng tài nguyên, kết nối năng lượng và chia sẻ dữ liệu trong chuỗi cung ứng. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý, chính sách cần sớm ban hành cơ chế liên vùng, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ và tuân thủ tiêu chuẩn ESG ngay từ khâu quy hoạch.
Các doanh nghiệp ưu tiên sản xuất xanh để đáp ứng theo xu thế.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cũng cho biết, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất thông minh, bền vững không thể thực hiện bằng nguồn lực ngắn hạn. Đây là chiến lược lâu dài, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, ổn định và linh hoạt. Do đó, điều quan trọng là kết nối hiệu quả khu vực sản xuất với hệ sinh thái tài chính, từ ngân hàng đến thị trường chứng khoán và các định chế quốc tế.
"Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc mạnh mẽ, TP Hồ Chí Minh có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất và trung chuyển chiến lược của khu vực nếu đầu tư đúng hướng vào hệ thống logistics thông minh. Sự phát triển đồng bộ của cảng biển, sân bay, khu công nghiệp tích hợp và mạng lưới logistics sẽ giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước tối ưu chi phí vận hành, rút ngắn thời gian giao thương và gia tăng lợi thế cạnh tranh. Đây là điều kiện tiên quyết để thành phố thu hút đầu tư công nghệ cao, tăng tốc hiện đại hóa nền sản xuất và hướng đến một nền công nghiệp xanh, phát thải thấp. Đặc biệt, với yêu cầu ngày càng cao từ các thị trường quốc tế như EU, Mỹ, Nhật Bản về tiêu chuẩn sản phẩm, trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững, việc chuyển đổi mô hình sản xuất sẽ không còn là lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc để duy trì lợi thế xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu", ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.
Bài cuối: Hướng đến nền công nghiệp xanh và công nghệ cao