01:07 14/01/2018

TP Hồ Chí Minh kiểm soát 'mâm cỗ ngày Tết' cho người dân

Chống thực phẩm "bẩn" tuồn vào mâm cơm của người dân TP Hồ Chí Minh vào dịp Tết, các lực lượng chức năng, nhất là Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm soát các cửa ngõ và trên thị trường.

Lo ngại thực phẩm kém chất lượng


Những loại thực phẩm được người dân tiêu thụ nhiều nhất trong dịp Tết Nguyên đán thường là bánh kẹo, mứt, bia, đồ khô, thịt gia súc, gia cầm, hải sản, giò chả, lạp xưởng... Lợi dụng nhu cầu tiêu thụ tăng cao của người dân, các mặt hàng kém chất lượng được tung ra thị trường với nhiều hình thức kinh doanh khách nhau, như bán trên các trang thương mại điện tử, trên facebook, chợ truyền thống và các chợ tự phát.


Trong những ngày đầu năm 2018, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp phát hiện và thu giữ số lượng lớn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc và sử dụng chất tẩy trắng. Đoàn kiểm tra của Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra tại cơ sở giò chả Ngọc Châu (ấp Nam Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) cơ sở có giấy phép kinh doanh, giấy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng lại không chứng minh được nguồn gốc các nguyên liệu như tai heo, da heo mà cơ sở đưa vào chế biến. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện 2 container ở khu vực bãi giữ xe gần đó có chứa gần 27 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ.


Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã phát hiện và xử phạt một số vụ việc khá nghiêm trọng như bắt và tiêu hủy 27 tấn thịt heo, gà cấp đông không rõ nguồn gốc ở Hóc Môn; hay bắt xử lý tại chỗ và tiêu hủy 2 tấn lòng heo tẩy trắng ở quận 12. Có thể thấy rằng, những vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm đang ngày càng tinh vi hơn”.


Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, ba mặt hàng chính người dân sử dụng trong dịp Tết đó là thịt gia cầm, thịt heo và một số nhu yếu phẩm khác. Tuy nhiên, vào những ngày cận Tết không khí lạnh nên ảnh hưởng đến dịch tễ, bệnh cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát nên người dân khi sử dụng gia cầm cần phải quan tấm đến những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bao bì đóng gói đảm bảo an toàn... Đặc biệt, không nên đưa gia cầm sống về nhà giết mổ vì rất có thể trên những con gia cầm sống này tồn tại vi rút cúm.

TP Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra các mặt hàng phục vụ Tết, giúp người dân yên tâm đón Tết. Ảnh: Co.opmart

"Trong thời gian tới, chúng ta cần phải hết sức đề cao cảnh giác, phối hợp với người dân khi phát hiện được vụ việc cần phải phối hợp với cơ quan, ban ngành các cấp để xử lý thật nghiêm", bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.


Tăng cường công tác thanh kiểm tra


Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong đợt Tết Nguyên đán 2018, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Mậu Tuất trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 27/3, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị liên quan thành lập các đoàn thanh tra liên ngành từ cấp thành phố đến cấp phường, xã; thanh tra tập trung vào nhóm sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết và lễ hội; kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm.


Qua đó, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng tập trung tăng cường công tác thanh kiểm tra, phát huy thế mạnh của các đội an toàn thực phẩm ở các quận, huyện; đồng thời thành lập 12 đoàn thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm gồm các chuyên viên của phòng Thanh tra Ban quản lý an toàn thực phẩm và đại diện chính quyền địa phương để tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến nhập khẩu kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.


"Chúng tôi tập trung kiểm tra vào những nhóm ngành hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như thịt rau, củ quả, hải sản và những loại thực phẩm chế biến như rượu bia, bánh mứt, đồ khô lạp xưởng, giò chả... Tất cả những loại thực phẩm này càng gần tết càng phức tạp. Do đó, chúng ta càng phải lưu ý hơn", bà Lan cho biết thêm.


Bên cạnh đó, Ban an toàn thực phẩm thành phố cũng tập trung trong công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, giám sát lễ hội và phối hợp với ngành y tế để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.


Còn theo Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, để kiểm soát nguồn thực phẩm vào thành phố, Chi cục thú y đã phối hợp và tổ chức 3 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra ở các tuyến ra vào cửa ngõ thành phố. Theo đó, 3 đoàn kiểm tra này sẽ hoạt động 7/7 ngày/tuần. Tùy theo quy mô, Chi cục sẽ có tần suất kiểm tra thay đổi lưu động và tiến hành kiểm tra các cơ sở chăn nuôi và giết mổ đang hoạt động trên địa bàn thành phố.


Để ngăn chặn hàng gian, hàng giả trong dịp Tết, ngay từ đầu tháng 9/2017, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra cao điểm chống buôn lậu gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, Chi cục chỉ đạo cho Chi cục các quận, huyện phải rà soát những khu vực trọng điểm, cá nhân, tổ chức có vi phạm để sàng lọc, kiểm tra xử lý một cách kịp thời. Cụ thể như đối với các địa bàn vùng ven ngoại thành quận 6, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn...; tập trung nắm tình hình ở các kho bãi trung chuyển hàng hóa. Còn ở các quận trung tâm, tập trung kiểm tra ở các trung tâm thương mại, chợ lẻ, chợ sỉ, chú ý vào các mặt hàng thời trang, thực phẩm bánh kẹo... đặc biệt lưu ý đến thuốc lá lậu và pháo.


"Chúng tôi phối hợp với các ban ngành, kiểm tra, xử lý kịp thời các vụ việc thực phẩm bẩn và tập trung xử lý một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chuẩn bị kho bãi để đưa các mặt hàng kém chất lượng vào đây kiểm soát và không để những loại mặt hàng này tuồn ra ngoài", đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.


Đan Phương/Báo Tin tức