Ngày 18/4, Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công an Thành phố tổ chức chương trình thu mẫu ADN cho thân nhân của liệt sỹ chưa xác định danh tính.
Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an Thành phố Hồ Chí Minh cùng cơ quan chức năng thu mẫu AND của thân nhân Liệt sỹ chưa xác định danh tính.
Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2025).
Theo Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an Thành phố Hồ Chí Minh, công tác tìm kiếm, quy tập và nỗ lực xác định danh tính hài cốt các anh hùng liệt sỹ luôn được Đảng, nhà nước quan tâm; là một hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” được lãnh đạo, các cấp ngành, nhân dân thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, cơ quan và địa phương, sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, cá nhân vì có rất nhiều liệt sỹ hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến, ở nhiều địa bàn khác nhau cả trong và ngoài nước.
Thượng tá Hồ Thị Lãnh cho biết, Công an Thành phố đã và đang triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ (theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ) về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; tổ chức triển khai thu thập, tích hợp thông tin ADN của cá nhân. Đặc biệt, Công an thành phố xác định, việc ứng dụng Công nghệ thông tin vào công tác rà soát đối chiếu, xác định và tìm ra danh tính, hài cốt liệt sỹ không đơn giản chỉ là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, tri ân thiết thực đối với sự hy sinh của các thế hệ cha anh.
Từ ý nghĩa to lớn đó, những người trực tiếp làm công việc này luôn nỗ lực, tận tâm, tận lực với mong muốn, sau hoạt động, các mẹ, thân nhân các anh hùng liệt sỹ sẽ sớm tìm được hài cốt, danh tính của những người cha, người anh, người con đã hy sinh. Chương trình cũng thể hiện sự tri ân, biết ơn những hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sỹ và mất mát to lớn của các mẹ, gia đình thân nhân, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, Thượng tá Hồ Thị Lãnh chia sẻ.
Là em của liệt sỹ Lê Thanh Phong (1948-1968) và liệt sỹ Lê Hồng Cẩm (1951-1970), chị Nguyễn Thị Loan, ngụ ở Quận 6 vui mừng khôn xiết bởi việc xét nghiệm ADN cho cơ hội tìm kiếm 2 liệt sỹ nhiều hơn.
“Ngày trước, gia đình chúng tôi nhận được tin của đơn vị báo liệt sỹ Lê Thanh Phong hy sinh ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Nhưng khi hòa bình, thống nhất đất nước, gia đình có liên lạc nhưng tìm không thấy… Đã nhiều năm tìm kiếm, nay được các cơ quan chức năng tổ chức thu mẫu ADN cho thân nhân của liệt sỹ chưa xác định danh tính, gia đình rất mừng. Chúng tôi hy vọng, các cơ quan sẽ tìm kiếm, sớm xác định danh tính của các anh, giúp gia đình tìm lại được người thân để thỏa ước nguyện”, chị Loan chia sẻ.
Thu mẫu AND của chị Nguyễn Thị Loan, ngụ ở Quận 6, là em ruột của 2 liệt sỹ chưa xác định danh tính.
Ở tuổi gần 90, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Anh, ngụ ở Quận 12 hôm nay bỗng đứng, ngồi khỏe hẳn để đi tìm người con liệt sỹ Quang Minh Phước (1965-1985) hy sinh ở chiến trường Campuchia.
Chị Quang Thị Mỹ Hồng (chị cả của Liệt sỹ Quang Minh Phước) cho biết thêm: Khi chiến trường biên giới Tây Nam sôi sục, năm 1982 em Quang Minh Phước đã viết đơn tự nguyện lên đường nhập ngũ. Những tháng ngày sau đó ở Xiêm Riệp (Campuchia), em và gia đình vẫn liên lạc bằng thư tay. Song đến năm 1985, đơn vị thông báo em đã hy sinh. Sau đó, gia đình đã nhiều lần nhờ các đơn vị tìm kiếm nhưng không được…
“Từ khi nhận được thông báo thu mẫu ADN cho thân nhân của liệt sỹ chưa xác định danh tính cả nhà bồn chồn lắm. Sáng nay, chính quyền địa phương tổ chức xe đưa đón, cử người theo để hỗ trợ gia đình. Mong các anh, chị, cơ quan chức năng sớm tìm được em để gia đình hương khói, tnhất là khi mẹ đã gần 100 tuổi…”, chị Hồng mong ước.
Thực hiện thu mẫu ADN cho thân nhân của liệt sỹ chưa xác định danh tính, bà Trần Thị Ngân, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần GeneStory cho biết, trình tự thực hiện là lập hồ sơ, lấy mẫu 2 người thân họ ngoại để từ đó đối chiếu, xác định danh tính; trong đó, quan trọng nhất là việc xác định thân nhân của liệt sỹ.
Quá trình thực hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước, bà Ngân cho biết có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng có khó khăn. “Song, điều chúng tôi mong muốn nhất là đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu bởi hầu hết các mẹ nay đã ngoài 90 tuổi, sức khỏe không còn đảm bảo. Mỗi trường hợp thành công chúng không chỉ là hoàn thành nhiệm vụ mà chính là đã đưa các anh hùng liệt sỹ trở về với gia đình…”, bà Ngân chia sẻ.
Theo Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt này, các đơn vị tổ chức tiếp nhận thông tin, lấy hơn 64 mẫu ADN của thân nhân liệt sỹ để xác định danh tính của 33 liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Chương trình lấy mẫu được triển khai theo 2 phương án, với các mẹ còn có điều kiện về sức khỏe, chính quyền địa phương, ngành y tế và công an tổ chức xe đưa đón đến điểm lấy mẫu. Với các mẹ tuổi cao, đi lại khó khăn, đoàn công tác sẽ đến tận nhà để lấy mẫu, phục vụ giám định ADN.