08:19 18/08/2022

TP Hồ Chí Minh: Kiểm soát chặt giá cả các mặt hàng có dấu hiệu tăng bất thường

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện nguồn cung hàng hóa đã dồi dào, đảm bảo cung ứng cho thị trường nên Sở đã có công văn gửi các đơn vị yêu cầu kiểm tra, giám sát các mặt hàng tăng giá bất thường nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh trả lời báo chí trong chiều 18/8.

Chiều 18/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong tuần qua.

Trả lời vấn đề về kiểm tra việc tăng giá bất thường đối với hàng hoá trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã gửi văn bản kiểm tra, giám sát việc tăng giá đến các siêu thị, cửa hàng, chợ đầu mối, các đơn vị bình ổn giá… Kết quả ban đầu chưa phát hiện đơn vị vi phạm và đã có một số siêu thị thông báo giảm giá một số mặt hàng thiết yếu. Chẳng hạn như siêu thị Saigon Co.op, hệ thống Bách Hóa Xanh đã có thông báo giảm giá mặt hàng dầu ăn, như: dầu ăn Cooking giảm giá từ 50.000 đồng/chai xuống còn 47.000 đồng/chai, dầu ăn Nakydaco giảm từ 47.000 đồng/chai xuống còn 43.000 đồng/chai… Mức giảm giá này được áp dụng từ ngày 22/8.

“Hiện nguồn cung hàng hóa vẫn đảm bảo số lượng, chất lượng; giá cả được giữ bình ổn theo đúng quy định do các đơn vị chuẩn bị nguồn cung ứng dồi dào. Nhiều doanh nghiệp bình ổn còn cam kết giữ giá cho người tiêu dùng. Ngoài ra, hiện đang vào mùa cao điểm phục vụ năm học mới nên các đơn vị bình ổn giá cũng cam kết đảm bảo giá cả ổn định đối với các mặt hàng như cặp sách, ba lô…”, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc nói.

Chú thích ảnh
Các mặt hàng thiết yếu trong chương trình bình ổn vẫn đang giữ giá ổn định. 

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có công văn gửi các sở, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện về việc triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá các tháng cuối năm 2022. Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo đối với hàng hoá, dịch vụ do nhà nước định giá thì các sở, ngành, đơn vị tiếp tục thực hiện các phương án đã được phê duyệt tại Thông báo số 81, Thông báo số 179 của Văn phòng Chính phủ.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao Sở Công Thương tăng cường theo dõi sát diễn biến cung cầu các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; tiếp tục chủ trì, phối hợp các sở, ngành thực hiện các chương trình bình ổn thị trường, nhất là chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, tránh tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức