03:23 05/03/2012

TP Hồ Chí Minh: Kiên quyết không để dịch chồng dịch

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nhiều dịch bệnh đang có khả năng bùng phát trong những tháng tới, nhất là các bệnh như: Tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH), não mô cầu và đặc biệt trong thời gian gần đây là bệnh cúm A/H5N1.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nhiều dịch bệnh đang có khả năng bùng phát trong những tháng tới, nhất là các bệnh như: Tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH), não mô cầu và đặc biệt trong thời gian gần đây là bệnh cúm A/H5N1. Do đó, TP.HCM đang khẩn trương cùng các cơ quan, ban, ngành có những biện pháp phòng chống dịch bệnh nói trên.

Người dân phải chủ động phòng chống dịch bệnh.


Theo thống kê của Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2012, cả nước đã có trên 7.000 người mắc bệnh TCM tại 60 địa phương, trong đó có 9 trường hợp tử vong, đa số tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi. So với cùng kỳ năm ngoái thì số người mắc bệnh TCM tăng 7 lần.

Riêng Sở Y tế TP.HCM cho biết dịch TCM đang diễn biến đáng báo động khi số ca mắc bệnh đang tăng mạnh mặc dù đã ở cuối mùa dịch. Trong tuần qua toàn thành phố đã có khoảng 130 trường hợp mắc TCM phải nhập viện điều trị. Tính từ đầu năm, TP.HCM có 1 trường hợp TCM tử vong. Bác sỹ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, dự báo bệnh TCM sẽ còn tiếp tục tăng nhanh vào thời điểm tháng 3 và tháng 4.

Trong khi bệnh TCM đang có chiều hướng gia tăng thì bệnh SXH cũng bắt đầu có dấu hiệu bùng phát mặc dù vẫn chưa vào thời điểm của dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, TP.HCM có tới hơn 1.400 trường hợp SXH phải nhập viện, trong đó có nhiều ca nặng, chủ yếu là trẻ em; trong đó có 2 trường hợp tử vong ở quận Bình Thạnh và quận 3. Song song đó, các bệnh như mô não cầu, cúm A/H5N1 cũng có chiều hướng gia tăng không kém. Từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 4 ca nhiễm não mô cầu và mặc dù bệnh đã được khống chế nhưng vẫn có xu hướng tái phát. Hiện ở TP.HCM vẫn chưa xuất hiện trường hợp nhiễm cúm A/H5N1, nhưng nguy cơ TP.HCM xuất hiện loại dịch bệnh này là khó tránh khỏi bởi lượng gia cầm từ các tỉnh vào TP.HCM hàng ngày là rất lớn.

Do tình hình dịch bệnh TCM vẫn còn diễn biến phức tạp, vừa qua Bộ Y tế đã cho thành lập các Trung tâm huấn luyện điều trị bệnh nhân TCM tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để huấn luyện chuyên môn về điều trị, chăm sóc bệnh nhân TCM cho các bệnh viện tuyến. Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM cũng đang ráo riết lên kế hoạch phòng chống dịch bệnh.

Theo đó, Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch bệnh SXH và TCM tại 24 quận, huyện; đồng thời phối hợp với sở GD&ĐT TP.HCM tiến hành kiểm tra tại các trường học với các nội dung như: Công tác tổ chức tuyên truyền và huấn luyện phòng chống bệnh dịch trong trường học; kiểm tra công tác tổ chức rửa tay trẻ, vệ sinh, khử khuẩn lớp học và đồ chơi trẻ em; công tác vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần môi trường sinh hoạt của trẻ; kiểm tra công tác dọn dẹp các vật phế thải có khả năng ứ đọng nước mưa...

Mỗi đoàn phải chịu trách nhiệm giám sát dịch bệnh tại hai quận, huyện được phân công, mỗi quận huyện phải được kiểm tra ít nhất là một lần. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện những khó khăn vướng mắc sẽ đề xuất lên trên và có hướng xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, do SXH vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh, biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh theo nguyên tắc: Không loăng quăng, không muỗi là không có SXH.

Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng khuyến cáo: Trong mùa dịch này, mọi người phải giữ vệ sinh miệng. Phải súc họng mỗi ngày ít nhất ba lần bằng nước muối hoặc có điều kiện thì mua những loại thuốc súc miệng tại các hiệu thuốc... để giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh từ người này sang người khác và giúp giữ sạch vùng họng. Tránh tiếp xúc gần người bị sốt, đau họng... vì bệnh lây qua đường hô hấp.

Giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt gia đình, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, diệt muỗi, diệt loăng quăng, không ăn gia cầm không rõ nguồn gốc; không tiếp xúc và phải tiêu hủy đúng quy trình với gia cầm, thủy cầm chết là khuyến cáo của ngành y tế mà người dân cần tuân thủ tuyệt đối để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cho cộng đồng.

Bài và ảnh: Đan Phương