07:10 30/07/2019

TP Hồ Chí Minh hiện thực hóa khu đô thị sáng tạo phía Đông

TP Hồ Chí Minh đang kì vọng việc xây dựng, quy hoạch một đô thị, khu trung tâm tài chính, kinh tế tại khu vực phía Đông TP Hồ Chí Minh sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị của toàn thành phố.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết thành phố đã triển khai Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến 2025, trong đó điểm nhấn là xây dựng Khu đô thị sáng tạo tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức trên nền tảng phát triển kinh tế số và kinh tế tri thức.

Chú thích ảnh
Phía Đông TP Hồ Chí Minh tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao với hàng ngàn lao động đang làm việc.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, khu đô thị sáng tạo sẽ trở thành hạt nhân cốt lõi thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn và là nền tảng để triển khai Đề án đô thị thông minh trên toàn thành phố. Khu đô thị này sẽ là động lực để thúc đẩy phát triển, thúc đẩy cả trình độ con người, nâng cao đời sống, tri thức của người dân thành phố; đồng thời giúp chuyển dịch cơ cấu dân số, giải quyết bài toán giãn dân, giảm áp lực lớn đối với hạ tầng giao thông thành phố hiện nay. Đây là bệ phóng giúp TP Hồ Chí Minh tăng sức cạnh tranh lớn về mọi mặt trên trường quốc tế.

"Một khi có sự quyết tâm và đồng lòng giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp cùng những chính sách mang tính đột phá, khu vực phía Đông TP Hồ Chí sẽ trở thành một đô thị xứng tầm với các nước phát triển trong khu vực, đủ sức cạnh tranh với nhiều đô thị lớn trên thế giới", ông Nguyễn Thành Phong cho biết.

Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, sở dĩ thành phố chọn vùng đất phía Đông là vì khu vực này chưa phải đô thị cải tạo mà hiện là đô thị đang phát triển, còn nhiều dư địa, nhiều điều kiện để hạ tầng được xây dựng ngay từ đầu. Cụ thể, nơi đây đang tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp với những sản phẩm mang hàm lượng khoa học – công nghệ cao. Nơi đây còn là môi trường làm việc, học tập, sinh sống thuận lợi của các chuyên gia, nhà khoa học và lực lượng lao động có trình độ và chất lượng.

Chú thích ảnh
Hạ tầng giao thông phía Đông thành phố đang đẩy nhanh tiến độ để kết nối trung tâm thành phố với các tỉnh Đông Nam bộ.

Để hiện thực hóa Khu đô thị sáng tạo phía Đông, ông Lê Thanh Liêm cho biết, hiện nay chính quyền thành phố đang triển khai những nội dung cụ thể, như: Hình thành mạng lưới lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp - các viện trường – nhà nước để hợp tác chính thức về việc lập chương trình, thiết kế, phân phối, tiếp thị và quản trị; đặt ra tầm nhìn cho sự phát triển đô thị trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế, đô thị và xã hội; xây dựng các chiến lược thu hút tài năng và công nghệ để tạo ra một nền tảng chất lượng cao cho các công ty sáng tạo. Thúc đẩy tăng trưởng tổng thể bằng cách sử dụng khu vực đổi mới làm nền tảng tái tạo các vùng lân cận xung quanh đang gặp khó khăn cũng như tạo ra các cơ hội giáo dục, việc làm và các cơ hội khác cho các cư dân có thu nhập thấp của thành phố. Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận vốn để hỗ trợ khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; thương mại hóa đổi mới; khởi nghiệp và mở rộng doanh nghiệp; phát triển bất động sản đô thị, dân dụng, công nghiệp và thương mại cơ sở hạ tầng…

Trong khi đó, ông Ousmane Dion, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng để phát huy vai trò của Khu đô thị sáng tạo phía Đông, bên cạnh việc liên kết chặt chẽ với các khu vực xung quanh như Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh cần phải có các chính sách thu hút, giữ chân và phát triển nhân tài; cần phát triển kỹ năng kỹ thuật, nâng cấp kỹ năng, tạo ra môi trường để thu hút DN nước ngoài đến đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến…; cần thiết lập mạng lưới quan hệ giữa lãnh đạo các đơn vị với nhau, giữa các lãnh đạo và cộng đồng về chính sách, cải cách hành chính để chia sẻ kiến thức, thông tin cần thiết để lập ra khu vực đô thị sáng tạo phía đông với việc kết nối cộng đồng, doanh nghiệp, xã hội hiệu quả.

TP Hồ Chí Minh hiện có 3 khu đô thị mới tập trung ở phía Đông là khu đô thị Thủ Thiêm ở quận 2 với quy hoạch chính là trung tâm tài chính kinh tế của thành phố, Khu công nghệ cao ở quận 9 là nơi sẽ thực hành những ý tưởng sáng tạo và Khu Đại học  Quốc gia ở quận Thủ Đức là nơi ươm mầm cho ý tưởng, nghiên cứu khoa học, đào tạo quốc tế, quy tụ hàng nghìn sinh viên trên cả nước. Các khu này bao gồm: Khu Đại học Quốc gia với 18 đại học thành viên và Viện nghiên cứu; Khu công nghệ cao giai đoạn 1 và 2 khoảng 1.066 ha với 13 tập đoàn, công ty lĩnh vực công nghệ cao; Trung tâm thương mại dịch vụ tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích 657 ha; các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Linh Trung 1, Linh Trung 2, Cát Lái và Bình Chiểu....
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức