02:16 26/02/2021

TP Hồ Chí Minh kiên quyết dẹp vấn nạn karaoke tự phát

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, không thể để tồn tại tình trạng người dân bị tra tấn bởi karaoke tự phát vào buổi tối. Các sở ngành liên quan, UBND quận, huyện, phường xã… cần kiên quyết dẹp vấn nạn này.

Không có chứng cứ xử lý

Ông Phan Đình An, chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp cho biết, sau Tết, tình trạng hát karaoke gây ồn ào trong khu dân cư diễn ra liên tục, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân. Vấn đề này kéo dài đã gây bất hòa trong khu dân cư, thậm chí dẫn đến những vụ án đau lòng.

Thực tế, địa phương đang gặp khó khăn khi xử lý vấn đề hát karaoke tự phát, gây tiếng ồn tại các khu dân cư. Nguyên nhân, dù cơ chế xử lý đã có, nhưng không có khả năng thực hiện vì cán bộ phường không thể đo tiếng ồn làm bằng chứng can thiệp.

Chú thích ảnh
Tại buổi gặp gỡ, đối thoại với UBND TP Hồ Chí Minh, nhiều chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn khá bức xúc khi khó xử lý vấn nạn hát karaoke tự phát. 

“Vì vậy, muốn xử lý dứt điểm tình trạng hát karaoke, TP Hồ Chí Minh cần đưa vào sử dụng một phần mềm đo tiếng ồn, cán bộ khi xử lý chỉ cần cài đặt phần mềm này làm bằng chứng xử lý. Mặt khác, phải có quy định rõ ràng thời gian hát ban ngày hay ban đêm. Bởi hiện nay, người dân kiến nghị lên, thì công an lại cho rằng phải sau 10 giờ đêm mới xử lý được, điều này đang gây khó cho cán bộ địa bàn”, ông Phan Đình An cho biết thêm.

Chia sẻ thông tin về tình trạng karaoke gây ồn ào tại Thành phố, ông Võ Trung Trực, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong các loại tiếng ồn, thì tiếng ồn từ karaoke tự phát đang khiến nhiều người dân bức xúc, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Trong khi đó, để xử lý vấn nạn này rất khó do lực lượng mỏng. Cụ thể tại quận, huyện thì có 3-4 cán bộ phòng tài nguyên môi trường, còn ở phường/xã /thị trấn  chỉ có 1 cán bộ quản lý nhưng lại kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau.

Theo quy định của Nhà nước, việc xử phạt hành chính về tiếng ồn được quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Nghị định này quy định việc gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng. Tuy nhiên, do việc xử lý vi phạm không có thiết bị đo độ ồn phát sinh nên theo các cơ quan chức năng, việc xử phạt cũng không dễ dàng.

Ông Võ Trung Trực cho biết, áp dụng theo quy định, việc gây tiếng ồn vượt quá giới hạn sẽ được coi là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và sẽ bị xử phạt hành chính. Trong quy trình xử lý vi phạm, khi nhận được tin báo từ người dân hoặc địa phương, lực lượng chức năng sẽ xuống kiểm tra, đo độ ồn. Nếu xác định mức độ gây ồn vượt tiêu chuẩn cho phép, đoàn sẽ lập biên bản hành chính để xử phạt. Tuy nhiên, vừa qua quy trình này chủ yếu áp dụng với những cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đối với còn với karaoke tự phát, loa kéo hàng rong, hát karaoke hộ gia đình… từ trước đến nay vẫn khó xử lý. Bởi mỗi lần đi đo tiếng ồn rất phức tạp, thậm chí khi xuống đến nơi thì điểm hát karaoke tự phát đã tự giải tán.

Vướng ở đâu tháo ở đó

Theo ông Võ Trung Trực, muốn xử lý dứt điểm tình trạng này, sắp tới ngành môi trường sẽ rà soát, phối hợp với các sở, ngành thành lập một tổ liên ngành có công an, các sở và địa phương để đi xử phạt, lập biên bản xử lý. Tuy nhiên, vẫn cần những giải pháp cụ thể như cung cấp các trang thiết bị đo, bổ sung nguồn nhân lực tại cơ sở, nâng mức xử phạt hành chính thật nặng để đủ sức răn đe...

Chú thích ảnh
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề hát karaoke gây tiếng ồn liên quan đến nhiều lĩnh vực như: công thương, môi trường, công an.

Trong khi đó, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề hát karaoke gây tiếng ồn liên quan đến nhiều lĩnh vực như: Công Thương, môi trường, công an nhưng không ai coi đó là chuyện của mình. Dù quy định pháp luật cụ thể, nhưng khi áp dụng quy định nào thì còn rất mơ hồ, chưa hình dung ra loại nào, áp dụng ở đâu.

"Tuy nhiên, cơ quan chỉ đạo xử lý vấn đề này là Sở Tài nguyên và Môi trường. Sắp tới, Sở cần thực thi đúng trách nhiệm và cần rà soát lại các quy định pháp luật có liên quan đến văn hóa, môi trường, an ninh trật tự... Từ đó, cập nhật thành cuốn cẩm nang hướng dẫn cho cơ sở các quy định, các giải pháp xử lý cụ thể để có cơ sở áp dụng cho đúng. Nếu là tổ chức thì nên thành lập tổ công tác liên ngành đi xử lý. Nếu có mức phạt, cách làm rõ ràng thì người dân và đơn vị sẽ tự chấn chỉnh cho phù hợp theo từng địa phương", ông Võ Văn Hoan nói.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí MinhNguyễn Thành Phong cho biết: "Người dân đi làm, tối về cần nghỉ ngơi nhưng bị tra tấn bởi karaoke tự phát là không thể chấp nhận được. Vì vậy, để giải quyết triệt để vấn đề này, các địa phương, sở ngành cần thấy trách nhiệm của mình và đừng xem chuyện này là chuyện bình thường, phải xử lý triệt để. Khi thực hiện có khó khăn, vướng mắc ở đâu thì báo cáo cụ thể cho các sở, ngành liên quan hoặc báo cho lãnh đạo TP Hồ Chí Minh để có những biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời, tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân".

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức